Tranh chấp giữa BIDV CN Thành Nam và doanh nghiệp: Quá nhiều bất thường!

Từ những hợp đồng tín dụng đã lộ ra nhiều sai phạm trong quá trình ký kết giữa BIDV chi nhánh Thành Nam với khách hàng.

Như chúng tôi đã thông tin tại bài: “Nam Định: Căn cứ hợp đồng "ảo" để mở phiên tòa xét xử tranh chấp giữa BIDV Thành Nam và DN?”, vụ án Kinh doanh thương mại về tranh chấp Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Thành Nam, Nam Định (BIDV Thành Nam) và Công ty Cổ phần Nam Phương Hồng (Công ty Nam Phương Hồng) được TAND thành phố Nam Định thụ lý ngày 17/5/2021, hồ sơ thụ lý số 13/2021/TLST-HNGĐ.

Theo đó, BIDV Thành Nam là Nguyên đơn, Công ty Nam Phương Hồng là Bị đơn. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là: vợ chồng ông Vũ Đình Cường - bà Nguyễn Thị Chắt, và vợ chồng ông Lê Đình Thản - bà Nguyễn Thị Sinh, phát sinh từ 02 hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba. Tuy nhiên, theo hồ sơ và quy định pháp luật, mỗi hợp đồng thế chấp tài sản này lại có những sai phạm riêng.

Trụ sở BIDV chi nhánh Thành Nam
Trụ sở BIDV chi nhánh Thành Nam

Cụ thể, ngày 03/5/2018, “Hợp đồng thế chấp bằng bất động sản của bên thứ ba” số 04/2018/3809396/HĐBĐ (sau đây gọi tắt là “Hợp đồng”) được ký kết bởi: Bên thế chấp – Ông Vũ Đình Cường và Bà Nguyễn Thị Chắt, với: Bên nhận thế chấp – Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thành Nam (Người đại diện: Ông Trần Đăng Đạt, chức vụ Phó Giám đốc). Tài sản thế chấp là: Quyền sử dụng đất – Theo Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất số BG 441935 do UBND huyện Mỹ Lộc cấp ngày 15/07/2011 cho bà Nguyễn Thị Chắt và ông Vũ Đình Cường, địa chỉ: xóm 11 – xã Mỹ Trung – huyện Mỹ Lộc – tỉnh Nam Định (Hợp đồng 04).

Tuy nhiên, chiếu theo quy định, Hợp đồng 04 nêu trên đã vi phạm về chủ thể ký kết, vi phạm về trình tự thủ tục đăng ký bảo đảm. Dẫn chứng: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện chủ sử dụng là ông Vũ Đình Cường và bà Nguyễn Thị Chắt, tuy nhiên trong các hợp đồng thế chấp và văn bản có liên quan thể hiện ông Cường không ký và không hề có văn bản ủy quyền cho bà Chắt hay bất kỳ ai khác để làm thủ tục thế chấp với BIDV chi nhánh Thành Nam.

Hợp đồng 02 là tài liệu quan trọng quyết định vụ án
Hợp đồng 02 là tài liệu quan trọng quyết định vụ án

Không những thiếu chủ thể ký kết mà phía Ngân hàng cũng không đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong khi pháp luật quy định rất rõ việc thế chấp bất đồng sản là quyền sử dụng đất bắt buộc phải có đăng ký giao dịch đảm bảo (chỉ khi đăng ký giao dịch đảm bảo mới có hiệu lực pháp luật).

Như vậy, riêng đối với hợp đồng thế chấp được ký kết giữa Ngân hàng với ông Cường, bà Chắt đã hoàn toàn vi phạm về chủ thể và trình tự thủ tục dẫn đến việc Tòa án có thể tuyên vô hiệu theo quy định pháp luật và xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của Ngân hàng.

