Bảo hiểm BIC chi 176 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền, tăng vốn trên 2.000 tỷ đồng

BIC bất ngờ chuyển hướng, dự kiến chi gần 176 tỷ đồng để chia cổ tức hoàn toàn bằng tiền mặt, thay vì phương án trước đó kết hợp 26% cổ phiếu và 15% tiền mặt, đồng thời lên kế hoạch phát hành hơn 84 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 72%...

bic-1-7313-7642.jpg

Chiều ngày 8/5, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC – mã chứng khoán: BIC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.

Tại sự kiện, nhiều nội dung trọng yếu đã được thông qua, bao gồm: kế hoạch kinh doanh năm 2025, phương án phân phối lợi nhuận các năm, kế hoạch tăng vốn điều lệ, cũng như bầu cử thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2025 - 2030...

CHIA CỔ TỨC TIỀN MẶT TỶ LỆ 15%, TĂNG VỐN THÊM 72%

Phát biểu tại đại hội, ông Trần Hoài An, Uỷ viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc BIC nhấn mạnh rằng, mặc dù công ty phải đối mặt với những tác động không nhỏ từ cơn bão Yagi, BIC vẫn duy trì phong độ kinh doanh ổn định với những kết quả đáng khích lệ.

Năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm lũy kế của BIC đạt 5.066 tỷ đồng, tăng trưởng 6,1% so với năm trước, hoàn thành 98% kế hoạch và vững vàng giữ vị trí thứ 5 toàn thị trường. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt tới 650 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đã đề ra.

Chia sẻ thêm về tác động của bão Yagi tới hoạt động kinh doanh và tiến độ bồi thường sau bão, ông Trần Hoài An cho biết: “Cơn bão Yagi tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của BIC, khiến chi phí bồi thường tăng cao đặc biệt đối với tài sản con người và xe cơ giới. BIC đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng với số tiền 600 tỷ, tất cả các hoạt động liên quan đến bão Yagi đã phản ánh đầy đủ trong kết quả kinh doanh. Hiện tại, chúng tôi còn tồn đọng khoảng 60 bộ hồ sơ do khách hàng chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ.

Đối với những bộ hồ sơ khách hàng cung cấp đầy đủ, đến thời điểm này BIC chưa có trường hợp nào phải kéo nhau ra toà, BIC cam kết khách hàng như thế nào thì thực hiện như thế đó, khách hàng đều đồng thuận với cách xử lý bồi thường của BIC”.

Dựa trên kết quả khả quan năm 2024, BIC đặt ra những cột mốc mới cho năm 2025 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất kỳ vọng đạt 710 tỷ đồng, tăng 9,23% so với thực hiện năm trước. Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm theo báo cáo riêng lẻ công ty mẹ được ấn định mục tiêu 5.600 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5% so với kết quả năm 2024.

Tại đại hội năm nay, Hội đồng quản trị BIC đã công bố phương án phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2024. Sau khi thực hiện các khoản trích lập quỹ theo quy định, phần lợi nhuận còn lại của BIC là gần 424 tỷ đồng.

Trên cơ sở này, ban lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến dành gần 176 tỷ đồng để chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15%, trích trực tiếp từ nguồn lợi nhuận sau thuế năm 2024. Đồng thời, năm 2025, BIC cũng lên kế hoạch tiếp tục trả cổ tức tiền mặt 10%, tương ứng với mức vốn sử dụng tương đương năm trước.

Điểm đáng chú ý, phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 26% từng được nêu trong tờ trình kế hoạch ban đầu không còn xuất hiện trong tài liệu trình đại hội lần này.

Hiện tại, vốn điều lệ của BIC đạt gần 1.173 tỷ đồng. Theo kế hoạch được thông qua tại đại hội, Hội đồng quản trị sẽ trình phương án tăng vốn lên mức 2.020 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, BIC dự kiến phát hành khoảng 84,8 triệu cổ phiếu, với tỷ lệ thực hiện quyền 100:72,3, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 72,3 cổ phiếu mới, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tổng giá trị phát hành ước tính hơn 847,9 tỷ đồng, lấy từ các nguồn như thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận chưa phân phối theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024. Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2025, sau khi được các cơ quan chức năng chấp thuận.

Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của BIC sẽ tăng hơn 72%, từ 1.173 tỷ lên 2.020 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, đại diện BIC còn cho biết trong giai đoạn 2026–2030, công ty sẽ tiếp tục lộ trình tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả sẽ được xem xét và phê duyệt hàng năm, dựa trên kết quả kinh doanh thực tế của từng năm.

