
Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của các ngân hàng đã đi đến hồi kết. Bên cạnh những câu chuyện quen thuộc như chia cổ tức, tăng vốn, mùa đại hội năm nay "nóng" hơn bao giờ hết với những vấn đề thời sự như cắt giảm chi nhánh, sa thải nhân viên.
NHÂN SỰ NGÂN HÀNG CHAO ĐẢO TRƯỚC LÀN SÓNG CẮT GIẢM
Phát biểu tại đại hội cổ đông vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình khẳng định, VietinBank sẽ là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big4 thực hiện cắt giảm hệ thống giao dịch. Theo kế hoạch, VietinBank dự kiến sẽ cắt giảm hàng trăm điểm giao dịch nhằm tinh gọn hệ thống.
“Trong năm 2025, VietinBank sẽ tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, thực hiện tinh gọn đội ngũ nhân sự, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, lãnh đạo ngân hàng cho biết.
VietinBank dự kiến sẽ cắt vài trăm điểm giao dịch và thay thế bằng ứng dụng nền tảng số nhằm nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng. Hiện VietinBank đang triển khai 108 sáng kiến nền tảng trong giai đoạn một của chương trình chuyển đổi số và đã có khoảng 60-70% sản phẩm được đưa lên kênh số, và giao dịch qua kênh số chiếm tới 99%.
Không riêng VietinBank, nhóm ngân hàng tư nhân cũng lên kế hoạch tinh giảm trong năm nay. Điển hình như tại ngân hàng TPBank, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết ngân hàng đã bổ sung 500 robot để tự động hóa quy trình nhờ vậy tiết kiệm được thời gian, chi phí, nhân lực. Theo đó, năm 2024, kế hoạch của ngân hàng là quy mô nhân sự có thể đạt 8.200 người song thực tế, đến cuối năm 2024, nhân sự của ngân hàng chỉ 7.700 người mà vẫn hoàn thành mọi mục tiêu tăng trưởng.
Năm 2025, ngân hàng tiếp tục đổi mới công nghệ, ứng dụng AI trong hoạt động để đổi mới quy trình, tinh gọn bộ máy. Dự kiến, việc đổi mới quy trình, tinh gọn bộ máy sẽ giúp TPBank tiết giảm thêm 300-500 nhân sự, nhờ vậy sẽ tiếp tục tiết giảm thêm chi phí vận hành, tối ưu hóa hoạt động.
Tại phiên họp cổ đông vừa qua, một trong những nội dung được ban lãnh đạo và cổ đông ABBank quan tâm nhất chính là kế hoạch tái cấu trúc toàn diện về mô hình tổ chức của ngân hàng này.
Ông Vũ Văn Tiền, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị ABBank thừa nhận mô hình hiện tại của ngân hàng còn bảo thủ, thậm chí tồn tại yếu tố bao che khiến hiệu quả hoạt động chưa cao. "Bộ máy đông nhưng không mạnh”, ông nói.
Trong bối cảnh này, ABBank đã mạnh dạn thực hiện tinh giản bộ máy, có đơn vị cắt giảm tới 30-40% nhân sự. Lãnh đạo nhà băng này nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là không thể tiếp tục duy trì một bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả trong kỷ nguyên số, khi yêu cầu đặt ra là một người có thể đảm đương công việc của nhiều người trước đây.
Ông Tiền cũng cho biết ngân hàng đã sẵn sàng về công cụ, ý chí, mô hình và tổ chức để thực hiện những thay đổi này.
Theo kế hoạch tái cấu trúc, ABBank dự kiến thu gọn số lượng đầu mối tại hội sở, tăng cường trách nhiệm giám sát của các bộ phận vận hành và hỗ trợ. Việc đánh giá, đãi ngộ nhân sự cũng sẽ gắn chặt với kết quả kinh doanh thực tế, đảm bảo công bằng và khuyến khích đóng góp hiệu quả.
Đồng thời, ngân hàng sẽ rà soát, tinh giản nhân sự trên toàn hệ thống, bố trí lại nguồn lực phù hợp với mô hình tổ chức mới, nhưng vẫn đảm bảo đủ nhân sự để đáp ứng nhu cầu kinh doanh.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ thành công trong năm nay. Phương pháp tuyển dụng cũng thay đổi, có việc mới tuyển người làm không tuyển người rồi mới tìm việc. Đồng thời, mọi nhiệm vụ đều gắn liền với trách nhiệm cụ thể. ABBank bắt buộc phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả vận hành”, ông Tiền nhấn mạnh.
Hay như PGBank, mục tiêu của ngân hàng này trong năm 2025 là giảm 50% giao dịch tại quầy, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên kênh số. Song song với đó, ngân hàng cũng sẽ kiện toàn cơ cấu tổ chức, đảm bảo cơ cấu gọn nhẹ, linh hoạt, phù hợp và đạt hiệu quả cao, phát triển đội ngũ nhân sự có năng lực chuyên môn toàn diện.
