Thưa ông, trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ rà soát, sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi, cắt giảm các điều kiện kinh doanh chưa hợp lý. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ nghiên cứu các kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, không cần thiết. Hơn thế, Thủ tướng yêu cầu phải căn cứ vào các tiêu chí của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) làm cơ sở cho việc rà soát điều kiện kinh doanh lần này.
Như vậy, sẽ có sự thay đổi toàn diện về tư duy trong quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, chứ không chỉ là xử lý theo từng văn bản, vụ việc như thời gian qua đã làm.
Thực ra, đây không phải là yêu cầu mới. Vẫn có băn khoăn là các bộ, ngành sẽ rất khó tự cắt bỏ các quy định của chính mình khi mà yêu cầu cải cách về điều kiện kinh doanh dường như vẫn dậm chân tại chỗ, thưa ông?
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rất quyết liệt. Lúc này, tôi cho rằng, cần sự vào cuộc của các bộ trưởng để thúc đẩy bộ máy công chức của các bộ. Sẽ cần sự thay đổi về năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước khi chuyển cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ quản lý toàn bộ sang kiểm soát dựa trên mức độ rủi ro và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp...
Nếu các bộ trưởng không ủng hộ, thưa ông?
Nếu không cải cách, không thay đổi cách làm, thì không có cách nào khác để đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi trì trệ, quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao hơn, chất lượng và bền vững hơn. Đây cũng là một nhiệm vụ cơ bản phải làm để đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Tôi tin là các bộ trưởng sẽ đồng lòng vì sự phát triển của nền kinh tế.
Việc rà soát, cắt bỏ điều kiện kinh doanh như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là để làm cho thị trường hàng hóa và dịch vụ trở nên cạnh tranh hơn; hoạt động kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn, ít rủi ro hơn, chi phí thấp hơn; qua đó, nâng cao hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bố, hiệu quả năng động của nền kinh tế; và chắc chắn sẽ góp phần đáng kể cải thiện tốc độ và chất lượng tăng trưởng trong những năm sắp tới.
Với các điều kiện kinh doanh như hiện nay, các doanh nghiệp không thể đổi mới, sáng tạo để có cách làm khác, không thể tạo ra các sản phẩm, dịch vụ khác so với quy định của pháp luật; tạo ra rủi ro lớn, thậm chí rủi ro thể chế rất cao cho những doanh nghiệp muốn đổi mới, sáng tạo, có cách nghĩ, cách làm khác so với quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh.
Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã tái hoạt động sau yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tổ công tác đang có kế hoạch gì với nhiệm vụ liên quan đến điều kiện kinh doanh, thưa ông?
Ban Thư ký của Tổ công tác đã họp bàn, đề xuất các kế hoạch cụ thể. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, phân loại hơn 2.000 điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ chi tiết hơn, ghi rõ điều khoản của các văn bản quy định để làm cơ sở cho việc bãi bỏ.
Nhiều ý kiến đề nghị cần tiến hành đánh giá tác động của các quy định về điều kiện kinh doanh không hợp lý đối với sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, như tác động đến các ngành công nghiệp chế tạo, các doanh nghiệp hiện hữu và doanh nghiệp mới…
Chúng tôi cũng sẽ mời chuyên gia của OECD về điều kiện kinh doanh để có thêm đánh giá độc lập về hiện trạng điều kiện kinh doanh và kinh nghiệm của các nước trong công việc này.
Phần việc quan trọng nữa là đề xuất các quy định kiểm soát chặt chẽ việc ban hành điều kiện kinh doanh. Các công việc này đều nhằm thúc đẩy thị trường cạnh tranh hơn, từ đó nâng cao hiệu quả của từng doanh nghiệp, từng ngành, từ đó đóng góp vào hiệu quả của nền kinh tế, tạo ra tăng trưởng bền vững, nâng cao phúc lợi của quốc gia.
Theo Báo đầu tư