Bệnh dại là một căn bệnh nguy hiểm, nếu không được tiêm phòng dại thì nguy cơ tử vong là 100%. Việc tiêm vắc-xin là một biện pháp hiệu quả và tối ưu nhất để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh dại.
Người mắc bệnh dại trong thời gian đầu thường không có triệu chứng. Cho tới vài tuần hoặc vài tháng sau, virus tấn công gây tổn thương đến não và thậm chí dẫn tới tử vong.
Việc tiêm phòng dại không chỉ cho người mà còn phải tiêm cho động vật, nhất là những vật nuôi trong nhà.
Tiêm phòng dại cho người
Có 3 cấp độ tiêm phòng theo hướng dẫn được Bộ Y tế đưa ra:
Cấp độ 1: Sờ, cho động vật ăn, liếm trên da lành thì không cần điều trị.
Cấp độ 2: Có vết xước, vết cào, liếm trên da bị tổn thương, niêm mạc thì khuyến cáo nên tiêm vắc-xin ngay.
Cấp độ 3: Khi có một hoặc nhiều vết cắn, cào xuyên thấu da, niêm mạc bị nhiễm nước dãi của động vật thì khuyến cáo nên tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng bệnh dại ngay lập tức.
Hiện, Công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam đã đưa ra bảng giá tiêm phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Mỗi loại vắc-xin sẽ có mức giá khác nhau, thông thường giá sẽ giao động từ 215.000 cho đến 410.000 đồng/liều.
Sau khi tiêm vắc-xin phòng dại cũng sẽ gặp một số các tác dụng phụ, người tiêm phòng cần được theo dõi và nắm bắt tình hình sức khỏe sau tiêm.
Địa điểm tiêm phòng vắc-xin bệnh dại là các Trung tâm y tế dự phòng trên địa bàn các huyện, tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.
Tiêm phòng cho vật nuôi
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh dại ở người là tiêm phòng dại cho vật nuôi. Bệnh dại chỉ tồn tại ở những động vật có vú.
Hiện, chó đang là vật nuôi phổ biến nhất bị nhiễm bệnh dại. Nguyên nhân được cho là nhiều chủ sở hữu chó không tiêm phòng cho nó và nó đã tiếp xúc với động vật hoang dã bị dại.
Việc tiêm phòng dại cho vật nuôi vô cùng cần thiết. Sự vắng mặt của bệnh dại ở vật nuôi đồng nghĩa với việc loại bỏ gần như toàn bộ các trường hợp mắc bệnh ở người.
Chó và mèo được tiêm phòng bệnh dại lần đầu tiên vào lúc 4-6 tháng tuổi. Sau đó, chúng được tiêm vắc-xin 3 năm một lần.
Hiện nay, giá tiêm phòng dại cho chó, mèo tại các cơ sở tư nhân phổ biến ở mức 50.000 - 80.000 đồng/mũi.
Nếu tiêm phòng dại theo chương trình của nhà nước sẽ được hỗ trợ giá nên chi phí chỉ còn khoảng 20.000 - 30.000 đồng/mũi.
Ngoài ra, tiêm phòng dại cho chó, mèo bao nhiêu tiền còn tùy theo loại hình dịch vụ.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2024, tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 1 ca).
Đặc biệt gần đây, xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vaccine phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Tỷ tiêm vaccine phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi chỉ đạt khoảng 10%.
Trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.