Trong những tháng đầu năm 2025, nhiều ngân hàng cũng đã thực hiện cắt giảm nhân sự. Theo báo cáo tài chính quý 1/2025 của LPBank, ngân hàng này đã thực hiện cắt giảm nhân sự mạnh mẽ. Theo đó, ước tính đến 31/3/2025, số lượng cán bộ, nhân viên LPBank là 9.570 người, giảm 1.619 người (tương đương 14,46%) so với con số tại thời điểm 31/12/2024.
Tương tự, Sacombank giảm 970 nhân sự so với hồi đầu năm, từ 18.088 người xuống còn 17.118 người. Trong vài năm trở lại đây, Sacombank cũng trong xu hướng giảm nhẹ hoặc tinh giản nhân sự thay vì tuyển dụng mới dồn dập. Con số nhân viên của nhà băng tư nhân này hiện thấp hơn 1.000 người so với mức 18.100 người thời điểm cuối 2019.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank Dương Công Minh cho biết ngân hàng này đã đầu tư mạnh vào chuyển đổi số trong thời gian qua.
Năm 2024, ngân hàng bắt đầu cắt giảm nhân sự và kế hoạch này sẽ tiếp tục được triển khai trong giai đoạn 2025-2026. Số lượng phòng giao dịch truyền thống dự kiến sẽ giảm dần, nhường chỗ cho các hoạt động giao dịch trong không gian số.
“SIẾT” CHI PHÍ, “ĐẨY” CÔNG NGHỆ
Tín dụng khởi sắc ngay từ đầu năm đã trở thành cú hích quan trọng, góp phần thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng ngay trong quý 1. Dù bức tranh kinh doanh toàn ngành ghi nhận gam màu tích cực, nhưng cụm từ “thách thức” vẫn được nhiều lãnh đạo ngân hàng liên tục nhấn mạnh khi nói đến triển vọng kinh tế năm nay, trong bối cảnh những bất ổn địa chính trị và biến động về thuế quan đang phủ bóng lên toàn cầu.
Xu hướng tiết giảm chi phí vận hành tiếp tục được kỳ vọng sẽ là “trợ lực” đáng kể cho lợi nhuận ngân hàng trong năm nay. Trên nền bối cảnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm tinh gọn nhân sự, hướng tới tiết kiệm chi phí đang trở thành chiến lược chung, không chỉ giúp tối ưu hoạt động mà còn tạo dư địa để giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
Ngân hàng OCB cho biết, đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ khi triển khai giải pháp cấp thẻ tín dụng hoặc khoản vay tiêu dùng trực tuyến; đồng thời tích hợp Al Chat Bot nhằm nâng cao tương tác, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí cho việc chăm sóc khách hàng trên kênh số.
Không dừng lại ở đó, việc ứng dụng công nghệ còn mang đến bước chuyển mới, không chỉ tối ưu chi phí mà còn mở ra thêm nhiều cánh cửa kinh doanh đầy tiềm năng.
Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng nhận định: "Kênh số trước đây không mang lại lợi nhuận trực tiếp cho ngân hàng, mà chủ yếu để gia tăng tiện ích cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, kết hợp với thương mại điện tử và chuyển đổi số, kênh số đang mở ra cơ hội và tiềm năng to lớn cho các ngân hàng. Ngân hàng nào đi trước sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn".
Cách đây 2 năm, TPBank đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và triển khai cho vay trên kênh số. Đến nay, ngân hàng đã có 4,5 triệu khách hàng vay vốn trên kênh số. Lợi nhuận từ hoạt động cho vay trên kênh số đã đủ bù đắp chi phí đầu tư công nghệ và bắt đầu đóng góp tốt cả về phí và lãi cho ngân hàng.
Theo Tổng giám đốc TPBank, nếu với mô hình kinh doanh truyền thống, nợ xấu cho vay tiêu dùng ở mức 10% là con số có thể chấp nhận được thì khi cho vay trên kênh số, nợ xấu cho vay tiêu dùng của TPBank chỉ ở trên dưới 2%. Không chỉ kiểm soát chất lượng tín dụng tốt hơn mà việc sử dụng AI để chấm điểm giúp ngân hàng xử lý được lượng lớn khoản vay cùng lúc, giải ngân khoản vay trong vòng vài tiếng. Theo đánh giá của lãnh đạo TPBank, cho vay trên kênh số vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển bởi nhu cầu của thị trường rất lớn.
Chuyển đổi số mạnh mẽ cũng giúp TPBank trở thành ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất hệ thống. Năm 2024, CASA của TPBank tăng 14,4%. Hiện CASA chiếm 22% tổng vốn huy động của TPBank.
Trong bối cảnh nguồn vốn của các ngân hàng đều phụ thuộc vào tiền gửi dân cư và tổ chức kinh tế - đa phần là tiền gửi có kỳ hạn - những ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như TPBank sẽ giúp ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí vốn, từ đó giảm lãi vay theo chủ trương của Chính phủ mà vẫn giữ được biên lợi nhuận.