BOT cầu Bạch Đằng vỡ phương án tài chính dù mới hoạt động

Đứng trước nguy cơ vỡ phương án tài chính, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng mới đây đã "kêu cứu" Thủ tướng. Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện riêng của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp của vấn đề này là áp lực nợ xấu lên hàng ngân hàng.
BOT cầu Bạch Đằng vỡ phương án tài chính dù mới hoạt động

Công ty BOT cầu Bạch Đằng kêu cứu chỉ sau 2 năm vận hành

Dự án BOT xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao là một trong những công trình cầu vượt sông lớn nhất Việt Nam. Cầu có chiều dài 5,4 km bao gồm cả đường dẫn, rộng 25 m, thiết kế 4 làn xe. Dự án được khởi công tháng 9/2014 với tổng chiều dài 5,3km, tổng vốn đầu tư hơn 7.277 tỷ đồng, trong đó phần vốn chủ sở hữu và vốn đầu tư là 6.789 tỷ đồng. Các nhà đầu tư tại Dự án này là Trung Nam Group, Phúc Lộc – Cường Thịnh Thi - Cienco1 - Cái Mép; Công Thành - Phương Thành; Tập đoàn SE (Nhật Bản).

Theo giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 11/10/2015 do Bộ kế hoạch đầu tư cấp, dự án BOT cầu Bạch Đằng vốn chủ sở hữu là 855 tỷ đồng (chiếm 11,02% tổng vốn đầu tư của dự án); vốn vay là 6.905,637 tỷ đồng (chiếm 88,98% tổng vốn đầu tư của dự án).  Ngày 1/9/2018, cầu Bạch Đằng chính thức thông xe, bắt đầu thu phí từ ngày 15/10 với mức giá từ 35.000 đồng đến 180.000 đồng tùy từng phương tiện.

Mới đây, doanh nghiệp dự án - Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cùng các nhà đầu tư Dự án BOT xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao vừa cùng ký văn bản xin Thủ tướng giải cứu.

Theo Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng, kể từ khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép thu phí hoàn vốn vào tháng 10/2018 đến nay, tình hình thu phí hoàn vốn tại Dự án là rất đáng lo ngại.

Cụ thể, tính từ khi thu phí đến ngày 31/12/2019, lưu lượng xe trung bình ngày đêm tại Trạm BOT cầu Bạch Đằng chỉ đạt 11.796/26.740 xe, đạt 44,11%; doanh thu thu phí lũy kế đạt 245,5 tỷ đồng/669 tỷ đồng đạt 36,7% so với phương án tài chính.

Nguyên nhân chủ yếu, theo doanh nghiệp dự án, là do lưu lượng, thành phần dòng xe qua trạm không đạt dự báo và mức phí đang thấp hơn rất nhiều so với mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT – BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT.

Đến hết tháng 4/2020, doanh nghiệp dự án sẽ không còn khả năng chi trả và đứng trước nguy cơ phá sản doanh nghiệp.

Được biết, ngay từ đầu năm 2019, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã có nhiều văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét hỗ trợ như: Điều chỉnh tăng mức phí dịch vụ sử dụng đường bộ lên mức tối đa và tính toán điều chỉnh lại phương án tài chính; sử dụng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ hoặc cho công ty vay để bù một phần dòng tiền thiếu hụt tại Dự án, đảm bảo đủ thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn; chia sẻ rủi ro trong trường hợp doanh thu thực tế sai khác; xem xét chuyển Dự án sang loại hình công trình sử dụng 100% vốn ngân sách…

Đại diện doanh nghiệp dự án cho biết là UBND tỉnh Quảng Ninh, VietinBank đã tổ chức một loạt cuộc họp để tìm giải pháp tháo gỡ nhưng chưa có kết quả với lý do các đề xuất xin hỗ trợ chưa có chính sách cụ thể của Nhà nước hướng dẫn.

Hợp đồng tín dụng của Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam – Chi nhánh Ba Đình và Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng
Hợp đồng tín dụng của Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam – Chi nhánh Ba Đình và Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng

Cái bắt tay “toàn diện” với VietinBank

Trong dự án nói trên, từ đầu năm 2019 dự án thu không đủ trả lãi ngân hàng. Theo lý giải của Chủ đầu tư: Do doanh thu không đủ để trả lãi vay ngân hàng nên doanh nghiệp dự án đang phải sử dụng vốn tự có để bù đắp khoản lãi vay là 320 tỷ đồng và dự kiến phải chi thêm cho mỗi tháng tiếp theo khoảng 22 tỷ đồng/tháng.

Về hợp tác tín dụng, tháng 3/2016, Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam – Chi nhánh Ba Đình đã ký Hợp đồng tín dụng với Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng. Theo đó, Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam cam kết cho vay tổng giá trị không vượt quá 6.397 tỷ đồng để thực hiện dự án BOT cầu Bạch Đằng.

Theo Hồ sơ, Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam không chỉ cho vay số vốn khủng dự án BOT cầu Bạch Đằng mà phần cổ phần góp vốn của Công ty liên danh trong dự án nói trên tiếp tục được Ngân hàng nhận thế chấp và cho vay. Đây được xem là cái bắt tay toàn diện Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam với chủ đầu tư trong dự án trên.

