Các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu gồm: Duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định; Nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được phân giao hằng năm; Không gửi đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ với Bộ Công Thương trước ngày 31/1 hằng năm và gửi đăng ký điều chỉnh khi có sự thay đổi hệ thống phân phối...
11 doanh nghiệp bị xử phạt này nằm trong danh sách 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thanh, kiểm tra theo quyết định của Bộ Công thương vào hồi tháng 2/2022.
Lỗi phổ biến của 11 doanh nghiệp là không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống; Kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực; Sử dụng phương tiện đo không có chứng chỉ kiểm định; Điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép; Không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe chứa xăng dầu.
Lực lượng Quản lý thị trường còn phát hiện tình trạng nhân viên bán hàng lợi dụng giờ cao điểm cũng như khâu quản lý lỏng lẻo để bơm chồng số, không niêm yết giá, tự ý điều chỉnh giá, treo biển không bán hàng, cố ý che bảng thông tin cột bơm... nhằm thu lợi bất chính, gây bất bình cho người tiêu dùng.
Trước đó, hồi tháng 2/2022, trong bối cảnh thị trường xăng dầu có nhiều xáo trộn khi nguồn cung đứt gãy cục bộ tại một số địa phương, Bộ Công thương đã quyết định lập 3 đoàn thanh tra, thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Các doanh nghiệp đầu mối sẽ phải cung cấp cho đoàn kiểm tra các hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán và chứng từ nội bộ việc mua - bán, xuất nhập khẩu hàng hóa... từ ngày 1/1/2021 đến ngày 11/2/2022.