Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo ngày 26/8 tới, ngân hàng sẽ bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (viết tắt là Công ty Tài Nguyên), bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ.
Tổng dư nợ của Thương mại Tài Nguyên tại BIDV tính đến ngày 30/6/2022 là 4.904 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 2.506 tỷ đồng, dư nợ lãi là 2.397 tỷ đồng. Số nợ này theo các hợp đồng cấp tín dụng các năm 2005, 2006, 2009, 2010, 2012, 2017 và 2020.
Biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của Công ty Tài Nguyên đối với khoản nợ bao gồm: Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai số 3001/2018/62886/HĐDA ngày 30/01/2018 được ký giữa Công ty Tài Nguyên với các ngân hàng BIDV, MSB, PVCombank; Hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba số 922/2014/62886/HĐTC ngày 24/10/2014 ký giữa Công ty TNHH Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Hà Tây, Công ty Tài Nguyên và BIDV – Chi nhánh Sở Giao Dịch 2.
Tại thời điểm thông báo đấu giá này, BIDV đang tham gia giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản nợ trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” tại Tòa Án Nhân dân Quận 1 theo thông báo về việc thụ lý vụ án số 43/TB-TLVA ngày 21/3/2022.
Tình trạng, tiến độ giải quyết tranh chấp: BIDV đã thực hiện nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án vào ngày 21/03/2022 với số tiền là 2,39 tỷ đồng. Hiện BIDV đang tham gia giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Đối với các tranh chấp khác BIDV chưa có thông tin.
BIDV đưa ra mức giá khởi điểm cho khoản nợ này là 4.658,8 tỷ đồng, tức thấp hơn 245 tỷ đồng so với tổng dư nợ.
BIDV cũng lưu ý, giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký, tiền án phí cùng với các chi phí liên quan đến các vụ án tranh chấp...
Trước đó, hồi tháng 4/2020, BIDV cũng đã có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ này với toàn bộ nợ gốc, lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá tính đến ngày 29/3/2020 là 4,063 tỷ đồng.
Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM. Đáng nói, tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVCombank (BIDV chiếm 58% giá trị).
Giá trị định giá tài sản là 7,836.7 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4,545.5 tỷ đồng.
Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, Huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội với giá trị định giá lần đầu là 885.5 tỷ đồng.
Được biết, siêu dự án Kenton Residence (hiện tại là Kenton Node) có tổng diện tích 9,1 ha, với 3 phân khu Plaza, Sky Villa và Residences với 9 block gồm 1.640 căn hộ.
Dự án manh nha ý tưởng từ năm 2002 nhưng 7 năm sau thì Kenton Residences mới chính thức được chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên mở bán. Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào thời điểm đó là 300 triệu USD, được dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Thế nhưng vài năm sau đó, dự án rơi vào cảnh “đắp chiếu”.
Đến năm 2017, dự án Kenton Residences được khởi động trở lại với tên gọi mới Kenton Node. Với sự hậu thuẫn từ BIDV và MSB, dự án Kenton Node có thêm 1.060 tỷ đồng để tiếp tục triển khai.
Gần đây, dự án Kenton Node xuất hiện triển vọng khả quan mới khi "ông trùm" địa ốc Novaland cho biết qua nhiều vòng thương thảo với Công ty Tài Nguyên, tập đoàn sẽ tiếp nhận dự án để làm dự án mới, dự định đổi tên thành Grand Sentosa và chính thức công bố ra thị trường trong năm 2022.
Mặc dù không tiết lộ giá trị của thương vụ nhưng Novaland khẳng định các sản phẩm thuộc dự án này sắp tung ra sẽ rơi vào vùng giá của căn hộ hạng sang.