Cụ thể, tháng 4/2016, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đã thế chấp toàn bộ phần vốn góp vào dự án trên vào Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam. Theo đó, tài sản Công ty Trung Nam thế chấp là Tài Sản Thế Chấp theo quy định tại Hợp đồng thế chấp bao gồm các tài sản sau: Toàn bộ 12.800.000 (Mười hai triệu tám trăm ngàn) cổ phần mệnh giá 10.000 (mười nghìn) đồng do Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng có đăng ký kinh doanh số 5701745391 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cấp lần đầu ngày 20/01/2015, địa chỉ: Đầm Nhà Mạc, Xã Liên Vị, Thị xã Quảng Yên, Tỉnh Quảng Ninh phát hành thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam. Các quyền, quyền sở hữu, lợi ích, lợi tức, các khoản thanh toán mà Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam có thể có được phát sinh từ 12.800.000 (Mười hai triệu tám trăm ngàn) cổ phần nêu trên.

Sau đó, tháng 11/2016, tài sản thế chấp của HĐ tín dụng nói trên được đổi thành toàn bộ 13.680.000 (Mười ba triệu sáu trăm tám mươi ngàn) cổ phần mệnh giá 10.000 (mười nghìn) đồng do Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng có đăng ký kinh doanh số 5701745391 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cấp lần đầu ngày 20/01/2015, thay đổi lần 1 ngày 06/05/2016, địa chỉ: Đầm Nhà Mạc, Xã Liên Vị, Thị xã Quảng Yên, Tỉnh Quảng Ninh phát hành thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam. Các quyền, quyền sở hữu, lợi ích, lợi tức, các khoản thanh toán mà Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam có thể có được phát sinh từ 13.680.000 (Mười ba triệu sáu trăm tám mươi ngàn) cổ phần nêu trên.

Tương tự với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc cũng thế chấp toàn bộ 8.550.000 (Tám triệu năm trăm năm mươi ngàn) cổ phần mệnh giá 10.000 (mười nghìn) đồng do Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng có đăng ký kinh doanh số 5701745391 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cấp lần đầu ngày 20/01/2015, thay đổi lần 1 ngày 06/05/2016, địa chỉ: Đầm Nhà Mạc, Xã Liên Vị, Thị xã Quảng Yên, Tỉnh Quảng Ninh phát hành thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc. Các quyền, quyền sở hữu, lợi ích, lợi tức, các khoản thanh toán mà Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc có thể có được phát sinh từ 8.550.000 (Tám triệu năm trăm năm mươi ngàn) cổ phần nêu trên tại Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam – Chi nhánh Ba Đình.

Tương tự, nhiều Công ty khác nằm trong liên danh nói trên là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty CP Đầu tư Cái Mép, Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1- Công ty CP, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cũng thế chấp cổ phần là phần vốn góp vào dự án BOT cầu Bạch Đằng vào Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam – Chi nhánh Ba Đình.

Đáng chú ý, tổ chức kinh tế thực hiện dự án là Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cũng thế chấp các quyền tài sản phát sinh và được quy định tại Hợp đồng Xây dựng – kinh doanh – chuyển giao Dự án “Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT” (“Dự án”) số 89/2015/HĐ-BOT ngày 26/12/2015 ký giữa UBND tỉnh Quảng Ninh, Liên danh Nhà đầu tư: Phúc Lộc – Cái Mép – Cường Thịnh Thi – Cienco1- Trung Nam Group – Công Thành – Phương Thành – Tập đoàn SE Nhật Bản và Doanh nghiệp Dự án: Công ty CP BOT Cầu Bạch Đằng (“Hợp đồng BOT”) và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan (nếu có) mà Bên thế chấp sẽ ký với các Tổ chức/Cá nhân sau thời điểm ký Hợp đồng thế chấp, bao gồm nhưng không giới hạn các quyền sau: Quyền thu phí và toàn bộ nguồn thu từ các trạm thu phí của Dự án, công trình phụ trợ, máy móc thiết bị hình thành từ Dự án thuộc quyền khai thác, vận hành của Chủ đầu tư trong thời gian khai thác thu hồi vốn đầu tư như quy định tại Hợp đồng BOT và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan (nếu có). Các hợp đồng bảo hiểm và tiền thu được từ các hợp đồng bảo hiểm tại Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam – Chi nhánh Ba Đình.

Như vậy, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng và các Công ty nằm trong liên danh đã thế chấp số cổ phần đầu tư vào dự án BOT Bạch Đằng vào chính Ngân hàng cho vay dự án trên là Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam – Chi nhánh Ba Đình. Điều này đặt dấu hỏi năng lực thực chất của chủ đầu tư dự án nói trên.

Nếu trong trường hợp xấu nhất doanh nghiệp dự án - Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng cùng các nhà đầu tư Dự án BOT xây dựng cầu Bạch Đằng phá sản doanh nghiệp như thông tin các doanh nghiệp này đưa ra khi cầu cứu Thủ Tướng thì Viettinbank sẽ phải chịu áp lực cả phần cho vay dự án mà cả phần cho vay thế chấp cổ phần hàng trăm tỷ ngân hàng này cũng phải gánh chịu.

Ngoài ra, theo thông tin PV có được, ban đầu dự án trên đã mời liên danh một số ngân hàng để đảm bảo phương án tài chính nhưng cuối cùng chỉ có Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam cấp vốn cho dự án nói trên.

Về những vấn đề của dự án này, PV đã liên hệ làm việc với TMCP công thương Việt Nam nhưng không nhận được câu phản hồi.

Bài tiếp: BOT cầu Bạch Đằng vỡ phương án tài chính, Luật sư nói gì?

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm