Cả 5 doanh nghiệp tại Lâm Đồng đều khẳng định không sử dụng hóa chất để nhuộm chè

Sau khi được yêu cầu, 5 doanh nghiệp tại Lâm Đồng có hoạt động xuất khẩu chè sang 2 thị trường là Pakistan và Afghanistan đã có báo cáo và đều khẳng định không sử dụng hóa chất để nhuộm chè.
Nhuộm chè
Các doanh nghiệp tại Lâm Đồng khẳng định không sử dụng hóa chất để nhuộm chè

Việc yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo được đưa ra khi Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan (kiêm nhiệm Afghanistan) có công điện nêu thông tin, một số doanh nghiệp tại Việt Nam chế biến và xuất khẩu chè qua hai thị trường này sử dụng hoá chất để nhuộm chè, tạo màu xanh cho nước chè nhằm hấp dẫn người tiêu dùng.

Sau khi nhận được yêu cầu, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu chè sang Pakistan và Afghanistan gồm: Công ty TNHH Phong Giang, Doanh nghiệp tư nhân Chế biến thương mại Thiện Phương, Doanh nghiệp tư nhân Phương Nam, Công ty TNHH Phước Nam Anh, Công ty TNHH Chè Đặng Gia, đã báo cáo và đều khẳng định không sử dụng hóa chất để nhuộm chè.

Cụ thể, Công ty TNHH Phong Giang cho biết đơn vị có 2 dây chuyền chế biến chè xanh viên xuất khẩu, công suất đạt khoảng 2.000 tấn sản phẩm/năm. Afghanistan và Pakistan là 2 thị trường xuất khẩu chính của công ty. Năm 2022, Phong Giang sản xuất 1.836 tấn chè và xuất sang hai thị trường này 1.473 tấn. Trong 05 tháng đầu năm, công ty sản xuất 200 tấn chè và xuất sang Afghanistan và Pakistan là 182 tấn. Việc xuất khẩu chè của Phong Giang được làm thủ tục hải quan tại Chi Cục Hải quan thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và Cục Hải quan thành phố Hải Phòng).

“Trong quá trình sản xuất chế biến, công ty phải thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật của từng công đoạn sản xuất và không sử dụng bất cứ loại chất phụ gia, hoặc hóa chất nào vào quá trình sản xuất sản phẩm, nhằm tạo ra dòng sản phẩm có hương vị tự nhiên nhất đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng nhập khẩu”, Công ty Phong Giang khẳng định.

Công ty TNHH Phước Nam Anh cho biết: Đơn vị đang sản xuất chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chè xanh viên với quy mô công suất đạt khoảng 900 tấn sản phẩm/năm. Trong năm 2022, Phước Nam Anh đã sản xuất 300 tấn chè, trong đó xuất sang thị trường Afghanistan và Pakistan là 205 tấn. 5 tháng đầu năm 2023, đơn vị này không sản xuất mà chỉ xuất hàng tồn từ năm 2022 với sản lượng 56,7 tấn chè xanh. Cũng như Công ty Phong Giang (hai công ty này cùng địa chỉ tại thôn 13, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm), Phước Nam Anh cũng khẳng định, không sử dụng hóa chất để nhuộm chè.

nhuộm chè
Xưởng sản xuất chè của Công ty Phước Nam Anh

Doanh nghiệp tư nhân Chế biến Thương mại Thiện Phương cho biết: Trong năm 2022, doanh nghiệp sản xuất 451 tấn chè và thực hiện xuất khẩu 434 tấn chè xanh sang thị trường Pakistan và Afghanistan. Trong 05 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp này sản xuất 70 tấn chè và thực hiện xuất khẩu 78 tấn chè xanh sang 2 thị trường này. Doanh nghiệp này cũng khẳng định hoàn toàn sử dụng nguyên liệu chè tươi và hương liệu tự nhiên sấy khô, không sử dụng hoá chất nhuộm chè để bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Doanh nghiệp tư nhân Phương Nam cho biết: Đơn vị sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chè xanh với quy mô công suất đạt khoảng 500 tấn sản phẩm/năm. Trong năm 2022, doanh nghiệp này đã sản xuất 258 tấn chè và xuất sang Afghanistan và Pakistan là 271 tấn chè xanh và chè cám. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, công ty này đã xuất khẩu sang Afghanistan và Pakistan 201 tấn chè xanh. Công ty khẳng định không sử dụng hóa chất nhuộm chè nào vào quá trình sản xuất, nhằm tạo ra dòng sản phẩm có hương vị tự nhiên nhất đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Riêng Công ty TNHH Chè Đặng Gia cho biết, đơn vị này không sản xuất chè mà chỉ chỉ mua thương mại. Hai lô hàng chè xanh mà Đặng Gia xuất khẩu sang thị trường Pakistan trong năm 2022 đều được thu mua từ các công ty chè tại tỉnh Nghệ An. Cụ thể, lô chè xuất khẩu ngày 16/3/2022 (số lượng: 16.450 kg) được công ty mua của Công ty TNHH Chè Truyền Thống (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Lô chè xuất khẩu ngày 14/12/2022 (số lượng: 18.030 kg) được mua của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Phát triển chè Nghệ An (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).

“Khi đặt hàng, công ty đều yêu cầu không sử dụng hoá chất nhuộm màu và qua thực tế kiểm tra, không phát hiện hoá chất nhuộm màu trong sản phẩm chè”, Công ty TNHH Chè Đặng Gia khẳng định và cho biết, năm 2023, công ty không xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan và Afghanistan.

Từ báo cáo của 5 doanh nghiệp và kết quả làm việc với các sở ngành, Sở Công thương khẳng định: Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan và Afghanistan không sử dụng hoá chất trong quá trình chế biến.

Theo số liệu tổng hợp từ năm 2022 đến nay, không có doanh nghiệp nào có lô chè xuất khẩu bị trả lại, có thể hiểu sản phẩm của các doanh nghiệp xuất khẩu chè đảm bảo các điều kiện, tiêu chí an toàn thực phẩm của thị trường Pakistan và Afghanistan.

Chính vì vậy, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh “chưa tiến hành thành lập Đoàn kiểm tra để thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Trước mắt, Sở này đề nghị được chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cũng như cảnh báo, phòng ngừa việc sử dụng hoá chất của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến nói chung và sản xuất, chế biến chè nói riêng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Pakistan và Afghanistan.

Tính đến năm 2022, Lâm Đồng có 161 công ty chế biến chè với quy mô 39.410 tấn/năm và 65 cơ sở chế biến chè với quy mô 10.000 tấn/năm tập trung tại thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; các huyện: Bảo Lâm, Lâm Hà và Di Linh.

Sản lượng chè xuất khẩu năm 2022 ước đạt 4,67 ngàn tấn và ước đạt giá trị 11,56 triệu USD, giảm 34,13% về lượng và 11,12% về giá trị so với cùng kỳ. Sản lượng chè xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2,2 ngàn tấn và ước đạt giá trị 5,3 triệu USD, tăng 38,4% về lượng và giá trị so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chính là Đài Loan, Pakistan và Afghanistan.

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...