CASA (Current Account Savings Account), hay còn gọi là tiền gửi không kỳ hạn, là khoản tiền mà khách hàng gửi vào ngân hàng để sử dụng trong các giao dịch thanh toán hàng ngày. Đây là hình thức tiền gửi linh hoạt, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thường xuyên và hưởng lãi suất không kỳ hạn.
Chỉ số CASA do đó trở thành một trong những thước đo quan trọng để đánh giá sức mạnh tài chính của một ngân hàng. Nó không chỉ phản ánh khả năng huy động vốn với chi phí thấp, mà còn chỉ ra tiềm năng sinh lời và khả năng tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng.
CASA LAO DỐC, NGÂN HÀNG KHÁT VỐN RẺ
Theo thống kê của Thương Gia từ báo cáo tài chính 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, sau thời kỳ tăng trưởng ấn tượng giai đoạn 2020 - 2022, tỷ lệ CASA tại nhiều ngân hàng đang đối mặt với xu hướng sụt giảm trong vài năm gần đây, bất chấp nỗ lực chuyển đổi số và đa dạng hóa dịch vụ.
Xét riêng trong quý đầu tiên năm 2025, thị trường ghi nhận có tới 21 ngân hàng công bố CASA giảm so với đầu năm. Trong khi đó, chỉ có 6 ngân hàng tăng CASA, nhưng mức tăng đều không đáng kể. Tính bình quân toàn ngành ngân hàng trong quý vừa qua, tỷ lệ CASA đã sụt giảm 1,4%, từ 19,9% xuống còn 18,5%.
Dẫu vậy, bảng xếp hạng những ngân hàng có tỷ lệ CASA dẫn đầu ngành không có nhiều xáo trộn trong quý 1. Trong bối cảnh toàn ngành ghi nhận sự sụt giảm về tỷ lệ CASA, ba ngân hàng dẫn đầu là MB, Techcombank và Vietcombank vẫn duy trì vị thế vượt trội.
MB tiếp tục giữ vững ngôi đầu với tỷ lệ CASA đạt 35,7%, dù giảm 3,4 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Techcombank bám sát phía sau với mức 35,1%, giảm 2,3 điểm phần trăm. Vietcombank đứng thứ ba với tỷ lệ CASA đạt 34,3%, cũng giảm 1,6 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm ngoái.
Dù cùng giảm, bộ ba này vẫn tạo được khoảng cách an toàn so với phần còn lại của ngành, nhờ vào lợi thế về hệ sinh thái tài chính toàn diện, nền tảng số hóa mạnh, tệp khách hàng doanh nghiệp lớn và khả năng quản trị dòng tiền hiệu quả.
Ở nhóm tiếp theo, các ngân hàng như MSB (24%), VietinBank (23%), ACB (22%), TPBank (20,3%), BIDV (18,5%) và Sacombank (17,3%) tiếp tục góp mặt trong Top 10 về tỷ lệ CASA. Đáng chú ý, OCB đã có bước tiến đáng kể khi tăng CASA lên 15,6%, tương ứng tăng 0,9 điểm phần trăm so với đầu năm, qua đó vượt lên vị trí thứ 10 từ vị trí thứ 12.
Trái lại, SeABank đã tụt khỏi Top 10 khi tỷ lệ CASA giảm mạnh tới 8,8 điểm phần trăm, từ mức 19,2% xuống còn 10,4%. Ngân hàng này cũng là một trong số ít các nhà băng ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng giảm trong quý 1/2025, với mức giảm gần 5%, kéo theo sự lao dốc mạnh mẽ của CASA.
Ngoài SeABank, một số ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm CASA đáng kể trong quý đầu năm 2025. LPBank giảm 2,9 điểm phần trăm, HDBank giảm 2,2 điểm, PGBank giảm 2,1 điểm và MSB giảm 2 điểm phần trăm. Diễn biến này phản ánh xu hướng người gửi tiền chuyển dịch sang các hình thức gửi có kỳ hạn hoặc kênh đầu tư khác trong bối cảnh lãi suất thay đổi và tâm lý thị trường biến động.
Ở nhóm cuối bảng, có tới 11 ngân hàng đang có tỷ lệ CASA dưới 10%, cho thấy thách thức lớn trong việc thu hút dòng tiền không kỳ hạn. Bac A Bank hiện có tỷ lệ CASA thấp nhất ngành, chỉ đạt 2,8%.
Xếp ngay sau là VietABank với 4,3% và VietBank với 5,4%. Các ngân hàng khác cũng thuộc nhóm CASA thấp gồm BVBank (6,2%), KienlongBank và Saigonbank (cùng 6,7%), SHB (7%), NCB (8,4%) và HDBank (9,7%).
Tỷ lệ CASA giảm đồng nghĩa với việc nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn giảm đi, buộc ngân hàng phải dựa nhiều hơn vào tiền gửi có kỳ hạn hoặc các khoản vay khác với lãi suất cao hơn, khiến chi phí vốn tăng lên. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của ngân hàng khi phải đối mặt với áp lực từ chi phí vốn.
