Chiến tích của tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch Châu Á đánh dấu bước ngoặt của nền bóng đá nước nhà. Dù không thể giành chức vô địch khi để thua U23 Uzebakistan tại trận chung kết, nhưng điều kỳ diệu U23 Việt Nam đã làm trên đất Trung Quốc, biến từng cầu thủ trở thành những người hùng khi về nước.
Truyền thông cảm ơn các cầu thủ, đồng thời không quên dành những lời có cánh tới những ông chủ doanh nghiệp đã đầu tư cho thế hệ trẻ. Hai “ông bầu” được nhắc tới nhiều nhất trong sự thành công của U23, đó là ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai và ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch tập đoàn T&T. Với đa phần đội hình tuyển U23 đều được tuyển chọn từ hai lò đào tạo trên, bầu Đức và bầu Hiển trở thành những biểu tượng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Nutifood, với vai trò đơn vị đồng hành với bóng đá Việt nhiều năm qua, cũng xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ. Nutifood hiện cũng là nhà tài trợ của V-league, giải bóng đá chuyện nghiệp của Việt Nam.
Làn sóng đầu tư vào bóng đá, theo đó cũng hồi sinh mạnh mẽ kể từ sau cuộc khủng hoảng niềm tin bởi nghi án bán độ, những thương vụ “ăn xổi” của các đại gia.
“U23 thành công mang lại hiệu ứng chưa từng có. Là người làm kinh doanh, tôi tin rằng dù có bỏ ra hàng chục tỷ USD cũng không có cách nào mua về niềm vui, tinh thần cao đến thế”, ông Lê Xuân Trường, Tổng giám đốc Đại Việt nhận định.
Người làm kinh doanh luôn cần phải nhanh nhạy, và ông chủ Đại Việt không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Chủ của sàn batdongsan.com.vn công bố sẽ trở thành nhà đầu tư cho đương kim vô địch V-league là câu lạc bộ Quảng Nam. Phía Đại Việt hứa hẹn, sự tham gia của nhà đầu tư sẽ giúp thay đổi cơ chế lương, thưởng và đặc biệt là công tác đào tạo trẻ nơi đây.
Giữ bí mật về con số đầu tư, nhưng các chuyên gia về bóng đá nhận định, để một đội bóng có thể trụ hạng tại V-league, số tiền cần thiết để duy trì sẽ vào khoảng 40 tỷ đồng/năm. Những đội có tham vọng vô địch, con số này không dưới 80 tỷ đồng mỗi năm. Với mục tiêu vào top 3 V-league năm nay, Quảng Nam chắc chắn sẽ cần một khoản tiền không nhỏ.
Một vài doanh nghiệp thì tranh thủ quảng bá thương hiệu thông qua những hợp đồng tài trợ. Asanzo, hãng sản xuất TV, điện thoại trong nước mới đây công bố trở thành nhà tài trợ chính của câu lạc bộ Hải Phòng. Logo Asanzo sẽ xuất hiện trên áo đầu của câu lạc bộ, và các sản phẩm của Asanzo cũng xuất hiện thường trực trên biển quảng cáo, khán đài, phòng thay đồ và các chương trình khuyến mãi khác. Chủ tịch Phạm Văn Tam cho biết, Asanzo sẽ tài trợ cho V-league và nhiều hoạt động thể thao khác.
Âm thầm hơn, tập đoàn Vicostone của ông Hồ Xuân Năng cũng tham gia vào các hoạt động tài trợ bóng đá với câu lạc bộ Nam Định. Không quá rầm rộ, nhưng người hâm mộ vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy biển quảng cáo của Vicostone trên sân vận động Thiên Trường.
Động thái của Asanzo và Vicostone diễn ra chỉ 3 tháng sau khi Toyota, nhà tài trợ chính của V-league 3 mùa gần đây tuyên bố rút khỏi giải đấu để chuyển sang tài trợ cho giải vô địch Thái Lan.
Rõ ràng, hiệu ứng U23 đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm đầu tư của các doanh nghiệp. Từ một giải đấu "không ai thèm xem", người hâm mộ giờ đây háo hức chờ các trận đấu diễn ra ở V-league để chứng kiến những Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải,… ra sân. Giải vô địch quốc gia, từ mảnh đấy khô cằn không ai ngó ngàng, bỗng trở nên mầu mỡ thu hút mọi doanh nghiệp muốn xây dựng uy tín, quảng bá thương hiệu.
Mô hình càng lớn, các doanh nghiệp sẽ càng cần thêm những sản phẩm mới để đổ tiền quảng bá. Đổi lại, bóng đá cũng được bổ sung nguồn lực mạnh mẽ để phát triển. Tại các quốc gia có nền bóng đá phát triển như Anh hay Ý, bóng đá là cả một ngành công nghiệp trị giá hàng trăm triệu USD, với những hoạt động kinh doanh, đầu tư, tài trợ,… như một doanh nghiệp thực thụ. Ở Việt Nam, người hâm mộ cũng có tình yêu bóng đá cuồng nhiệt không thua kém gì các quốc gia kể trên, và với thành công của đội tuyển U23, các nhà đầu tư đang rất mong chờ sự hoàn thiện của một nền công nghiệp bóng đá thực thụ.