Việc áp dụng công nghệ số được thực hiện nhằm nắm bắt nguồn cung cũng như hoạt động phân phối loại hàng hoá đặc biệt này tại thị trường nội địa để đảm bảo luôn luôn cân đối được cung cầu cũng như an ninh năng lượng.
Đối với nguồn cung xăng dầu trong nước, bà Lê Việt Nga khẳng định, để chủ động trong đảm bảo nguồn cung, ngay từ tháng 2/2022, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 để chỉ đạo 10 doanh nghiệp đầu mối trong việc tăng cường nhập khẩu, duy trì nguồn cung xăng dầu trong nước. Thời gian gần đây, cùng với việc sử dụng cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã nắm bắt được rõ ràng nguồn cung xăng dầu trên thị trường, từ đó luôn luôn đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu từ Nghi Sơn chưa chốt được con số rõ ràng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Thuý Hiền cho hay để đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong kỳ họp tháng 9 vừa qua và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án nâng mức dự trữ quốc gia và trình Chính phủ đề án này. Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT để báo cáo chi tiết hơn về việc nâng mức dự trữ.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án trình Chính phủ nâng mức dự trữ này lên 1 tháng, tức gấp khoảng 4 lần hiện nay.
Nguồn lực Nhà nước hiện có hạn nên việc nâng dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2025. Trước mắt chưa đủ kho thì tiếp tục thuê kho của các doanh nghiệp, nhưng lộ trình tiến tới sẽ xây dựng, đầu tư kho riêng của Nhà nước", bà Hiền thông tin.
Hiện, cơ cấu dự trữ xăng dầu của Việt Nam đến từ 3 nguồn: dự trữ thương mại tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (20 ngày) và thương nhân phân phối 5 ngày; dự trữ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu và dự trữ quốc gia. Hiện nguồn dự trữ quốc gia Việt Nam tương đối mỏng, khoảng 5-7 ngày sử dụng nhưng để đảm bảo an ninh năng lượng, mức này không đủ.