Các thành viên của Kim Oanh Group đã thế chấp tại OCB những tài sản nào?

Mối quan hệ của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Kim Oanh Group được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác toàn diện từ năm 2019. Nhiều hợp đồng hàng trăm tỷ đã được ký kết, nhưng điều lạ là trong số đó nhiều hợp đồng đã giải chấp sau thời gian ngắn.
Các thành viên của Kim Oanh Group đã thế chấp tại OCB những tài sản nào?

Nhiều tài sản đang bị điều tra vẫn được thế chấp tại Ngân hàng

Ngày 14/10/2019, Kim Oanh Group đã tổ chức lễ ký kết hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Theo biên bản ký kết, OCB cam kết sẽ đồng hành và tài trợ vốn cho Kim Oanh Group trong hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển dự án bất động sản. Đồng thời, OCB cũng sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn và các gói tài chính hỗ trợ cho khách hàng mua sản phẩm tại các dự án của Kim Oanh Group với lãi suất ưu đãi. Vì thế, thời gian qua, các thành viên của Kim Oanh Group đã thế chấp nhiều tài sản tại ngân hàng này.

Cụ thể, tra cứu theo hồ sơ của Cục đăng ký giao dịch đảm bảo – Bộ Tư Pháp, ngày 23/09/2019, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh thành phố Hồ Chí Minh đã thế chấp :Toàn bộ phần vốn góp của bên thế chấp vào Công ty TNHH Đầu Tư – Xây Dựng Tân Phú và toàn bộ thành quả, lợi nhuận, lợi tức và tất cả các quyền tài sản khác hình thành trong tương lai phát sinh từ phần vốn góp trên, tại ngân hàng OCB.

Mới đây, ngày 07/02/2020, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thế chấp tài sản Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG ngày 01/07/2017 bao gồm cả các Phụ lục, văn bản sửa đổi, bổ sung của Hợp đồng mua bán, tại ngân hàng OCB.

Đáng chú ý, Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG ngày 01/07/2017 là hợp đồng mua bán tài sản dự án KDC Hòa Lân (phường Thuận Giao, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương của Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và Công ty A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh). Tuy nhiên, sau đó, Công ty Kim Oanh đã không thanh toán theo tiến độ hợp đồng khiến UBND tỉnh Bình Dương vẫn chưa có văn bản chấp thuận chuyển đổi chủ đầu tư dự án KDC Hòa Lân từ Công ty Thiên Phú cho Công ty A Đông Hải.

Một thành viên khác của Kim Oanh Group là Công ty Thuận Lợi cũng thế chấp nhiều tài sản tại ngân hàng OCB. Cụ thể, ngày 07/10/2019, Công ty Thuận Lợi đã thế chấp: Quyền tài sản phát sinh từ việc trúng đấu giá quyền sử dụng đất khu đất 49,8 ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai theo Quyết định số 2724/QĐ-UBND ngày 30/08/2019 về việc công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất 49,8 ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tại ngân hàng OCB.

Sau đó, ngày 16/01/2020, Công ty Thuận Lợi tiếp tục thế chấp Tài sản là: 33.750.000 cổ phiếu do Công ty Cổ phần Đầu Tư và Phát Triển Kim Oanh Thành Phố Hồ Chí Minh phát hành, số 07/CP-KOHCM, ngày phát hành 25/01/2018 và cập nhật thay đổi ngày 02/04/2018, mệnh giá 10.000 đồng/CP cũng tại ngân hàng PCB. Theo đó giá trị cổ phiếu được thế chấp là 337,6 tỷ đồng.

Như vậy, việc hợp tác kinh doanh của Kim Oanh Group và ngân hàng OCB đang được thúc đẩy mạnh bằng nhiều hợp đồng tín dụng của Công ty Kim Oanh và các Công ty thành viên là Công ty Thuận Lợi và Công ty Nam Kim.

Tuy nhiên, việc ký kết nhiều hợp đồng tín dụng này đang bị cho là vi phạm pháp luật khi liên quan đến tài sản đang bị điều tra như dự án 43 ha tại Bình Dương và dự án KDC Hòa Lân và việc thẩm định tài sản của OCB cũng đang có nhiều kẽ hở khi nhiều tài sản bị định giá quá cao.

