Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp và chuyên gia, chi phí sản xuất ethanol hiện nay khá cao. Nếu không có biện pháp, người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi khi buộc phải dùng xăng E5.
Giá bán cao
Bộ Công Thương cho biết, để chuẩn bị cho việc chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 A92 và xăng khoáng A95 từ 1/1/2018, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác làm việc với các đầu mối sản xuất và kinh doanh xăng dầu, nhà máy sản xuất ethanol sinh học nhằm đôn đốc các đơn vị thực hiện kinh doanh xăng E5 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo tính toán, trong trường hợp chuyển toàn bộ việc tiêu thụ xăng A92 sang xăng sinh học E5 A92, dự báo tổng lượng xăng E5 A92 tiêu thụ trên cả nước ước đạt 5,357 triệu m3.
Còn thông tin từ các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối, để triển khai lộ trình thay thế xăng A92 bằng xăng E5, các DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, chưa kể phải tốn một khoản tiền không nhỏ khi chuyển đổi sang kinh doanh E5. Ước tính tùy theo quy mô mà chi phí đầu tư cho trạm phân phối khác nhau nhưng bình quân một trạm tốn khoảng 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dù có tới 29 DN đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, nhưng gánh nặng đầu tư để chuyển đổi và thực hiện việc phối trộn xăng sinh học E5 chủ yếu dồn hết lên vai của một số DN, trong đó có PV Oil, Petrolimex, Saigon Petro, Thành Lễ…
Ông Trần Minh Hà, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho biết, dù có sẵn bể chứa, chỉ đầu tư “cấy” thêm hệ thống đường ống dẫn cồn để hòa tan với xăng cũng tốn của DN 1 tỷ đồng. Còn nếu tính cả tiền đầu tư bồn cấp phép thì chi phí cũng “nhẹ nhàng” tới 10 tỷ đồng. “Hiện mức tiêu thụ xăng E5 của Saigon Petro khá thấp, chỉ đạt 5%-7% mỗi tháng. Xăng E5 hiện chỉ rẻ hơn xăng A92 hơn 100 đồng thì làm sao thu hút được người tiêu dùng. Bộ Tài chính đang có giải pháp là sẽ giảm thuế xăng E5 bằng 80% thuế của xăng khoáng. Nếu giảm thuế như vậy mới có độ chênh lệch khoảng 1.500 đồng/lít so với xăng A95. Khi đó chắc chắn người dân sẽ đổ xăng E5, đặc biệt là các hãng xe taxi”, ông Hà phân tích.
Đại diện một DN xăng dầu đầu mối cũng cho rằng, vấn đề chính của xăng E5 hiện nay là giá bán khá cao, gần như tương đương với giá bán của xăng A92. Việc xăng sinh học tiêu thụ chậm, tỷ lệ hao hụt cao và chiết khấu không hấp dẫn cũng là những vấn đề mà các DN đầu mối và các đại lý kinh doanh xăng dầu không mấy mặn mà kinh doanh trong thời gian qua. “Khi DN chuyển sang kinh doanh E5 phải đầu tư nhiều tiền. Tiền đầu tư này sẽ tính vào giá bán xăng, nên về mặt chi phí người dân sẽ không được lợi gì hơn so với dùng xăng A92 trước đây”, vị này cho biết.
Số liệu từ Sở Công Thương TPHCM cũng cho thấy, trong tổng số 533 cửa hàng xăng dầu ở thành phố thì có 240 cửa hàng có bán xăng sinh học E5. Tuy nhiên lượng tiêu thụ bình quân chỉ đạt 8.053 m3 mỗi tháng, chiếm 6,2% sản lượng tiêu thụ xăng dầu ở thành phố. Đã có DN từng gửi văn bản đề nghị cơ quan quản lý tạm ngưng kinh doanh xăng E5.
Để thị trường tự quyết định
Một chuyên gia về xăng dầu cũng cho rằng, bên cạnh xóa sổ xăng A92, đưa xăng E5 vào thay thế còn có câu chuyện liên quan đến hai nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Bình Phước của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phải dừng sản xuất, đắp chiếu thời gian qua do chi phí tăng cao, giá thành cao và thua lỗ lớn. Hai nhà máy này nếu đưa vào khởi động trở lại vào cuối năm 2017 như đề xuất mới đây của Bộ Công Thương sẽ giúp cung ứng cho thị trường khoảng 200.000m3/năm.
