Cương quyết xử lý nhà máy nước hoạt động chui
Theo đó, ngày 20/5/2020, UBND Tx.La Gi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư nước Bình An (Công ty nước Bình An) với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình nhà máy xử lý nước, cấp nước sinh hoạt không có giấy phép xây dựng đối với diện tích 509,04m2.
Cụ thể, Công ty nước Bình An đã xây dựng trạm bơm nước cấp 1 và cấp 2 với tổng diện tích 56,85m2; xây nhà chưa hoá chất với diện tích 85,8m2; khu xử lý lắng lọc với diện tích 138,45m2 và hồ chứa nước sạch với diện tích 227,94m2 cùng 1 trạm biến áp 3 pha.
Với hành vi vi phạm này, UBND Tx.La Gi xử phạt Công ty nước Bình An số tiền 50 triệu đồng. Đồng thời, buộc Công ty nước Bình An phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng theo quy định, hết thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Hết thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm, nếu Công ty nước Bình An không xuất trình giấy phép cho người có thẩm quyền thì bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình vi phạm.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Tx.La Gi cho biết, đến hết thời hạn 60 ngày, Công ty nước Bình An vẫn chưa xuất trình được giấy phép xây dựng, cho nên chúng tôi buộc phải thi hành cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm.
Ngay sau đó, ngày 30/10/2020, UBND Tx.La Gi đã ra thông báo về việc thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng trái phép đối với nhà máy nước La Gi của Công ty nước Bình An.
Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo, buộc Công ty nước Bình An phải thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm. Hết thời hạn mà Công ty nước Bình An không thực hiện thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Ai “chống lưng” cho Công ty nước Bình An xây dựng trái phép?
Ở một khía cạnh khác, trong văn bản trả lời Công ty nước Bình An ngày 15/7/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, hồ sơ của Công ty nước Bình An chưa đủ điều kiện để xem xét cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy nước La Gi tại P.Tân An, Tx.La Gi.
“Căn cứ ý kiến các Sở ngành, địa phương thì việc đề xuất đầu tư dự án Xây dựng nhà máy nước La Gi của Công ty CP Đầu tư nước Bình An với công suất 5000m3/ngày, đêm trong giai đoạn hiện nay là chưa thật sự cần thiết. Lý do, hiện nay, nhà máy nước La Gi (chi nhánh Cấp thoát nước Bình Thuận) đang hoạt động với công suất 5.000m3/ngày, đêm và nhà máy nước Tân Tiến đang hoạt động với công suất 15.000m3/ngày, đêm và nâng công suất lên 25.000m3/ngày, đêm, vẫn đảm bảo khả năng cấp nước cho Tx.La Gi trong thời gian tới”, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Như vậy, mặc dù chưa có chủ trương đầu tư, nhưng Công ty nước Bình An đã “cầm đèn chạy trước ô tô”, khi triển khai xây dựng nhà máy nước tại đây, sau đó đã bị chính quyền địa phương “tuýt còi”.
Và điều đáng nói ở đây, nhà máy nước La Gi được xây dựng trái phép của Công ty nước Bình An lại nằm trong khuôn viên của Công ty CP Cấp thoát nước Bình Thuận (Cấp thoát nước Bình Thuận).
Không những thế, theo nguồn tin Thương gia có được, nhà máy nước La Gi đã đi vào hoạt động với công suất 5.000m3/ngày, đêm và được Cấp thoát nước Bình Thuận mua lại.
Điều này khiến dư luận hoài nghi, phải chăng Cấp thoát nước Bình Thuận đang “hậu thuẫn” cho Công ty nước Bình An xây dựng và đưa vào hoạt động trái phép nhà máy nước La Gi.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Thương gia đã liên hệ với ông Phạm Nhật Khánh, Giám đốc Cấp thoát nước Bình Thuận để đặt lịch làm việc, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này.