Ban IV: Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về vốn trong năm 2023

Trong nửa cuối quý IV/2022 và đầu năm 2023, các doanh nghiệp sẽ khó khăn về vốn gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định.

Khó khăn về vốn là một trong những khó khăn được Ban IV tổng hợp và báo cáo Thủ tướng trong bảng tổng hợp một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.

"Khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn; ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước" - báo cáo của Ban IV nêu rõ.

Dẫn ví dụ trực tiếp, báo cáo của Ban IV cho biết doanh nghiệp ngành thép đối diện với "khủng hoảng lớn" khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30%-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao, trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

Doanh nghiệp ngành théo đang rơi vào tình trạng khó khăn về vốn
Doanh nghiệp ngành thép "khủng hoảng lớn" khi khó khăn về vốn

Một ngành khác là nông nghiệp cũng có tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) lại có kì thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023. Thời gian thu mua gấp, lượng vốn cần lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không thể tiếp cận tín dụng nên dự báo rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)…

Để giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn về vốn, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19 tới hết năm 2023.

Cụ thể như chính sách giảm 2% thuế GTGT, chính sách giãn/hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...

Cũng liên quan đến dòng tiền, Ban IV cũng đề xuất Chính phủ trường hợp cần thiết, có thể tính tới các giải pháp đặc biệt để giải nguy cho doanh nghiệp và nền kinh tế, như cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường, vì lượng trái phiếu sắp tới hạn có giá trị vượt rất nhiều lần khả năng mua lại của một số tổng công ty nhà nước.

Có thể bạn quan tâm