Còn về phía ông Thản - bà Sinh, trường hợp này có cả chữ ký của 2 vợ chồng tại Hợp đồng thế chấp tài sản số 05/2018/3809396/HĐBĐ ký ngày 08/11/2018. Theo đó, Bên nhận thế chấp là - BIDV Chi nhánh Thành Nam, Bên thứ ba có tài sản là - vợ chồng ông Thản, bà Sinh, Bên thứ ba - thường là bên được bảo đảm, đó là Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, người đại diện pháp luật của Công ty Nam Phương Hồng thông tin: “Công ty không được ký, không hề biết tới Hợp đồng này, nhưng BIDV Chi nhánh Thành Nam lại bắt chúng tôi “gánh nợ” của hợp đồng tín dụng này”.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty Nam Phương Hồng cho biết, tại phiên xử sáng 23/3/2022, trả lời đại diện Bị đơn về giá trị của hợp đồng thế chấp khi Công ty Nam Phương Hồng không ký, cũng như căn cứ nào để BIDV "gán" trách nhiệm trả nợ cho Công ty Nam Phương Hồng, đại diện BIDV khẳng định, giao dịch thế chấp là giao dịch giữa Ngân hàng và Người có tài sản, BIDV không nhất thiết phải biết Công ty có đồng ý hay không, có ký hay không.

Cũng tại phiên tòa này, đại diện Bị đơn hỏi vì sao nhiều hợp đồng thế chấp trước Công ty được ký và được công chứng, còn với văn bản thế chấp tài sản của ông Thản - bà Sinh Công ty lại không được ký. Đại diện BIDV khẳng định, Ngân hàng không có mẫu hợp đồng chung, việc ký hợp đồng thế chấp là quan hệ riêng giữa Ngân hàng và Người có tài sản, không nhất thiết bên được bảo đảm phải ký.

Bày tỏ quan điểm của mình về phiên xử ngày 23/3/2022, luật sư của Bị đơn cho rằng Hội đồng xét xử thi hành công vụ thiếu khách quan, luật sư  bị cản trở quyền tiếp cận thông tin, tài liệu quan trọng, cơ bản của vụ án, nhất là các bản gốc hợp đồng ký giữa BIDV và Công ty Nam Phương Hồng có liên quan đến trách nhiệm bảo đảm thanh toán nợ theo Hợp đồng 04 của ông Cường - bà Chắt.

Hợp đồng 04 nêu trên đã vi phạm về chủ thể ký kết, vi phạm về trình tự thủ tục đăng ký bảo đảm
Hợp đồng 04 nêu trên đã vi phạm về chủ thể ký kết, vi phạm về trình tự thủ tục đăng ký bảo đảm

Trở lại về vấn đề hồ sơ vụ án, tại phiên xử sơ thẩm đầu tiên ngày 17/11/2021, Công ty Nam Phương Hồng đã có đơn yêu cầu TAND TP. Nam Định trưng cầu giám định một số tài liệu do Nguyên đơn cung cấp, trong đó có Hợp đồng số 02 với nghi ngờ: hợp đồng là giả mạo, từng trang không có chữ ký nháy của người đại diện hợp pháp, hợp đồng không có dấu giáp lai của Doanh nghiệp (mà chỉ có chữ ký nháy, giáp lai của bên Ngân hàng và bên Công chứng), cũng như, các phiên bản của hợp đồng này không giống nhau từ các nguồn: Ngân hàng, Văn phòng Công chứng Hoàng Anh và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nam Định.

Trả lời câu hỏi của Bị đơn về độ tin cậy của Hợp đồng 02, Nguyên đơn – BIDV cho rằng, ký nháy thể hiện tính liên tục của các trang, trong hợp đồng 02 có chữ ký nháy của bên Ngân hàng và Công chứng, thể hiện ý chí của các bên. Theo những lập luận của vị đại diện Ngân hàng thì Hợp đồng 02 chắc chắn thiếu “ý chí” của Công ty Nam Phương Hồng, vì văn bản này thiếu chữ kỹ nháy từng trang. Đặc biệt, theo Bị đơn, trang cuối của Hợp đồng 02 có cỡ chữ khác các trang trước đó, chữ ký ở trang cuối hoặc là chữ ký dập, hoặc là cắt ghép từ trang cuối của một trong số các bản hợp đồng thế chấp tài sản trên đất (vì Công ty có rất nhiều hợp đồng với BIDV).

Như vậy có thể thấy, Hợp đồng 02 là tài liệu quan trọng quyết định vụ án. Vậy mà không hiểu sao Hội đồng xét xử vẫn không công khai bản chính văn bản này để các bên đối chiếu. Có phải là bảo vệ bí mật kinh doanh, hay vì lý do gì khác?

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm