Bộ Tài chính nói gì về một loạt đề xuất cơ chế cho cao tốc Bắc-Nam?

Đồng tình với ý kiến sẽ triển khai giải phóng mặt bằng ngay sau khi duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hay đề xuất về lãi suất vốn vay nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính không thống nhất với quan điểm để mức l
Bộ Tài chính nói gì về một loạt đề xuất cơ chế cho cao tốc Bắc-Nam?

Đây là ý kiến của Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ góp ý việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc–Nam.

Không giao địa phương thực hiện dự án riêng lẻ

Cụ thể, để thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc–Nam nhánh Đông, Bộ Tài chính thống nhất với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc sử dụng mức cho vay dài hạn cùng kỳ hạn bình quân của 3 ngân hàng thương mại lớn để làm cơ sở xác định chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Về giải phóng mặt bằng, ngành giao thông trước đó đã đề xuất việc triển khai công tác này ngay sau khi duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Cho ý kiến, lãnh đạo Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm thống nhất với nội dung trên nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải trước đó cũng đề xuất giao cơ quan này có thẩm quyền ký kết và thực hiện các hợp đồng dự án trên toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam và không giao cho các địa phương thực hiện dự án riêng lẻ. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện toàn bộ trách nhiệm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đây cũng là nội dung được lãnh đạo Bộ Tài chính tỏ ý đồng tình. Dẫn quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đại diện ngành tài chính cho rằng, quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã quy định Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đường bộ.

“Như vậy, căn cứ quy định tại nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 thì Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án. Do đó, Bộ Tài chính thống nhất với kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án trên toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam. Ủy ban Nhân dân các tỉnh nơi có dự án đi qua phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện,” báo cáo của Bộ Tài chính nêu lên.

Về đề xuất thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ trên cao tốc Bắc–Nam, tách thành gói thầu riêng, Bộ Giao thông vận tải tổ chức lựa chọn 1 đơn vị đầu tư xây dựng và tổ chức thu giá để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn và tiết kiệm chi phí, Bộ Tài chính cũng bảy tỏ đồng tình. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý việc lựa chọn đơn vị đầu tư và tổ chức thu phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cân nhắc mức lợi nhuận

Đồng tình với nhiều đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải nhưng với ý kiến xác định mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong phương án tài chính đề lập hồ sơ mời thầu là 14%/năm, đại diện Bộ Tài chính có quan điểm khác.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, mức lợi nhuận trên có thể đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài song tương đối cao so với mặt bằng lợi nhuận của các dự án giao thông đường bộ hiện nay (cao gấp 2,15 lần so với mức lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại).

Đại diện ngành tài chính tính toán, hiện nay, mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của các dự án BOT đường bộ đang là khoảng 11,5%. Trong khi ấy, mức lãi suất vốn huy động và vốn vay đang có xu hướng giảm.

Vì vậy, cơ quan này đề nghị cân nhắc mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 11,5% như các dự án BOT Quốc lộ 1.

“Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu mức lợi nhuận cao hơn mức trên, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể,” lãnh đạo Bộ Tài chính góp ý.

Với đề xuất của ngành giao thông giao Ngân hàng Nhà nước có giải pháp để nhà đầu tư có thể tiếp cận vay vốn và triển khai các dự án cao tốc, đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận vốn của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á, lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng. Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm không để tình trạng nhà đầu tư dùng toàn bộ tiền ngân hàng để thực hiện dự án BOT.

Tương tự, đại diện Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm “cân nhắc” với kiến nghị cho nhà đầu tư chỉ được chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp dự án sau khi công trình hoàn thành được nghiệm thu, đưa vào khai thác trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định.

Nói điều này, theo đại diện Bộ Tài chính, kiến nghị trên có thể sẽ dẫn đến khó khăn cho phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng được yêu cầu theo quy định của hợp đồng trong quá trình thực hiện dự án.

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...