Theo công bố của OCB, ngân hàng này đã hoàn thành các hạng mục dự án Quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II. Ngân hàng đã triển khai 10 công cụ lớn nhỏ hỗ trợ tích cực cho công tác tín dụng và quản trị rủi ro; Nghiên cứu soạn thảo, điều chỉnh bổ sung, cải tiến gần 30 quy trình, quy định liên quan đến công tác tín dụng, dữ liệu và quản trị rủi ro; đồng thời tổ chức hàng loạt chương trình truyền thông, đào tạo được thực hiện đều cho cả Ban dự án Basel và các nhân sự toàn hệ thống.
Đồng thời, dự án Basel II giữa OCB và Ngân hàng Phát triển Singapore (Development Banking Singapore - DBS) cũng được hoàn thành. DBS đã bàn giao các hạng mục dịch vụ tư vấn để đáp ứng các yêu cầu cụ thể của trụ cột 2 Basel II – ICAAP (Internal Capital adequacy assessment process - Quy trình đánh giá mức độ đầy đủ vốn nội bộ).
Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel; trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và Luật Ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho hệ thống ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống; tăng cường sức đề kháng của các ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, là một nội dung và cũng là một đích đến trong chương trình nâng cấp khung quản trị rủi ro, tuân thủ Basel II đã được sự định hướng từ HĐQT và nỗ lực triển khai tại OCB trong giai đoạn vừa qua.
Basel II cũng là mục tiêu mà ngành ngân hàng đang hướng tới. Hồi tháng 6 năm nay, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó có nội dung phấn đấu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực vốn Basel II, trong đó phấn đấu có 12 - 15 ngân hàng đáp ứng đủ mức vốn tự có theo Chuẩn mực vốn Basel II.
OCB là một trong những ngân hàng nhỏ trong hệ thống hiện nay với tổng tài sản chỉ hơn 70.000 tỷ đồng, tuy nhiên ngân hàng này đang chứng tỏ cho thị trường thấy họ cũng chẳng hề đơn giản. Sau Basel II, OCB còn đang rục rịch đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.