CASA giảm cũng làm giảm khả năng duy trì biên lợi nhuận ròng (NIM) của ngân hàng, vì có ít nguồn vốn giá rẻ để thực hiện các khoản cho vay hoặc đầu tư với lãi suất sinh lời cao. Chi phí vốn cao khiến ngân hàng khó có thể cung cấp các gói tín dụng ưu đãi hoặc linh hoạt để thu hút khách hàng, dẫn đến việc mất khách hàng vào tay các đối thủ có nguồn vốn rẻ hơn.
“CUỘC CHIẾN” ÂM THẦM NHƯNG KHỐC LIỆT
Khác với cuộc đua lãi suất huy động vốn diễn ra công khai và sôi động, cuộc đua giành tiền gửi không kỳ hạn lại là một trận chiến âm thầm nhưng vô cùng khốc liệt.
Điều này xuất phát từ thực tế rằng CASA không thể thu hút bằng lãi suất cao, mà đòi hỏi ngân hàng phải có năng lực xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đa kênh, đầu tư vào công nghệ, nâng cao trải nghiệm người dùng và chăm sóc khách hàng một cách cá nhân hóa.
Để duy trì và mở rộng nguồn tiền gửi không kỳ hạn, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, miễn phí nhiều loại dịch vụ, tích hợp thanh toán QR code, hoàn tiền cho các giao dịch chi tiêu qua tài khoản, và thậm chí tặng thưởng cho khách hàng giao dịch thường xuyên.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng giới thiệu các sản phẩm tài chính linh hoạt, cho phép khách hàng tự động sinh lời từ tài khoản thanh toán mà không cần phải chuyển tiền sang tài khoản có kỳ hạn. Điều này vừa giúp tăng trải nghiệm người dùng, vừa giữ dòng tiền lưu động ở lại với ngân hàng lâu hơn.
VPBank bước vào cuộc chơi sinh lời tự động với tính năng "Super sinh lời" ra mắt vào giữa tháng 3/2025. Sản phẩm này giúp tối ưu lợi nhuận trên số tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán với mức lãi suất cố định lên đến 3,5%/năm, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng sử dụng linh hoạt khi khách hàng cần chi tiêu, với tiền gốc và lãi được cộng dồn hàng ngày.
Không đứng ngoài xu hướng, VIB cũng đã triển khai tài khoản "Sinh lời theo ngày" với mức lãi suất dao động từ 2,5% đến 4,3%/năm, tùy theo thời gian duy trì khoản tiền nhàn rỗi. Khi số dư tài khoản vượt một ngưỡng nhất định (ví dụ: 10 triệu hoặc 100 triệu đồng), phần vượt sẽ tự động được chuyển vào tài khoản “siêu lợi suất”, tiếp tục sinh lời mà không cần bất kỳ thao tác nào từ phía khách hàng.
Techcombank cũng đang triển khai tính năng "Sinh lời tự động 2.0" cho phép sinh lời trên toàn bộ số dư trong tài khoản, nhưng không yêu cầu ngưỡng tối thiểu mà cho phép sinh lời trên mọi số dư trong tài khoản. Khách hàng được hưởng mức lợi suất tối đa lên đến 4%/năm; trong đó, lợi suất theo số dư là tối đa 1,5%/năm; ưu đãi theo hạng hội viên 0,25%/năm; ưu đãi cho khách hàng mục tiêu 1,25% và ưu đãi cho khách hàng có số dư lớn 1%.
MSB cũng gia nhập cuộc đua thu hút tiền nhàn rỗi với tên gọi "Sinh lời không ngừng". LPBank thì gọi sản phẩm này với cái tên khác là "Sinh lời Lộc phát", với tính năng tương tự.
Và không chỉ ngân hàng mà ví điện tử cũng muốn tranh thủ dòng tiền nhàn rỗi trên thị trường, như MOMO với sản phẩm "Túi Thần Tài Plus", lưu ký với Vietcombank; hay ZaloPay có tính năng "Số dư sinh lời".
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng trần lãi suất 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới một tháng. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng không thể trả lãi vượt mức quy định nếu gọi đúng tên là "tiền gửi". Tuy nhiên, để linh hoạt hơn trong việc thu hút dòng tiền, nhiều ngân hàng đã lựa chọn phương án “thay tên đổi áo” cho các sản phẩm huy động.
Thay vì dùng hình thức tiền gửi thông thường, một số ngân hàng đã chuyển sang các công cụ không bị ràng buộc bởi trần lãi suất như: cho vay ủy thác, hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dài từ 36 tháng trở lên. Những hình thức này cho phép ngân hàng trả mức lãi suất cao hơn, từ đó hấp dẫn hơn đối với khách hàng đang nắm giữ dòng tiền nhàn rỗi.
Không chỉ có tác dụng thu hút vốn, các công cụ này còn gián tiếp góp phần làm tăng quy mô CASA. Khi dòng tiền được giữ lại và lưu chuyển trong hệ sinh thái của ngân hàng, chi phí vốn sẽ được tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính cho ngân hàng.