Sáng 7/5, tại Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành).
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các quy định để nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức. Trong đó, quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính.
Bổ sung cơ chế để xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời" và nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.
Theo dự thảo luật, việc đánh giá công chức là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Đồng thời, bảo đảm sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí việc làm đối với những người không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công vụ.
Đánh giá công chức căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao của tháng, quý, 6 tháng thể hiện bằng số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm.
Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm phân định rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ để có cơ sở thực hiện chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với người có phẩm chất, năng lực nổi trội, có nhiều thành tích, đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận.
Đánh giá công chức sẽ được xếp loại ở các mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ; Không hoàn thành nhiệm vụ.
Công chức xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức xem xét, bố trí vào vị trí việc làm có thứ bậc thấp hơn hoặc cho thôi việc do không đáp ứng yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Công chức có 2 năm liên tiếp xếp loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan quản lý công chức cho thôi việc.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ các nội dung trong dự thảo luật nếu được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiện đại hóa công tác quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả. Đảm bảo nguyên tắc sử dụng đúng người, đúng việc, phát huy tối đa năng lực của cán bộ, công chức, đồng thời sàng lọc những trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhận định, việc sửa đổi các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ trung ương đến cấp xã tại thời điểm hiện nay đã đủ độ chín. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng cơ bản tán thành việc tiếp tục quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”, sửa đổi các quy định về đánh giá, sàng lọc công chức.
Về vị trí việc làm công chức, có ý kiến đề nghị bổ sung căn cứ xác định vị trí việc làm là “khối lượng công việc thực tế”; đánh giá kỹ tác động của việc bổ sung quy định về ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ.
Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, ông Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy việc quy định cụ thể thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức như trong dự thảo luật là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định có liên quan về xếp loại, đánh giá và kỷ luật cán bộ, công chức để bảo đảm sự phù hợp, công bằng.