Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% tiền thuê đất và thuê mặt nước trong năm 2022

Mức giảm 30% số tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022, trị giá khoảng 3.500 tỷ đồng và không áp dụng quy định các đối tượng phải ngừng sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như trước đây...

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm số tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 khoảng 3.500 tỷ đồng.

Tại dự thảo quyết định, Bộ Tài chính đề xuất đối tượng áp dụng kế thừa theo đối tượng được miễn tiền thuê đất của năm 2021 và bổ sung thêm đối tượng thuê mặt nước.

Đáng chú ý, tại Nghị quyết số 11 quy định điều kiện được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 là người thuê đất, thuê mặt nước phải ngừng sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống dịch trong tình hình hiện nay, không thực hiện biện pháp giãn cách, cách ly trên phạm vi toàn xã hội, do đó, Bộ Tài chính đề xuất không quy định điều kiện này như thực hiện trong năm 2021.

Theo đó, đối tượng áp dụng giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 với mức giảm 30% là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất, thuê mặt nước hằng năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cũng theo dự thảo, quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước đang được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Để giúp đơn giản thủ tục hành chính và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, hạn chế tình trạng xin cho khi phải xin xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Tài chính đề xuất thành phần hồ sơ chỉ gồm 2 loại văn bản.

Một là,giấy đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 của người thuê đất, thuê mặt nước theo mẫu.

Hai là,bản sao quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước hoặc hợp đồng thuê đất, thuê mặt nước hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyển sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định, người nộp thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp, do đó, Bộ Tài chính đề xuất quy định, người thuê đất khi đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin và đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Chính sách này sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trước đó, kết quả thực hiện giảm tiền thuê đất trong năm 2021 theo Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 3.433 tỷ đồng.

Bên cạnh đề xuất giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được giảm, gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính, sự hỗ trợ về dòng tiền để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...