Doanh nghiệp Việt Nam mong muốn có thể hiện thực hóa các lợi ích từ TPP càng sớm càng tốt, dù là một phần TPP. Không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn điều này.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ quan điểm liên quan đến TPP trước khi APEC CEO Summit 2017 chính thức bắt đầu với phiên thảo luận đầu tiên là Tương lai toàn cầu hóa.
"Chúng tôi đã thảo luận và có chung ý kiến là kêu gọi Chính phủ các nước thành viên TPP thúc đẩy các nỗ lực để sớm đưa TPP có hiệu lực thông qua việc cân nhắc phương án thực thi ngay một phần cam kết về thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, mở cửa thị trường mua sắm công; các cam kết về thể chế giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với thông lệ và xu hướng chung của thế giới (cơ chế bảo hộ/đối xử đầu tư, hải quan và tạo thuận lợi thương mại).
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ quan điểm này khi nói về TPP 11.
"Thứ nhất, đó là đóng băng tạm thời một số cam kết, điều khoản ở mức tối thiểu, làm sao để nó giữ được tinh thần hiệp định chất lượng cao gắn với cải cách thể chế hướng tới cách thức kinh doanh đầu tư thế hệ mới. Thứ hai, 11 thành viên TPP sẽ vạch ra được lộ trình đàm phán để đi đến thoả thuận và đưa TPP vào thực hiện trong thời gian ngắn nhất", ông Thành nói.
Đặc biệt, ông Thành cũng dự báo rằng, TPP cũng là nội dung sẽ được các CEO thảo luận tới tại APEC CEO Summit. "Dù thế nào thì TPP cũng sẽ tác động đến các hoạt động kinh doanh, nhất là xu hướng toàn cầu hóa", ông Thành nói.
Các cuộc đối thoại bên lề giữa các doanh nghiệp cho thấy, mối quan tâm đang tập trung vào các chính sách của các nền kinh tế, nhất là các giải pháp thúc đẩy hội nhập, liên kết kinh tế, nhất là khi quan điểm chống lại toàn cầu hóa có xu hướng gia tăng sau khi Mỹ quyết định rút khỏi TPP.
Riêng với doanh nghiệp Việt Nam, nếu TPP tạm thời chỉ có hiệu lực với 11 thành viên, Việt Nam cũng sẽ ngay lập tức được hưởng lợi ở các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru (mà Việt Nam chưa từng có FTA), đồng thời tận dụng được cơ hội tiếp cận thị trường lớn hơn ở Nhật Bản, Australia, New Zealand... (các thị trường mà Việt Nam đã có FTA nhưng mức tự do hóa trong các FTA đã có thấp hơn đáng kể so với TPP).
Đối với nhiều nước thành viên TPP khác cũng tương tự.
“Đây là lý do cộng đồng doanh nghiệp các nước TPP mong muốn một giải pháp có thể sớm thu lợi ích từ việc triển khai thực thi TPP mà không phải đàm phán thêm, cũng không làm thay đổi hiện trạng các nội dung hiện có trong TPP, sẵn sàng chào đón Hoa Kỳ quay trở lại TPP khi thích hợp”, ông Lộc cho biết thêm.
Điểm thuận lợi với các doanh nghiệp Việt Nam là Chính phủ Việt Nam đã khẳng định quan điểm Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đối mới trong nước, tự do hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Nếu có thể thúc đẩy TPP sớm có hiệu lực, Việt Nam sẽ có thêm xung lực mới cho cải cách thể chế trong nước, hướng tới các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.