Cập nhật lợi nhuận doanh nghiệp nửa đầu năm 2025: Đồng loạt báo lãi lớn, nhiều kết quả bất ngờ

Bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm 2025 của nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán đã hiện lên rõ nét, với những con số đáng kinh ngạc và vượt xa kỳ vọng...

anh-chup-man-hinh-2025-07-21-luc-133432.jpg

Trong nửa đầu năm 2025, thị trường tài chính – doanh nghiệp Việt Nam chứng kiến một cuộc “bứt phá kép” khi cả khối ngân hàng lẫn loạt doanh nghiệp ngành trụ cột đồng loạt công bố kết quả kinh doanh ấn tượng.

TĂNG TRƯỞNG ĐỀU TRÊN HAI CON SỐ

Đến thời điểm hiện tại, tạm dẫn đầu đường đua lợi nhuận trong ngành ngân hàng nửa đầu năm là Ngân hàng Lộc Phát (LPBank), với con số ấn tượng 6.164 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành tới 41,5% kế hoạch cả năm. LPBank cho thấy sự phát triển bền vững khi không chỉ vượt trội về quy mô tài sản (513.613 tỷ đồng), mà còn giữ vững chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu chỉ 1,74%. Thu ngoài lãi tăng mạnh, chiếm 27% tổng thu nhập hoạt động.

Theo sát phía sau là Nam A Bank, một “ngựa ô” đang nổi lên trong cuộc đua. Với 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 14% so với cùng kỳ, Nam A Bank ghi điểm nhờ khả năng kiểm soát rủi ro vượt trội: nợ nhóm 2 giảm mạnh còn 0,62%, trong khi nợ xấu duy trì ở mức an toàn 2,63%. ROE gần 20% và tổng tài sản tăng vọt lên gần 315.000 tỷ đồng.

TPBank tiếp tục khẳng định vị thế ổn định với 4.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 12%), dư nợ tín dụng gần 293.500 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch năm. Với hệ số an toàn vốn và thanh khoản duy trì tốt, ngân hàng này giữ vững nhịp tăng trưởng đều đặn và an toàn.

Một điểm sáng khác là KienlongBank, ghi nhận 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 33%. Nợ xấu giảm từ 2,02% xuống 1,96%, đặc biệt nợ nhóm 5 giảm mạnh 27%, cho thấy quá trình xử lý nợ xấu đang đạt kết quả tích cực. Với tổng tài sản đạt gần 97.630 tỷ đồng.

Đáng chú ý, VietABank có bước chuyển mình mạnh mẽ với 714 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 27%), tỷ lệ CASA tăng 29%, giúp tối ưu chi phí vốn. ROE đạt 13,71%, nợ xấu giảm xuống 1,11%.

Trong khi đó, “cú lội ngược dòng” ngoạn mục nhất đến từ NCB (Ngân hàng Quốc Dân) khi lợi nhuận trước thuế tăng gấp 77 lần, từ 6 tỷ lên 462 tỷ đồng. Việc tập trung vào hoạt động cốt lõi giúp lãi thuần tăng tới 155%, trong khi huy động và cho vay cùng tăng hơn 20%. Đây là tín hiệu cho thấy chiến lược tái định vị của NCB đang bắt đầu cho “trái ngọt”.

Tuy nhiên, không phải bức tranh nào cũng toàn màu hồng. PGBank dù ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng (284 tỷ đồng, tăng 35%), lại đang đối diện với vấn đề chất lượng tài sản: tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng mạnh lên 3,33%, đặc biệt nợ nhóm 3 gần như gấp đôi.

anh-chup-man-hinh-2025-07-21-luc-230852.jpg

Không chỉ riêng khối ngân hàng, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành trọng yếu như hàng không, hạ tầng, thực phẩm, logistics… cũng ghi nhận kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm, một tín hiệu cho thấy kinh tế đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Dẫn đầu là Tập đoàn Hòa Phát, với doanh thu hơn 74.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 7.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 23% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh giá thép ổn định và nhu cầu hồi phục, Hòa Phát đang lấy lại nhịp tăng trưởng sau một năm điều chỉnh.

FPT tiếp tục là “cỗ máy tăng trưởng” với doanh thu 32.683 tỷ đồng (tăng 11%) và lợi nhuận trước thuế 6.166 tỷ đồng, tăng gần 19%. Mảng chuyển đổi số, xuất khẩu phần mềm và giáo dục là động lực chính giúp tập đoàn này duy trì đà phát triển mạnh mẽ. Ở lĩnh vực hạ tầng hàng không, ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) đạt lợi nhuận 5.851 tỷ đồng, trên tổng doanh thu 11.700 tỷ đồng.

