Bình thường hóa với lãi suất cao

Thời gian và số lượng nhiều lên dần dần biến một vài hiện tượng trở nên bình thường...
Bình thường hóa với lãi suất cao

Từ trung tuần tháng 8 đến đầu tháng 9/2018, thị trường sôi động lên với những quyết định tăng lãi suất huy động VND của một số ngân hàng, dù lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng gần đây ổn định xen lẫn những phiên giảm.

Nhìn lại, trải qua hai năm, những mức cao của lãi suất VND đang dần trở nên bình thường.

Tháng 3/2016, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số ngân hàng thương mại có đợt tăng lãi suất đang chú ý. Khi đó, mức cao nhất của lãi suất VND cao nhất ghi nhận ở 8,38%/năm, kỳ hạn 13 tháng tại Ngân hàng Việt Á.

8,38% khi đó trở thành hiện tượng, vì nhiều nhà băng khác áp phổ biến dưới 7,2-7,5%/năm các kỳ hạn dài, một vài trường hợp có 7,9-8,1%/năm.

Hiện tượng, vì đó là trường hợp đầu tiên áp cao vượt trội. Nhưng, tính cá biệt của nó có ở điều kiện chỉ áp với những khoản tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên.

Đến nay, mất hơn hai năm để những mức lãi suất cao như trên trở nên bình thường. Đó cũng là khoảng thời gian lạm phát êm đềm dưới mục tiêu kiểm soát, cũng là hơn hai năm Ngân hàng Nhà nước liên tục mua ròng lượng lớn ngoại tệ, đồng nghĩa với lượng lớn tiền đồng đưa ra.

Đến nay, từ trung tuần tháng 8/2018, nhiều ngân hàng thương mại đã có mức lãi suất cao nhất 8,4%/năm, thậm chí 8,7%/năm. Tất nhiên là chỉ áp với các kỳ hạn khá dài.

Sau hai năm, đến nay, bối cảnh thị trường cũng đã có nhiều thay đổi.

Lạm phát bắt đầu thể hiện áp lực lớn hơn đối với mục tiêu kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước không còn mua vào ngoại tệ lớn như trước. Tỷ giá USD/VND thể hiện những đợt tăng khá mạnh. Thanh khoản hệ thống dù không căng thẳng, thậm chí về tổng thể vấn dư thừa, nhưng điều hành chính sách đã phải cân đối lại trong điều tiết.

Bối cảnh đó liên thông sâu sắc với thế giới bên ngoài. Cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia lớn nổ ra và có xu hướng căng thẳng thêm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có các đợt tăng lãi suất đồng USD với tần suất dày hơn. Đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh kéo dài. USD-Index tăng khá mạnh và dùy trì ở mức cao. Dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng đảo chiều tại các thị trường mới nổi. Nhiều quốc gia phá giá mạnh đồng nội tệ, cũng như nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất…

Không như bình thông đáy, nhưng Việt Nam cũng không quá độc lập. Lạm phát, tỷ giá, lãi suất trong nước đón nhận nhất định, phản ứng nhất định với những tác động lớn bên ngoài. Nhà điều hành cũng phải linh hoạt hơn để cân đối các mục tiêu.

Con đường không còn khá bằng phẳng như 2016 và 2017 với lãi suất và tỷ giá USD/VND nữa. Bối cảnh bên ngoại và nội tại xuất hiện những mấp mô, buộc "tay lái" chính sách tiền tệ phải có lúc rà phanh, lúc mớm ga. Tỷ giá và lãi suất bật lên trong ngắn hạn, tốc độ cỗ xe giật hơn, đương nhiên tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn - chi phí sản xuất kinh doanh và cả bảo hiểm rủi ro của doanh nghiệp phải trả có thể nhiều hơn.

Nhưng cơ bản, ở thời điểm này, lạm phát, tỷ giá và lãi suất vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Phía trước, định hướng điều hành hẳn phải trù tính làm sao tránh những cú phanh gấp, giật ga mà khiến cỗ xe nền kinh tế tiêu hao nhiêu liệu nhiều hơn.

Đó là một sự ổn định tương đối, trước yêu cầu cân đối đa mục tiêu, mà có những mục tiêu gần như mâu thuẫn nhau.

Như trên, đến nay thị trường đã bình thường hóa những mức lãi suất cao. Nhưng như vậy không hẳn hệ thống khó khăn thanh khoản.

Tính đến ngày 5/9/2018, hệ thống vẫn còn dư thừa tới gần 75.000 tỷ đồng đang tạm trú ở tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành hút tiền về. Việc hút bớt này nhằm hạn chế dư tiền gây áp lực lạm phát, nhằm cân đối lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng để hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Từ đầu tháng 6/2018, nhà điều hành đã tăng cường hút bớt tiền về khối lượng lớn, từng bước mở rộng các kỳ hạn tín phiếu dài hơn để hút vốn bền vững hơn. Những chuyển động này khá chủ động trước khi FED có quyết định tăng lãi suất.

Và cuối tháng 7 đầu tháng 8/2018, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động gián tiếp tác động để lãi suất VND trên liên ngân hàng lên mức chấp nhận được, tạo chênh lệch đáng kể có lợi cho ổn định tỷ giá. Lãi suất VND trên thị trường này đã ổn định quanh 4,5%/năm khoảng một tháng qua, những phiên gần đây có diễn biến giảm nhẹ.

Dù không thông đáy, nhưng lãi suất liên ngân hàng ở mức cao như trên cũng tác động nhất định đến lãi suất huy động trên thị trường dân cư và doanh nghiệp. Một số nhà băng tăng lãi suất VND chủ yếu ở kỳ hạn dài, nhằm cân đối lại cơ cấu vốn, cũng như chuẩn bị đáp ứng cho các giới hạn an toàn mới từ đầu 2019.

Mặt khác, nếu trù tính lạm phát tăng lên trong dài hạn, việc nâng lãi suất các kỳ hạn dài lúc này để chủ động nguồn và chi phí trước cũng là một lựa chọn trong kinh doanh.

Còn ở khối ngân hàng thương mại nhà nước lớn, lãi suất huy động VND gần đây tăng chủ yếu chỉ tập trung ở kỳ hạn ngắn, mặt bằng lãi suất của họ chỉ gợn lăn tăn những bước rất nhỏ 0,1-0,2%/năm.

Dù chỉ gợn lăn tăn, nhưng khối này phải tính toán rất kỳ về chi phí, nhất là trong thực tế đầu ra tín dụng đang bị "siết lại". Họ tính kỹ, ví như phải sau một thời gian, có thành viên đã phải nâng lãi suất không kỳ hạn cho tiền gửi thanh khoán của khách hàng từ 0,1%/năm lên 0,2%/năm (có lẽ để tránh phản cảm sau khi tăng mạnh phí dịch vụ rút tiền, chuyển tiền).

Theo Vneconomy

vneconomy.vn/binh-thuong-hoa-lai-suat-cao-20180907 http://vneconomy.vn/binh-thuong-hoa-lai-suat-cao-20180907005322233.htm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...