Bộ Công thương triển khai 9 giải pháp gỡ khó cho xuất nhập khẩu

Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể hóa nhiệm vụ phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa.
Bộ Công thương triển khai 9 giải pháp gỡ khó cho xuất nhập khẩu

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương cho biết nhằm khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, ngày 5/6 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW trong đó đã đề ra định hướng, các giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay cũng như các giải pháp thực hiện trong dài hạn. 

Theo đó, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp để cụ thể hóa và thực hiện nhiệm vụ: “Tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu; tăng cường xuất khẩu”. 

Theo đó, các giải pháp được Bộ Công Thương triển khai cụ thể: 

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các nội dung của Quyết định số 1457/QĐ-BCT, ngày 3/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch COVID-19.

Tập trung tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tốt thị trường ngoài nước trong tình hình mới; rà soát, tính toán, xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế, nhất là thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Thứ hai, chuẩn bị các nhiệm vụ, điều kiện cần thiết để triển khai thực thi có hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 8/6 như: nội luật hóa nội dung Hiệp định; tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp về qui tắc xuất xứ và cách thức tận dụng các Hiệp định FTA để thúc đẩy xuất khẩu…

Thứ ba, tiếp tục theo dõi sát và tháo gỡ khó khăn trong trao đổi hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu khu vực phía Bắc nhằm cải thiện năng lực thông quan hàng hóa; trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc nhằm bảo đảm vận tải giao thương ở biên giới; điều tiết lượng hàng hóa lên cửa khẩu, tránh gây ùn tắc làm tăng chi phí.

Thứ tư, duy trì, thúc đẩy quan hệ thương mại song phương thông qua việc tổ chức các buổi điện đàm trực tiếp giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với Bộ trưởng Bộ quản lý Thương mại, Cao ủy Thương mại của các thị trường lớn để trao đổi về tình hình hợp tác thương mại, qua đó tháo gỡ khó khăn về mở cửa thị trường như Australia, Trung Quốc, EU, Canada, ASEAN ...

Thứ năm, duy trì công tác phối hợp, làm việc với các Hiệp hội ngành hàng để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, thực trạng của doanh nghiệp và các yêu cầu cần thiết để đề xuất cơ chế chính sách phù hợp.

Thứ sáu, khai thác thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng mới (như khẩu trang, thiết bị phòng hộ cá nhân, máy móc, vật tư y tế). Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tuyến, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

Thứ bảy, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu; chia sẻ quyền truy cập hệ thống cho hệ thống các Thương vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cùng khai thác, sử dụng nhằm tăng cường khả năng kết nối cơ hội kinh doanh, đầu tư.

Thứ tám, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cắt giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, cắt giảm chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước.

Thứ chín, tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm