Trước đó, trong các ngày từ 16/12 đến 27/12, Tòa đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Quá trình thẩm vấn, tranh tụng tại Tòa cho thấy đây là vụ nghiêm trọng, gây thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng cho Agribank.
Sau phiên tòa sơ thẩm, ngân hàng này đã kháng cáo đề nghị Tòa án buộc các doanh nghiệp đã vay tiền của Agribank phải có trách nhiệm trả nợ và đề nghị xem xét lại một số nội dung khác.
Tại bản án phúc thẩm, Tòa án đã chấp nhận kháng cáo này của Agribank, cho rằng các doanh nghiệp phải trả nợ gốc cho các khoản nợ không có tài sản bảo đảm và dành quyền dân sự cho Liên doanh Lifepro và Vietmade đòi lại khoản tiền vay đã bị các cá nhân chiếm đoạt.
Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Liên doanh Lifepro, Công ty Vietmade đều là các tổ chức kinh tế hợp pháp. Các giao dịch giữa hai bên đều nhân danh các pháp nhân và đến nay các tổ chức vẫn đang hoạt động. Do đó khi giải quyết việc trả nợ, Hội đồng xét xử xác định các công ty đều là bị đơn dân sự, có trách nhiệm hoàn trả khoản nợ đã vay của Agribank.
Cụ thể, Liên doanh Lifepro phải trả nợ gốc hơn 300 tỷ đồng, nợ lãi hơn 100 tỷ đồng; Công ty Vietmade có trách nhiệm trả nợ gốc hơn 66 tỷ đồng, nợ lãi hơn 22 tỷ đồng cho Agribank.
Với số tiền 80 triệu USD tại tài khoản nước ngoài và 16 tỷ đồng hoa hồng bị cáo Lê Minh Hiếu đã nhận, Tòa án cho rằng đề nghị của Agribank là có cơ sở pháp luật và tính vào trách nhiệm phải hoàn trả của bị cáo Lê Minh Hiếu.
Bản án cũng tuyên Agribank được quyền xử lý các tài sản để thu hồi nợ bao gồm: nguyên phụ liệu trong các kho xưởng của Lifepro, các hạng mục công trình, máy móc và một số hạng mục đầu tư lắp đặt tại nhà máy...
Tòa án quyết định tiếp tục tạm giữ chiếc ô tô Bently gửi tại kho vật chứng của Bộ Công an để đảm bảo thi hành án đối với phần trách nhiệm dân sự của bị cáo Phạm Thị Bích Lương. Đồng thời, tiếp tục phong tỏa các tài khoản của bị cáo Lương.
Đáng chú ý, cơ quan xét xử kiến nghị một số cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... cần có sự phối hợp để kịp thời xử lý vi phạm đối với các công ty để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính, ngăn chặn hành vi lừa đảo của các công ty nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Liên doanh Lifepro phải trả nợ gốc hơn 300 tỷ đồng, nợ lãi hơn 100 tỷ đồng; Công ty Vietmade có trách nhiệm trả nợ gốc hơn 66 tỷ đồng, nợ lãi hơn 22 tỷ đồng cho Agrinbank.
Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố các đối tượng nước ngoài đã bỏ trốn và chưa xác định được thiệt hại. Do đó, dành quyền dân sự cho Agribank đòi bồi thường khi xử lý hành vi chiếm đoạt đối với các đối tượng là người nước ngoài.
Riêng đối với số nguyên phụ liệu đã được xử lý vật chứng trả lại cho Công ty Dệt 19/5, theo Hội đồng xét xử, số hàng hóa này Liên doanh Lifepro mua của Công ty Dệt 19/5 nhưng chưa trả tiền, do đó không có cơ sở xác định số hàng hóa này được mua từ nguồn tiền vay của Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội. Do đó, Hội đồng xét xử đã bác yêu cầu trả lại số nguyên phụ liệu này của Ngân hàng.
Về phía các bị cáo, Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, cựu Giám đốc Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội), Chử Thị Kim Hiền (SN 1958, cựu Phó Giám đốc Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội) cùng bị tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù cho các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Phạm Thanh Tân (SN 1955, cựu Tổng giám đốc Agribank) bị tuyên phạt tổng cộng 22 năm tù giam tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ; tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Kiều Trọng Tuyến (SN 1953, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách) bị tuyên phạt 4 năm tù tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 9 tháng tù treo đến 14 năm tù giam.
Theo Quỳnh Nguyễn/Báo đấu thầu