Thời điểm hiện tại, nhiều hợp đồng nêu trên đã được giải chấp, cho thấy tính chất bền vững của cả hợp đồng và mối quan hệ giữa Kim Oanh Group và OCB là không cao. Đơn cử như hợp đồng thế chấp tài sản trong một vụ án là Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG ngày 01/07/2017, hiện nay đã được giải chấp.

Hàng loạt dự án bị thu hồi, Kim Oanh có “sếp” mới

Trước hết, phải nói về mối quan hệ giữa các Công ty Kim Oanh, Nam Kim và Thuận Lợi trên phương diện người đứng đầu, theo đó, ông Nguyễn Thuận là chồng của bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch Công ty Kim Oanh) và là bố của bà Nguyễn Thị Nhung.

Công ty Nam Kim được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 3702194577, đăng ký lần đầu vào ngày 15/6/2013 tại Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương.

Tháng 2/2018, Kim Oanh Group đã “thâu tóm” thành công Công ty Nam Kim, người đứng tên đại diện pháp luật Công ty Nam Kim là bà Nguyễn Thị Nhung (con gái của bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Kim Oanh Group).

Gần đây nhất, Công ty Nam Kim thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 8 vào ngày 10/5/2019. Vốn điều lệ của Công ty Nam Kim được nâng lên 338 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1992).

Theo đăng ký thay đổi ngày 2/10/2019, Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi do ông Nguyễn Thuận làm Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật, có vốn điều lệ 300 tỉ đồng. Đáng chú ý, Công ty Thuận Lợi có các thành viên góp vốn đều là thành viên của gia đình bà Đặng Thị Kim Oanh. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Nhung góp 60 tỷ (20% cổ phần), bà Đặng Thị Kim Oanh góp 120 tỷ (40% cổ phần), ông Nguyễn Thuận góp 120 tỷ (40% cổ phần).

Về mặt bản chất Công ty Nam Kim và Công ty Thuận Lợi đều là Công ty "sân sau" của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh. Cụ thể, Công ty Kim Oanh có vốn điều lệ là 750 tỷ đồng, trong đó Công ty Thuận Lợi góp 337.5 tỷ (45% cổ phần), bà Đặng Thị Kim Oanh góp 140 tỷ (18,667%), con gái là bà Nguyễn Thị Nhung góp 24 tỷ (3,2% cổ phần), ông Nguyễn Thuận góp góp 140 tỷ (18,667%).

Như vậy, Công ty Nam Kim, Công ty Thuận Lợi và Công ty Kim Oanh đang sở hữu chéo cho nhau xung quang các cá nhân gia đình bà Đặng Thị Kim Oanh.

Tuy nhiên, mới đây, việc hàng loạt dự án đang dính nhiều tai tiếng, bị thu hồi… Công ty Kim Oanh liền thay đổi ban lãnh đạo mới.

Cụ thể, ngày 29/4, Công ty Kim Oanh đã thay đổi ban lãnh đạo. Theo đó, người đại diện mới của Công ty Kim Oanh là ông Nguyễn Phú Đức, sinh năm 1995 (ngụ tại Lâm Đồng). Ông Đức cũng là Tổng giám đốc mới của doanh nghiệp này, thay thế cho bà Đặng Thị Kim Oanh.

Ngoài ra, chức danh Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này cũng thay đổi. Ông Nguyễn Thuận không còn là Chủ tịch HĐQT của Công ty Kim Oanh. Thay thế ông Thuận là Đồng Thị Lan, sinh năm 1960, thường trú tại TP.Hà Nội.

Trở lại việc hợp tác của OCB và Kim Oanh Group đang gặp vấn đề lớn không chỉ bởi tài sản thế chấp của nhóm Công ty này không sạch mà nội tại của Kim Oanh Group đang gặp vấn đề lớn có thể kéo theo khả năng trả nợ không được đảm bảo. Từ đó cũng đặt ra dấu hỏi năng lực của OCB trong việc thẩm định tài sản, đối tác…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...