Cũng theo chuyên gia này, dù khởi động lại hai dự án này, việc duy trì hoạt động của hai nhà máy sẽ là bài toán rất lớn. Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất bio-ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) hiện đã bị đội vốn 2.219 tỷ đồng và chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí không vận hành nhưng vẫn phát sinh nhiều chi phí. Còn dự án Nhà máy ethanol Bình Phước bị đội vốn lên hơn 1.700 tỷ đồng.
“Nhà máy Dung Quất năm 2014 lỗ khoảng 164 tỷ đồng còn ethanol Bình Phước dù hoàn thành tháng 3/2013 nhưng chỉ hoạt động được 5 đợt với sản lượng hơn 16 triệu lít xăng ethanol. Do giá thành sản phẩm cao, tiêu thụ hạn chế nên từ tháng 4/2013 đến nay, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, dự tính mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỷ đồng. Chỉ cần nhìn vào các con số lỗ và chi phí đầu tư có thể thấy việc các nhà máy này khi khởi động lại sẽ gặp nhiều khó khăn vì giá ethanol khó có thể cạnh tranh với nguồn nhập khẩu. Chưa kể nguồn nguyên liệu cũng là thách thức lớn. Đổ thêm tiền vào nhà máy này mà hàng sản xuất ra giá cao, không bán được hàng thì… lại chết”, vị này phân tích.
Phải tính toán cẩn thận theo cả hai chiều lợi và hại là quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Phan Thế Ruệ khi trao đổi với PV Tiền Phong về việc triển khai thay thế xăng A92 bằng xăng sinh học E5. Theo ông Ruệ, khi triển khai rộng sẽ nảy sinh câu chuyện nếu ethanol do các nhà máy trong nước sản xuất bán giá cao hơn giá nhập khẩu thì sẽ bị các DN xăng dầu đầu mối quay lưng. Điều này là dễ hiểu do cơ chế thị trường khó có thể bắt DN phải mua nguồn trong nước nếu nguồn trong nước đắt hơn nhập khẩu. Chưa kể, hiện ethanol trong nước được làm từ sắn trong khi ở nước ngoài ho sản xuất chủ yếu bằng ngô.
“Ngô ở Mỹ nhập về Việt Nam chỉ 4.000 đồng/kg. Sắn mua trong nước cũng ở mức 3.500 - 4.000 đồng/kg, chưa kể hao hụt trong quá trình chế biến. Như vậy ethanol trong nước sản xuất ra làm sao cạnh tranh được với giá ethanol nhập khẩu. Ethanol trong nước sản xuất ra, dù có thừa, mà bán đắt thì cũng chả ai mua. Sản xuất ra giá phải cạnh tranh”, ông Ruệ nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VINPA, nhiệm vụ của Bộ Công Thương không phải là khôi phục các nhà máy ethanol nghìn tỷ đắp chiếu thời gian qua để tạo nguồn cung cấp cho các DN đầu mối bằng mọi giá. Chưa kể, dù có khôi phục các nhà máy bằng mọi giá nhưng với công nghệ của các nhà máy, với cách làm ethanol của các DN hiện nay sẽ không bao giờ cạnh tranh nổi với nước ngoài. “Khi nhập khẩu ethanol để pha trộn thành E5 A92, chắc chắn giá bán sẽ tăng cao, không thấp như hiện nay”, ông Ruệ nói.
“Nhà máy Nhiên liệu sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm hiện vẫn sản xuất đều nhưng gặp khó do không bán được. Nếu bán bằng giá nhập khẩu thì lỗ chết luôn. Chưa kể khi các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đi vào hoạt động, nông dân sẽ nâng giá bán sắn. Các nhà máy đắp chiếu nếu hoạt động lại phải có giá thành bằng giá nhập khẩu mới bán được hàng”.
Theo Phạm Tuyên/Tienphong.vn