Song hành với đó là bước chuyển mình đầy kỳ vọng của Vietnam Airlines (HVN). Từ trạng thái thua lỗ kéo dài, hãng hàng không quốc gia đã trở lại ấn tượng với hơn 5.000 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất, trong đó hơn 4.000 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế. Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) cũng ghi nhận lợi nhuận 2.500 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch năm. Mặc dù thị trường cao su còn nhiều biến động, GVR vẫn cho thấy khả năng vận hành hiệu quả, với doanh thu đạt hơn 11.500 tỷ đồng.

Trong nhóm logistics, Gemadept (GMD) đạt 1.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện được 61% kế hoạch, doanh thu tăng 28%. Đây là minh chứng cho xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và vai trò ngày càng quan trọng của hệ thống cảng biển. Ở ngành thực phẩm, Dabaco (DBC) gây bất ngờ lớn khi doanh thu đạt 12.537 tỷ đồng, tăng 7,3%, còn lợi nhuận sau thuế gấp 4,6 lần cùng kỳ, lên tới 1.013 tỷ đồng.

Cuối cùng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – VGT) ghi nhận doanh thu 9.035 tỷ đồng, tăng 8%, lợi nhuận hợp nhất gần 556 tỷ đồng, tăng 97% và đạt 61% kế hoạch năm.

ĐỘNG LỰC TỪ VĨ MÔ ỔN ĐỊNH

Bước vào nửa cuối năm 2025, kinh tế Việt Nam được đánh giá đang trên đà tăng tốc, với nhiều kỳ vọng tích cực đến từ các động lực nội tại như tiêu dùng trong nước, đầu tư công và cải cách thể chế. Theo SSI, tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm đạt 7,52%, mức cao nhất trong 15 năm qua, bất chấp những rủi ro toàn cầu như chủ nghĩa bảo hộ hay căng thẳng địa chính trị.

Một yếu tố hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư là việc Việt Nam sớm đạt thỏa thuận thương mại đối ứng với Hoa Kỳ, cùng kỳ vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE Russell vào tháng 10 tới. Những yếu tố này đã thúc đẩy VN-Index phục hồi 28% kể từ đáy tháng 4, trong khi thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể nhờ môi trường lãi suất thấp và sự trở lại của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân.

anh-chup-man-hinh-2025-07-21-luc-231051.jpg

Triển vọng theo ngành nhìn chung tích cực. Bán lẻ và tiêu dùng thiết yếu hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế VAT và làn sóng chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp. Ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng được kỳ vọng khởi sắc nhờ gỡ vướng pháp lý và đầu tư hạ tầng.

Ngân hàng đang bước vào giai đoạn cải thiện hiệu quả sau thời kỳ chịu áp lực biên lãi. Dù ngành bất động sản khu công nghiệp gặp thách thức ngắn hạn từ bất ổn thuế quan, triển vọng dài hạn vẫn vững chắc nhờ dòng vốn FDI ổn định. Lĩnh vực công nghệ – viễn thông cũng ghi nhận bước chuyển mới khi được dẫn dắt bởi trí tuệ nhân tạo và hạ tầng trung tâm dữ liệu.

Theo MBS, tính đến ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,9% so với đầu năm, vượt xa mức tăng 6,1% cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp nhờ lãi suất cho vay thấp. Ngược lại, tín dụng bán lẻ tăng chậm, phản ánh sự phục hồi yếu trong nhu cầu vay tiêu dùng và nhà ở.

Đáng chú ý, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ghi nhận tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (SOCBs), nhưng cũng chịu áp lực biên lãi ròng lớn hơn do chiến lược giảm lãi suất đầu ra tích cực. Trong khi đó, các SOCBs vẫn duy trì ổn định lãi suất đầu ra kể từ khi chính sách tiền tệ được nới lỏng từ quý 3/2023.

Dưới góc nhìn của Mirae Asset, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 được giữ ở mức khoảng 15%, nhưng với nhiều giả định thận trọng: một phần dư nợ bất động sản chuyển sang cho vay mua nhà, đầu tư công không gây áp lực vốn lớn, và môi trường chính sách toàn cầu còn tiềm ẩn bất định.

Trước thực tế các nguồn thu chính như thu nhập lãi thuần (NII) và phí dịch vụ (NSI) không có nhiều dư địa tăng trưởng, lợi nhuận ngân hàng có thể giảm tốc trong năm nay. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng được điều chỉnh giảm từ 15–17% xuống dưới 14%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất TPBank tháng 7/2025: Không điều chỉnh

Lãi suất TPBank tháng 7/2025: Không điều chỉnh

Dữ liệu cập nhật đầu tháng 7/2025 cho thấy, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) tiếp tục giữ nguyên biểu lãi suất huy động ở cả kênh quầy và tiết kiệm điện tử...