
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang từng bước trở thành "chiếc chìa khóa" giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, thích ứng bền vững và vươn xa trên thị trường quốc tế
Theo ông Nguyễn Doãn Quan, cộng đồng doanh nghiệp thành phố Huế đã có những bước chuẩn bị nghiêm túc để đón đầu làn sóng chuyển đổi kép. Những năm gần đây, được sự đồng hành của chính quyền, các sở ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Huế, nhiều doanh nghiệp địa phương đã chủ động thay đổi mô hình hoạt động để thích ứng với yêu cầu thị trường mới.
“Chuyển đổi kép – chuyển đổi xanh và chuyển đổi số” đang trở thành xu hướng phát triển chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đã và đang có những chuyển động mạnh mẽ trong chuyển đổi kép. Ông có bình luận gì về xu hướng này?
Khái niệm chuyển đổi số đã trở nên quen thuộc trong vài năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp nhỏ cũng buộc phải làm quen với hóa đơn điện tử, bán hàng online, phần mềm quản lý kho… Song song đó, chuyển đổi xanh từng là khái niệm xa xỉ, nay đang dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt với các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nhận ra: số và xanh không thể tách rời. Từ việc số hóa quy trình để tiết kiệm điện, đến phân tích dữ liệu nhằm tối ưu nguyên liệu và giảm thải, chuyển đổi kép đang mở ra cơ hội nâng cao hiệu quả, đồng thời đáp ứng các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) đang được các quỹ đầu tư và đối tác quốc tế đặc biệt quan tâm.
Không chỉ là xu hướng mang tính thời sự, chuyển đổi kép, gồm: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang từng bước trở thành "chiếc chìa khóa" giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, thích ứng bền vững và vươn xa trên thị trường quốc tế, như: Tối ưu vận hành, tiết kiệm chi phí; Tăng năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường; Thu hút đầu tư và tài chính ưu đãi; Củng cố thương hiệu và niềm tin người tiêu dùng; Nâng cao khả năng thích ứng và phát triển dài hạn…
Chuyển đổi kép không còn là lựa chọn, mà là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại, phát triển và vươn xa. Từ những hành động nhỏ như: số hóa dữ liệu, thay đổi bao bì, tiết kiệm điện – đến chiến lược dài hạn về công nghệ và môi trường, mỗi bước đi đều là đầu tư cho tương lai.
Quá trình chuyển đổi này đang diễn ra như thế nào trong cộng đồng doanh nghiệp tại thành phố Huế, thưa ông?
Chuyển đổi kép không còn là khái niệm xa lạ với doanh nghiệp Huế. Những năm gần đây, được sự đồng hành của chính quyền, các sở ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Huế, nhiều doanh nghiệp địa phương đã chủ động thay đổi mô hình hoạt động để thích ứng với yêu cầu thị trường mới.
Trong lĩnh vực du lịch, nhiều công ty tại Huế đã ứng dụng công nghệ đặt tour trực tuyến, sử dụng xe điện và đẩy mạnh các tour du lịch sinh thái, du lịch làng nghề bền vững; hay trong lĩnh vực sản xuất và chế biến, các cơ sở thủ công mỹ nghệ truyền thống chuyển sang dùng bao bì thân thiện môi trường, đồng thời tích hợp phần mềm theo dõi đơn hàng và tồn kho. Bên cạnh đó, một số mô hình sản xuất rau hữu cơ, chế biến tinh dầu, trà thảo dược… đã kết hợp IoT trong giám sát độ ẩm, đồng thời đạt chứng nhận sản phẩm OCOP và truy xuất nguồn gốc số… Dù có những những tín hiệu tích cực, nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Huế vẫn gặp khó khăn về nguồn lực tài chính, nhân sự công nghệ và tư duy quản trị mới.
Chuyển đổi kép không chỉ giúp doanh nghiệp Huế thích nghi với thách thức, mà còn mở ra cơ hội phát triển mới theo hướng bền vững, khác biệt và có chiều sâu. Trong bức tranh phát triển chung của thành phố Huế, doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt tạo nên một nền kinh tế có trách nhiệm – đổi mới – và mang đậm bản sắc vùng đất Cố đô.

Ông Nguyễn Doãn Quan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Huế
Thực tế cho thấy quá trình chuyển đổi mang tính toàn diện này đang tạo ra những xáo trộn, thách thức lớn, đặt ra những yêu cầu vượt xa những phương thức và ý tưởng truyền thống, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự hiểu biết sâu sắc, thay đổi căn bản về tư duy và hành động. Doanh nghiệp Huế gặp thuận lợi, khó khăn gì trong quá trình này, thưa ông?
Chỉ vài năm trước, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh còn là khái niệm mơ hồ đối với phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Huế. Tuy nhiên, sau đại dịch và trong bối cảnh kinh tế quốc tế siết chặt tiêu chuẩn về minh bạch, xanh, bền vững, cách nghĩ và cách làm của doanh nghiệp Huế đã thay đổi rõ rệt.
Nhiều doanh nghiệp từng nghĩ, chuyển đổi số chỉ dành cho doanh nghiệp công nghệ lớn, hay chuyển đổi xanh là chuyện của các tổ chức môi trường. Nhưng trên thực tế, nếu không thay đổi, các doanh nghiệp sẽ tụt hậu và mất thị trường. Không ít doanh nghiệp hiện nay đã đưa tiêu chí số hóa và phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh, chứ không chỉ dừng lại ở các hoạt động nhỏ lẻ hay mang tính hình thức.
Trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp Huế có những điều kiện thuận lợi cơ bản, như thành phố Huế có nguồn lực bản địa phong phú, nhiều làng nghề, sản phẩm OCOP, du lịch sinh thái - văn hóa rất phù hợp để phát triển theo hướng “xanh” và ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố đã chủ động ban hành nhiều chương trình hành động cụ thể như: “Huế - Thành phố di sản, văn hóa, xanh và thông minh” và các đề án hỗ trợ chuyển đổi số cấp ngành và cấp doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và các hội ngành nghề tích cực tổ chức hội thảo, kết nối chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng quản trị số và ESG.
Phía Hiệp hội đã có những hoạt động gì để đồng hành cùng hội viên trong vấn đề này, thưa ông?
Trước yêu cầu phát triển bền vững và thích ứng với kỷ nguyên số, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Huế đã có những bước đi chủ động, thiết thực nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp hội viên trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Những hoạt động đồng hành ấy không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt mà còn tạo nền tảng phát triển lâu dài.
Ngay từ đầu năm 2023, Hiệp hội đã triển khai chuỗi chương trình “Doanh nghiệp với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh” thông qua các hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số, tiếp cận vốn xanh, ESG và các tiêu chuẩn thị trường quốc tế hay các lớp tập huấn chuyên đề ứng dụng phần mềm quản trị, kế toán số, hóa đơn điện tử; hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc và giảm phát thải trong sản xuất.
Hơn cả hỗ trợ kỹ thuật, Hiệp hội còn xây dựng một mạng lưới kết nối và chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên thông qua mô hình Câu lạc bộ Doanh nghiệp chuyển đổi số Huế; Phối hợp cùng báo, đài truyền hình xây dựng phóng sự, bài viết chuyên đề về hành trình chuyển đổi kép của doanh nghiệp Huế.
Hiệp hội không chỉ là nơi đại diện tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp, mà luôn nỗ lực để có thể trở thành bệ phóng, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới tư duy, nâng cao năng lực và vững vàng trên con đường phát triển bền vững.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp Huế, các doanh nghiệp đã chuẩn bị gì để nắm bắt tốt hơn cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi kép, thưa ông?
Khi thế giới bước vào kỷ nguyên của kinh tế số và phát triển bền vững, doanh nghiệp không chỉ đối mặt với áp lực thích ứng mà còn đứng trước những cơ hội kinh doanh mới. Tại thành phố Huế - thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã có những bước chuẩn bị nghiêm túc để đón đầu làn sóng chuyển đổi kép.
Từ tư duy quản trị đến chiến lược kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Huế đang cho thấy sự thay đổi rõ nét. Không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đã bắt đầu xây dựng lộ trình số hóa, từ hệ thống kế toán đến chăm sóc khách hàng qua nền tảng số; Tái cấu trúc quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng giảm thiểu lãng phí tài nguyên, tận dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu thân thiện với môi trường; Đào tạo nội bộ, nâng cao nhận thức cho đội ngũ về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các tiêu chuẩn thị trường mới như ESG, truy xuất nguồn gốc, phát thải ròng bằng 0.
Các khảo sát gần đây cho thấy người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ và thị trường quốc tế, ngày càng ưu tiên các sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện môi trường, được cung cấp qua kênh số - tiện lợi - minh bạch và có cam kết xã hội, đạo đức kinh doanh và phát triển bền vững… Nhận diện xu hướng này, doanh nghiệp Huế đã bắt đầu đầu tư thiết kế bao bì xanh, ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội để mở rộng thị phần.
Thành phố Huế hiện đang triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ chuyển đổi kép, trong đó doanh nghiệp được: Tư vấn xây dựng chiến lược chuyển đổi số theo quy mô; Tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và đào tạo nhân sự số; Hỗ trợ truyền thông, chứng nhận sản phẩm xanh, kết nối thị trường.
Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố cũng tích cực tổ chức các chương trình đào tạo chuyên đề, hội thảo định hướng kinh doanh thời chuyển đổi và hỗ trợ hội viên trong việc xây dựng thương hiệu bền vững. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn đối mặt với các thách thức như: Hạn chế về nguồn vốn đầu tư cho công nghệ mới, thiếu chuyên gia tư vấn phù hợp với đặc thù địa phương, tâm lý ngại thay đổi trong đội ngũ nhân sự lâu năm…
Chính phủ cũng đã có nhiều nỗ lực đa chiều trong việc bắt nhịp chuyển đổi kép. Ông có khuyến nghị gì để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kép diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới?
Chuyển đổi kép đang trở thành động lực cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, để tiến trình này lan tỏa sâu rộng và hiệu quả trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), cần có những chính sách đột phá hơn từ phía Chính phủ.
Một là, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi kép một cách đồng bộ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm kiếm các nền tảng số phù hợp, nguồn cung công nghệ xanh đáng tin cậy hay dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp.
Hai là, tăng cường chính sách tài chính ưu đãi và tiếp cận vốn xanh với lãi suất ưu đãi, điều kiện linh hoạt và thời hạn phù hợp, vì chi phí đầu tư ban đầu là rào cản lớn khiến nhiều doanh nghiệp e ngại chuyển đổi.
Ba là, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và năng lực quản trị. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn coi chuyển đổi số là "chuyển đổi IT", hoặc chuyển đổi xanh là "chi phí tăng thêm". Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ đào tạo miễn phí hoặc đồng tài trợ các khóa học về chuyển đổi số, quản trị bền vững, và chứng chỉ ESG cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là tại các địa phương như: TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và Huế… đang cho thấy tinh thần chủ động trong quá trình chuyển đổi kép. Tuy nhiên, để bứt phá mạnh mẽ hơn, rất cần một hệ sinh thái chính sách nhất quán, thực chất và mang tính kiến tạo từ phía Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!