Bắt nhóm sinh viên tấn công hệ thống của 4 công ty trung gian thanh toán

Nhóm 4 sinh viên này bị bắt vì chuyên hack tài khoản hàng trăm website và công ty thanh toán để chiếm đoạt tiền.
Bắt nhóm sinh viên tấn công hệ thống của 4 công ty trung gian thanh toán

Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội vừa tiến hành bắt giữ nhóm 4 sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin Thái Nguyên và Đại học Công nghiệp Thái Nguyên.

Theo thông tin ban đầu, nhóm đối tượng gồm 2 nam, 2 nữ, đã sử dụng công cụ quét lỗ hổng các website của 4 công ty trung gian thanh toán để thực hiện hành vi tấn công xâm nhập trái phép, chiếm đoạt dữ liệu, tạo khống số dư cho những tài khoản là ví điện tử, sau đó sử dụng những tài khoản này để mua thẻ cào. Cầm đầu nhóm sinh viên này là Tuấn Anh (23 tuổi, quê Quảng Ninh).

Sau đó, các đối tượng tiếp tục liên lạc với đại lý mua thẻ cào để bán lại số thẻ cào này, sau đó chuyển tiền về các tài khoản ngân hàng được mua qua các kênh trung gian mua bán tài khoản.

Kết quả khám xét, cơ quan công an đã thu giữ được gần 30 thẻ ngân hàng các loại cùng nhiều sổ tiết kiệm, tổng giá trị khoảng 3,2 tỷ đồng và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan khác.

Các đối tượng khai nhận, trong thời gian từ năm 2013 đến nay đã tấn công hàng trăm website. Đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đánh giá, lỗ hổng này có thể tồn tại ở nhiều doanh nghiệp trung gian thanh toán khác tại Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ cao tiếp tục bị tấn công trộm cắp dữ liệu.

Hiện, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 về quản lý dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có nhiều điều kiện về cơ chế xác thực người dùng được quy định siết chặt hơn cho cả người dùng lẫn doanh nghiệp. Theo đó khi mở ví điện tử, dự thảo yêu cầu các đơn vị ví điện tử phải thực hiện định danh hay xác thực khách hàng bằng cách nộp chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ thành lập doanh nghiệp (đối với ví điện tử của doanh nghiệp).

Theo quan điểm của NHNN, cơ chế xác thực người dùng là cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử, tránh để ví điện tử bị lợi dụng bởi các hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, hoàn toàn có thể xác thực khách hàng thông qua các thông tin định danh đã có tại ngân hàng hoặc nhà mạng, không cần thiết phải yêu cầu họ thực hiện thủ tục khai báo tốn kém thời gian, chi phí.

Theo chia sẻ của ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho rằng Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển thanh toán điện tử qua điện thoại di động do có tỷ lệ tiếp cận dịch vụ viễn thông và sử dụng điện thoại di động ở mức khá cao.

Với định hướng hướng phát triển thanh toán điện tử, tại Việt Nam hiện nay có 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Trong năm 2018, số lượng giao dịch qua internet đạt hơn 255 triệu giao dịch với giá trị khoảng 16 triệu tỷ đồng (tương ứng tăng 33,6% về số lượng và 19,5% về giá trị so với năm 2017). Số qua kênh điện thoại di động là hơn 185 triệu giao dịch với giá trị khoảng 1,86 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 41% và 169% so với năm 2017).

Bên cạnh hoạt động thanh toán điện tử, ông Sơn cũng cho biết dịch vụ thanh toán thẻ tiếp tục được các ngân hàng quan tâm phát triển. Đến cuối 2018, cả nước có 56 tổ chức phát hành thẻ với số thẻ lưu hành đạt 97 triệu thẻ (tăng trưởng 8,3% so với năm 2017). Giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong năm 2018 đạt trên 229,2 triệu giao dịch (tăng 19,02%).

Ngoài ra, trong năm 2018, NHNN cũng xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thể và ghi nhận những kế quả tích cực. Theo số liệu công bố của đại diện NHNN, trong năm 2018, số giao dịch qua POS đạt gần 209 triệu với giá trị đạt gần 445.000 tỷ đồng (tương ứng tăng 38,42% về số lượng và 26,3% về giá trị so với năm 2017).

Trong quý I/2019, số giao dịch qua thẻ ATM đạt 232,8 triệu món với giá trị giao dịch đạt 676.550 tỷ đồng (tăng lần lượt 12,36% và 13,58% so với cùng kỳ 2018). Giao dịch qua POS đạt 55,8 triệu món với giá trị đạt 132.922 tỷ đồng (tăng lần lượt 54,24% và 59,63%).

Có thể bạn quan tâm