Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường có tân bộ trưởng

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ đối với một số đồng chí để bổ nhiệm giữ chức vụ mới…

Quốc hội kiện toàn nhiều vị trí cán bộ cấp cao
Quốc hội kiện toàn nhiều vị trí cán bộ cấp cao

Chiều 26/8, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 8, bên cạnh việc tiến hành phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ; Quốc hội khóa XV bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tại phiên họp, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2021-2026

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với ông Đỗ Đức Duy và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với ông Nguyễn Hải Ninh nhiệm kỳ 2021-2026

Ông Đỗ Đức Duy (sinh năm 1970), quê quán tỉnh Thái Bình. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XIII. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái. Đại biểu Quốc hội Khóa XV

Ông Duy từng là kỹ sư thiết kế kết cấu công trình, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ông sau đó chuyển sang công tác tại Bộ Xây dựng, làm chuyên viên, Vụ phó Tổ chức cán bộ, Chánh văn phòng Bộ, Thứ trưởng Xây dựng từ năm 2015 đến 2017.

Ông Nguyễn Hải Ninh (sinh năm 1976), quê quán tỉnh Hưng Yên. Ông Ninh là Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII (dự khuyết), XIII. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (từ 4/2021).

Trước năm 2006, ông Ninh từng làm Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương, sau đó chuyển sang làm Vụ phó Pháp luật và Cải cách tư pháp, Văn phòng Trung ương Đảng. Ông sau đó giữ cương vị Vụ trưởng, thư ký của Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, rồi được luân chuyển vào tỉnh Đăk Lăk giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh. Tháng 3/2019, ông quay về Trung ương làm Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Cũng tại phiên họp, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026. Kết quả cho thấy, có 438/438 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,06%).

Như vậy, với đại đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Lê Minh Trí.

Tân Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí (sinh năm 1960), quê quán TP.HCM, có trình độ chuyên môn Đại học An ninh, Cử nhân Luật. Ông Trí hiện đang là Bí thư Trung ương Đảng Khóa XIII (từ 8/2024), Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII, XIII, đại biểu Quốc hội các Khóa XIV và XV.

Quá trình công tác, ông Lê Minh Trí từng giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Tham mưu an ninh, Công an TP.HCM; Phó Trưởng phòng A12b, Bộ Nội vụ, Thư ký Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Từ tháng 4/2016 đến nay, ông Trí làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Huy Tiến.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 439/439 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,27%). Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Huy Tiến.

Ông Nguyễn Huy Tiến (sinh năm 1968), quê quán tại tỉnh Thái Bình. Ông Tiến có sự nghiệp gắn liền với ngành kiểm sát. Năm 2013, khi đang là Viện trưởng thực hành công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm 1 tại Hà Nội, ông được bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình. Hai năm sau, ông làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Từ tháng 4/2017, ông Tiến được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ, thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (vụ 5). Từ tháng 9/2018 đến nay, ông giữ cương vị Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn điều tra viên Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 1 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với đồng chí Nguyễn Hòa Bình và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đồng chí giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Miễn nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với đồng chí Lê Minh Trí để bầu giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Trần Lưu Quang vì đã được Bộ Chính trị điều động, phân công, bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...