Bộ GTVT đề xuất 4 phương án để xử lý bất cập tại BOT Thái Nguyên - Chợ Mới

Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới là dự án BOT bị người dân phản đối do đặt cùng lúc 2 trạm thu phí tại đường xây mới (Thái Nguyên - Chợ Mới) và trên quốc lộ 3.
Bộ GTVT đề xuất 4 phương án để xử lý bất cập tại BOT Thái Nguyên - Chợ Mới

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên cho ý kiến về các phương án xử lý bất cập tại trạm thu phí trên quốc lộ 3 thuộc dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Đây là dự án BOT bị người dân phản đối do đặt cùng lúc 2 trạm thu phí tại đường xây mới (Thái Nguyên - Chợ Mới) và trên quốc lộ 3. Người dân chấp nhận trả phí khi qua đường mới nhưng từ chối trả phí khi đi qua quốc lộ. Nhiều nhóm người tụ tập phản đối khiến trạm thu phí tại đây phải dừng hoạt động.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ GTVT đã liệt kê 4 phương án giải quyết bất cập tại BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Phương án 1 là giữ nguyên hợp đồng BOT đã ký kết. Nhà đầu tư thu phí tại 2 trạm quốc lộ 3 và đường Thái Nguyên - Chợ Mới để hoàn vốn. Trong đó, trạm quốc lộ 3 miễn, giảm phí theo phương án đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên. Thời gian thu phí tăng từ 25 năm 4 tháng lên khoảng 32 năm 4 tháng do lùi thời gian bắt đầu thu phí tại trạm quốc lộ 3 từ tháng 7/2019 sang dự kiến vào cuối năm 2022.

Theo phương án 1, để bảo đảm hoàn vốn theo hợp đồng (khoảng 25 năm), nhà đầu tư đề nghị bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 800 tỷ đồng.

Phương án 1 cơ bản phù hợp với Hợp đồng đã ký kết, hạn chế sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Bộ GTVT lưu ý tỉnh Thái Nguyên phải có giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự khi tổ chức thu phí.

Phương án 2 là chỉ thu phí trên trạm Thái Nguyên - Chợ Mới, không thu trên quốc lộ 3. Doanh nghiệp dự án bàn giao quốc lộ 3 đoạn km75 đến km100 cho Nhà nước quản lý. Để bảo đảm hiệu quả tài chính với thời gian thu hồi vốn khoảng 25 năm 4 tháng, Nhà nước cần hỗ trợ 3.050 tỷ đồng.

Phương án 3 là di dời trạm thu phí Quốc lộ 3 từ km77+922 về đặt trên đoạn km93 - km100 đúng theo phạm vi đầu tư nâng cấp. Kết quả đếm xe và tính toán phương án tài chính cho thấy, do lưu lượng xe đoạn km93 - km100 rất thấp nên phương án này không bảo đảm hiệu quả tài chính; để bảo đảm thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm 4 tháng theo Hợp đồng đã ký, nhà nước cần hỗ trợ khoảng 2.550 tỷ đồng.

Phương án 4 là chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư. Theo quy định của hợp đồng dự án đã ký, Nhà nước cần thanh toán cho doanh nghiệp dự án 3.250 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Bộ GTVT cho biết các phương án 2, 3, 4 giải quyết triệt để được bất cập tại trạm quốc lộ 3 nhưng rất khó khả thi do sử dụng nhiều vốn ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, phương án 2 cần mức vốn Nhà nước khoảng 3.050 tỷ đồng, bên cạnh đó nhà đầu tư vẫn thu phí 25 năm 4 tháng để hoàn vốn cho dự án. Phương án 3 cơ bản giải quyết được bất cập tại trạm quốc lộ 3 nhưng vẫn có thể phát sinh mất an ninh, trật tự do người dân phản đối; đồng thời nhà đầu tư không thể bổ sung kinh phí di dời trạm.

Phương án 4 giải quyết được triệt để bất cập tại trạm quốc lộ 3, nhận được sự đồng thuận của người dân; tuy nhiên các bộ, ngành đánh giá pháp luật hiện tại chưa cho phép sử dụng vốn đầu tư công trung hạn để thanh toán cho nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nên phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Với các phương án trên, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên đánh giá giải pháp xử lý, khả năng bảo đảm an ninh trật tự của từng phương án và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm xử lý vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí quốc lộ 3.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...