Bảo hiểm xã hội đau đầu với những "con nợ" khó đòi

Nhiều doanh nghiệp "chai mặt" nợ bảo hiểm từ tháng này qua tháng khác, từ năm này qua năm khác, khiến cơ quan bảo hiểm dù đã phải dùng cách công khai trên các phương tiện truyền thông nhưng nợ vẫn hoàn nợ...

Bảo hiểm xã hội đau đầu với những "con nợ" khó đòi

Trong danh sách mà bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội công khai thời gian qua, dễ dàng nhận thấy có nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm lên đến... hàng trăm tháng, với số tiền nợ lên đến hàng chục tỷ đồng...

Theo thống kê sơ bộ tính đến thời điểm này trên cả nước có hàng chục nghìn doanh nghiệp hiện đang "chây ì" việc đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu danh sách. Việc doanh nghiệp cố tình ngó lơ trách nhiệm của mình không chỉ khiến cơ quan bảo hiểm không thể hoàn thành nhiệm vụ, nguy hiểm hơn là còn đẩy người lao động vào tình cảnh mất quyền lợi khi gặp rủi ro như tai nạn, ốm đau, thất nghiệp hay hết tuổi lao động.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh đã công khai danh sách các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội tính đến thời điểm hết tháng 6. Theo đó, đứng đầu danh sách là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8, địa chỉ tại 400/5 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh (cũ), chậm đóng 139 tháng với số tiền hơn 10,2 tỉ đồng. Kế đó là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương, địa chỉ tại 31/21 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh chậm đóng 104 tháng, nợ trên 4,6 tỉ đồng.

Tại Hà Nội, theo danh sách mà Bảo hiểm xã hội công "chốt sổ" đầu tháng 6, Công ty cổ phần Anh ngữ APAX có địa chỉ tại 149 Trung Kính, Cầu Giấy (cũ) có số tiền còn nợ lên đến hơn 61 tỷ đồng, với thời gian chậm đóng là 63 tháng - tương đương hơn 5 năm. Theo danh sách do Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội công bố, đây là một trong doanh nghiệp dẫn đầu cả về số nợ cũng như thời gian nợ. Nằm trong hệ sinh thái này, Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup có số tiền nợ bảo hiểm hơn 4 tỷ đồng, với thời hạn nợ là 59 tháng.

Liên quan đến Anh ngữ APAX, hồi tháng 3 năm ngoái người dân cả nước xôn xao trước việc Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này - ông Nguyễn Ngọc Thủy bị bắt vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, nhiều công dân trú ở Hà Nội đã ký đơn tố cáo ông Thủy, đại diện theo pháp luật của Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup và Công ty CP Đầu tư và Phân phối Egame có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Vì tin tưởng vào danh tiếng, uy tín của ông Thủy thông qua hệ thống Anh ngữ Apax và chương trình “Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank” trên VTV3 nên họ đã nộp cho Nguyễn Ngọc Thủy lên đến vài trăm tỉ đồng, với mức lãi suất hấp dẫn 15%/năm.

Công ty Cổ phần khóa Minh Khai, có địa chỉ tại KM14 QL1A Ngọc Hồi Thanh Trì (cũ) TP. Hà Nội có thể nói là doanh nghiệp có bề dầy về... nợ bảo hiểm xã hội. Tính đến thời điểm cuối tháng 5 doanh nghiệp này có thời gian nợ lên đến hơn 128 tháng, với số tiền nợ là trên 14 tỷ đồng.

Cách đây vài năm doanh nghiệp này từng bị cơ quan bảo hiểm xử phạt vì nợ bảo hiểm xã hội. Chính vì sự chây ỳ của công ty mà rất nhiều công nhân rơi vào tình trạng tiếp tục làm việc thì thu nhập không đủ sống, muốn nghỉ chế độ sớm, nghỉ chờ hưu để làm công việc khác nhưng không được vì công ty nợ tiền bảo hiểm nên không chốt được sổ bảo hiểm.

Trong danh sách các doanh nghiệp nợ bảo hiểm do Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội công khai, Công ty Cổ phần Lilama3, có địa chỉ ở số 86 đường Tân Xuân, Phường Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm (cũ), Công ty CP Sông Đà 6, có địa chỉ ở Văn Khê, La Khê, Hà Đông (cũ) và Công ty Cổ phần Giáo dục tư duy và Sáng tạo quốc tế CMS ở Tầng 4, tòa 21T2 Dự án Hapulico Complex, số 01 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân (cũ) thuộc nhóm doanh nghiệp chây ì cả về thời gian cũng như số nợ nhiều nhất.

Nếu Công ty Cổ phần Giáo dục tư duy và Sáng tạo quốc tế CMS có số tiền nợ hơn 11 tỷ đồng, thì Công ty CP Sông Đà 6 có số tiền nợ gấp đôi số này - hơn 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số nợ của hai doanh nghiệp này chưa ăn thua gì so với Công ty Cổ phần Lilama3, doanh nghiệp này có thời gian nợ là hơn 121 tháng với số tiền nợ hơn 44 tỷ đồng.

1658549896923-anh-2-1507.jpg
Dù "chây ỳ" đóng bảo hiểm xã hội Công ty Cổ phần Giáo dục tư duy và Sáng tạo quốc tế CMS vẫn được biểu dương "Doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học tiêu biểu

Về Công ty Cổ phần Giáo dục tư duy và Sáng tạo quốc tế CMS (CMS Edu) – đây được quảng cáo là "hệ thống trung tâm phát triển năng lực tư duy và sáng tạo quốc tế đầu tiên và duy nhất dành cho trẻ từ 3-11 tuổi tại Việt Nam". CMS Edu cũng tự giới thiệu là "chương trình giáo dục tích hợp dựa trên năng lực tư duy được xây dựng bởi Phó chủ tịch Hiệp hội Olympiad Toán học Thế giới WMO. Sau hơn 20 năm phát triển thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, CMS Edu đã khẳng định được vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực giáo dục năng lực tư duy và sáng tạo cho trẻ nhỏ".

Người đại diện pháp luật của CMS Edu là bà Nguyễn Thị Dung. Bên cạnh việc quản lý CMS Edu, bà Nguyễn Thị Dung còn là người đại diện của các doanh nghiệp, đơn vị như: Chi nhánh Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax Ninh Bình; Chi nhánh Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax Đà Nẵng; Chi nhánh Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax Quảng Ninh; Chi nhánh Vĩnh Phúc (cũ) – Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax; Chi nhánh Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax Phú Thọ; Chi nhánh Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax Hà Nam; Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Omni School...

Năm 2022 doanh nghiệp này nhận giải thưởng Top 10 thương hiệu được tin dùng nhất Việt Nam do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phối hợp với Trung tâm phát triển Doanh nghiệp và Thương hiệu trao. Đáng nói, giải thưởng này được trao với mục đích ghi nhận, động viên, khích lệ những cống hiến, đóng góp của những tấm gương lao động sáng tạo, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn và bảo vệ đất nước. Cùng với đó, biểu dương các hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, có giá trị động viên tinh thần các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà trí thức, nhà khoa học vượt khó vươn lên, vừa làm giàu cho mình vừa giúp cộng đồng phát triển.

Chỉ sau thời điểm nhận giải thưởng không lâu – cụ thể cách đây hơn 1 năm, hệ thống CMS Edu dính phải lùm xùm liên quan đến đào tạo và học phí. Theo đó, vào tháng 5/2024 nhiều phụ huynh học sinh kéo nhau đến nhiều trung tâm CMS Edu để đòi tiền học phí đã đóng cho con. Tại thời điểm các phụ huynh kéo nhau đi đòi tiền, họ cho rằng nhiều trung tâm CMS Edu đã đóng cửa từ nhiều tháng trước, nhưng không có lộ trình mở cửa hoạt động trở lại rõ ràng, cũng không có đại diện đơn vị tiếp nhận và phản hồi thông tin cho phụ huynh trong các "nhóm chát" hoặc qua đường dây nóng.

Nhiều năm nay tình trạng nợ bảo hiểm xã hội đã trở thành một thực trạng đáng lo ngại trong hệ thống an sinh xã hội của nước ta. Đây không chỉ là câu chuyện về trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp, mà còn là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cơ bản của hàng triệu người lao động. Những năm trước chế tài xử lý đối với các đơn vị chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể còn nhẹ, chưa đủ để răn đe.

Nhưng, từ ngày 1/7/2025 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực đã nêu rõ hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý nghiêm, trong đó có truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, với hành vi chậm đóng, doanh nghiệp sẽ phải đóng đủ số tiền chậm đóng, nộp thêm khoản lãi 0,03%/ngày tính trên số tiền và số ngày trốn đóng, đồng thời bị xử phạt hành chính và không được xét thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, nếu trốn đóng, ngoài việc phải nộp đủ số tiền trốn đóng và lãi phạt như trên, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Dù có rất nhiều điểm mới trong các chế tài xử lý đối với việc chậm hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi để giải quyết thực tế trên các cơ quan chức năng cần có các giải pháp vừa mang tính răn đe, vừa hỗ trợ thực tế. Cụ thể, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra định kỳ, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp có lịch sử nợ kéo dài, xử phạt hành chính nghiêm túc, thậm chí khởi kiện dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện hành vi cố ý trốn đóng bảo hiểm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 2 năm 2025 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 2 năm 2025 qua các con số

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán và đặc biệt là sự căng thẳng thuế quan làm gián đoạn chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu…

Hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận “Bộ tứ chiến lược” sẽ diễn ra vào tháng 9/2025

Hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận “Bộ tứ chiến lược” sẽ diễn ra vào tháng 9/2025

Chủ trì Chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 5/7, Chủ tịch VACOD-HBA TS Nguyễn Hồng Sơn thông báo kế hoạch tổ chức Hội nghị, hội thảo tập trung xem xét các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tiếp cận nguồn lực từ “bộ tứ chiến lược” của Trung ương, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2025…

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước

CPI 6 tháng đầu năm tăng 3,27%

Số liệu mới nhất từ Cục Thống kê cho biết, bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước...

Tổng Bí thư Tô Lâm dự "Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương" tại TP.HCM

Tổng Bí thư Tô Lâm: Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận đổi mới

Tổng Bí thư nhấn mạnh, quyết định "sắp xếp lại giang sơn" là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...