Bộ Công thương: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống

Bộ Công thương cho biết sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, ngành Công thương sẽ tiếp tục theo dõi việc sản xuất, cung ứng xăng dầu của các đơn vị, trong trường hợp có sự thay đổi, biến động so với kế hoạch, bộ sẽ có biện pháp phù hợp để chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu, các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu điều chỉnh kế hoạch sản xuất để luôn bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường.

Đặc biệt, trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đồng thời, kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước có thời điểm tăng nóng và đã chạm đỉnh vào cuối tháng 6 với mức giá hơn 33.000 lít/xăng. Sau 5 lần điều chỉnh giảm sâu kể từ tháng đầu tháng 7, đến nay giá xăng bán lẻ đã xuống mức hơn 24.000 đồng/lít.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Bộ Công thương: Không để "đứt gãy" nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống
Bộ Công thương: Không để "đứt gãy" nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống

Những tháng cuối năm 2022, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Liên quan đến việc điều hành giá và cung ứng xăng dầu, Bộ Công thương đã lên tiếng và khẳng định xử phạt các đơn vị vi phạm kinh doanh xăng dầu không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ Công thương đã công khai danh sách 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép từ 1,5 tháng đến 3 tháng do thiếu một số điều kiện đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định, như: Thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu các đại lý hoặc kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký…

Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công thương trong quá trình kiểm tra kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu đã phát hiện, xử phạt hành chính 11 công ty. Các cơ quan chức năng đã thống nhất chuyển hồ sơ 2 doanh nghiệp không nộp số dư quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách nhà nước sang Bộ Công an để xử lý theo quy định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm