Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Kiêm nhiệm một cách tuyệt đối để tinh gọn bộ máy chính quyền cấp xã

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bộ máy nhiều lãnh đạo thì rất khó đáp ứng mục tiêu khẩn trương, cấp bách phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả và tốt nhất...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Thông tin trên được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập khi làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 28/4.

Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân để bảo đảm bộ máy chính quyền thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã. Tuy nhiên thay vì sắp xếp cơ quan chuyên môn, cơ quan soạn thảo tính toán theo vị trí việc làm. Mỗi đơn vị hành chính cấp xã dự kiến tăng lên 23 vị trí việc làm so với bình quân 21 cán bộ, công chức và 17 vị trí hiện tại.

Tuy nhiên, việc thành lập các phòng ban chuyên môn ở cấp xã có thể làm tăng đáng kể số lượng lãnh đạo, thậm chí chiếm đến 1/3 tổng biên chế. Nếu tính cả bên đảng và chính quyền, số lượng lãnh đạo có thể lên tới 14 người, điều này "không phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy".

Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất vận hành theo hướng linh hoạt, giao địa phương căn cứ quy mô phát triển, quy mô dân số và đặc thù để bố trí cơ quan chuyên môn. Địa phương có thể bố trí theo vị trí việc làm dựa vào hướng dẫn chi tiết của Chính phủ, nhưng phải phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để định hình bộ máy.

"Nếu đã làm thì kiêm nhiệm một cách tuyệt đối, ví dụ bí thư kiêm chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó bí thư kiêm chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trưởng các ban Hội đồng nhân kiêm trưởng các tổ chức đảng hoặc tổ chức chính trị xã hội…", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh khi thiết kế tổ chức bộ máy, các chức danh lãnh đạo cơ bản kiêm nhiệm để giảm bớt số lượng và cũng không nhất thiết bố trí cấp phó của cơ quan chuyên môn.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết thêm, dự thảo Luật lần này được đặt trong bối cảnh lịch sử rất đặc biệt, khi vừa sửa xong nhưng do yêu cầu của cuộc cách mạng tổ chức bộ máy lại cần sửa đổi tiếp.

Theo Bộ trưởng, nội dung cốt lõi của dự án Luật tập trung vào 4 trọng tâm chính.

Thứ nhất là xác lập rành mạch về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên cơ sở chủ trương của cấp có thẩm quyền. Về nội dung này, Bộ trưởng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo là Bộ Nội vụ cùng Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã thiết kế rất cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng, rành mạch.

Thứ hai là phân định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thứ ba là tiếp tục phát huy nguyên tắc của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và ủy quyền, đúng với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Thứ tư là tập trung xử lý những vấn đề liên quan đến vận hành, điều chỉnh từ chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp.

Đánh giá nội dung này liên quan rất nhiều vấn đề mà các luật chuyên ngành đang quy định, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải có điều khoản chuyển tiếp rất rõ để giải quyết ngay các vấn đề, đáp ứng yêu cầu của chính quyền địa phương 2 cấp, tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Sáp nhập tỉnh thành tạo không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Sáp nhập tỉnh thành tạo không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Tái cấu trúc địa giới hành chính và liên kết vùng kinh tế được xem là một bước đi chiến lược, thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ của Việt Nam. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cần thiết, song lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp mới là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công...

VACOD-HBA chuẩn bị tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

VACOD-HBA chuẩn bị tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Hai hiệp hội có thể sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý Trung ương tổ chức một hội nghị toàn quốc vào khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6/2025. Nhằm vừa đánh giá tình hình, đưa ra các giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân thông qua đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…