ỦY QUYỀN ĐẦU TƯ TIỀN GỬI

Tại đại hội, ban lãnh đạo BIC khẳng định hoạt động đầu tư tiền gửi là một phần then chốt, diễn ra thường xuyên và liên tục trong chiến lược quản lý vốn của công ty.

Theo tờ trình được gửi tới cổ đông, BIC trình phương án uỷ quyền đầu tư tiền gửi, trong đó nêu rõ: Đại hội đồng cổ đông sẽ quyết định các khoản đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng tài sản trở lên, căn cứ theo báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán.

Đại hội cũng tiến hành thảo luận và phê duyệt các hợp đồng giao dịch với bên liên quan, có giá trị bằng hoặc vượt 20% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp được ghi nhận trong báo cáo tài chính gần nhất.

Đồng thời, thông qua các giao dịch có giá trị từ 35% trở lên hoặc giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch phát sinh trong vòng 12 tháng kể từ ngày thực hiện giao dịch đầu tiên có giá trị từ 35% trở lên tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc, trong bối cảnh ngành ngân hàng hạ lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, thì đối với các khoản mục đầu của công ty sẽ còn tiếp tục gửi tiết kiệm tại ngân hàng mẹ BIDV hay ra tăng ở những kênh đầu tư khác? Danh mục đầu tư chứng khoán của công ty có bị ảnh hưởng nặng do cú sốc tháng 4 vừa rồi hay không?

Chủ tịch Trần Xuân Hoàng giải trình, mục tiêu nền kinh tế tăng trưởng 8%, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang đứng trước áp lực tăng trưởng lớn, Chính phủ yêu cầu ngân hàng có mức lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế.

Đối với hạ lãi suất cho vay, thì một trong những việc ngân hàng phải làm đó là hạ lãi suất tiền gửi. Với việc hạ lãi suất tiền gửi thì chung toàn thị trường, BIC không thể nằm ngoài được.

Một trong những kết quả BIC có được đó là nhờ thực hiện việc bán chéo qua các ngân hàng. Theo đó, một trong những cam kết với ngân hàng thực hiện bán chéo, đó là phải đầu tư lại tiền gửi với doanh thu thu được từ hoạt động bảo hiểm, tối thiểu tỷ trọng trong đầu tư phải tương xứng với quy mô doanh thu khi thực hiện bán chéo qua các ngân hàng.

Về chính sách áp thuế tháng 4 từ Mỹ, chắc chắn có ảnh hưởng đến hoạt động chứng khoán đầu tư BIC. Theo đó, BIC đã thực hiện đánh giá lại, phân loại cổ phiếu nào ảnh hưởng trực tiếp, sau đó điều chỉnh chính sách, tuy nhiên không phải cổ phiếu nào cũng bị ảnh hưởng, do đó lựa chọn cổ phiếu hợp lý để tiếp tục đầu tư.

Do đó, sẽ điều chỉnh lại trong hoạt động đầu tư mảng chứng khoán, cái nào trước đó đang nói là giữ bây giờ thoái ở đâu sẽ nói lại, cái nào cần giữ thì tăng thêm như thế nào.

Về vấn đề một số ngân hàng như VPBank, Techcombank cho biết muốn thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ để hoàn thiện hệ sinh thái, BIC đánh giá ra sao về cạnh tranh tại lĩnh vực bảo hiểm sức khoẻ?

Theo Tổng Giám đốc Trần Hoài An: “Một số ngân hàng lớn như VPBank, Techcombank có kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm, đây là hệ sinh thái tất yếu trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm ngân hàng. Tuy nhiên đối với BIC, chúng tôi đi theo lộ trình, các sản phẩm bảo hiểm khách hàng cá nhân, so với mọi năm tăng trưởng có thể không bằng, nhưng vẫn ghi nhận tăng trưởng hơn so với cùng kỳ.

Về vấn đề cạnh tranh bảo hiểm sức khoẻ trong thời gian tới, chúng tôi đánh giá đây là cơ hội cho các công ty bảo hiểm có chính sách xuyên suốt,có quyền lợi khách hàng và mức phí phù hợp thì sản phẩm vẫn tồn tại được”.

Xem thêm

Bảo hiểm MIC đạt lợi nhuận sau thuế quý 1/2025 tăng 31%

Bảo hiểm MIC đạt lợi nhuận sau thuế quý 1/2025 tăng 31%

Bất chấp nhiều biến động trên thị trường tài chính đầu năm, MIC vẫn ghi dấu ấn với kết quả kinh doanh quý I/2025 đầy khởi sắc, lợi nhuận sau thuế tăng gần 30%, củng cố vững chắc vị thế trong nhóm dẫn đầu ngành bảo hiểm phi nhân thọ...

Có thể bạn quan tâm