Trên thực tế, đầu tàu kinh tế tăng tốc sẽ kéo cả nền kinh tế đi lên. Sáu tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng GDP của cả nước chỉ đạt 6,76%, thì tăng trưởng GRDP của Hà Nội là 7,21%, còn của TP.HCM là 7,61%. Việc tốc độ tăng trưởng GRDP của cả Hà Nội và TP.HCM đều cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước cho thấy hai đầu tàu kinh tế này phát triển khá tích cực, đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần không nhỏ trong việc kéo cả nền kinh tế đi lên.
Năm 2018, Hà Nội đóng góp 16,96% GDP, 19% thu ngân sách và 5,68% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, TP.HCM đóng góp 24,16% GDP, 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 27,8% tổng thu ngân sách quốc gia. Những con số này đã thêm một lần nữa chứng tỏ những đóng góp to lớn và quan trọng của Hà Nội và TP.HCM cho kinh tế - xã hội quốc gia. Hai địa phương này đã thực sự đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế đất nước.
Nhưng dư luận đang kỳ vọng nhiều hơn vào sự bứt phá trong phát triển kinh tế của cả Hà Nội và TP.HCM. Hơn hết, đó là mong muốn cả Hà Nội và TP.HCM thực sự trở thành đầu tàu kinh tế cho cả nước.
Đầu tàu kinh tế có nghĩa là luôn đi trước, đứng đầu và vượt lên, chứ không phải là chỉ phát triển ở mức “bình bình” như các địa phương khác. Cũng có nghĩa, cùng với tăng tốc, phát triển, đầu tàu kinh tế phải trở thành động lực, kéo các địa phương quanh vùng, kéo cả nền kinh tế đi lên, chứ không chỉ tự mình phát triển mạnh mẽ.
Xét ở trên các góc độ này, Hà Nội và TP.HCM dù đã ít nhiều khẳng định được vai trò, vị thế của mình, nhưng chưa đủ mạnh. Thậm chí, ở một vài khía cạnh còn đang có xu hướng đi chậm lại so với nhiều địa phương khác trong cả nước.
Minh chứng khá rõ là khi lần đầu tiên Việt Nam công bố Sách trắng về Doanh nghiệp Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh rằng, mặc dù xét về mức độ phát triển doanh nghiệp của các địa phương, thì đứng đầu vẫn là TP.HCM (với 228.267 doanh nghiệp), đứng thứ hai là Hà Nội (với 143.119 doanh nghiệp), nhưng về tốc độ tăng doanh nghiệp, cả hai thành phố này đã “văng” khỏi nhóm dẫn đầu.
Đành rằng, khi số lượng doanh nghiệp đã lớn, duy trì tốc độ tăng trưởng cao là khó, nhưng như Phó thủ tướng đã nói “là đầu tàu kinh tế thì phải giữ được nhịp độ chung của cả nước”.
Một ví dụ khác, chỉ cách đây ít tháng, dư luận hồ hởi nhắc đến 3 cái “lần đầu tiên” của Hà Nội về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đó là lần đầu tiên, Hà Nội lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành nhờ sự thông thoáng của môi trường kinh doanh. Đó là lần đầu tiên, Hà Nội được xếp hạng cao nhất kể từ trước tới nay và lần đầu tiên, Hà Nội vượt TP.HCM để đứng vào top 10 xếp hạng PCI, đẩy TP.HCM xuống phía dưới.
Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của Hà Nội trong năm vừa qua. Song tại sao, cả hai đầu tàu kinh tế của cả nước lại chỉ xếp hạng thứ 10 và thấp hơn trong nhiều năm qua, chứ không phải là đứng đầu. Đó là chưa nhắc đến vai trò đầu tàu của Hà Nội và TP.HCM trong liên kết vùng, trong dẫn dắt các vùng kinh tế trọng điểm, cũng như dẫn dắt cả nền kinh tế đi lên.
Việt Nam đang ở trong “ngã ba đường” của sự phát triển với câu hỏi đặt ra là tiếp tục bứt phá đi lên hay chấp nhận tụt tụt hậu? Trong bối cảnh đó, vai trò của các đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP.HCM càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Không chỉ là tự thân phát triển, đã đến lúc, cả Hà Nội cùng TP.HCM phải năng động, sáng tạo thể hiện và chứng minh được vai trò đầu tàu dẫn dắt của mình.
Theo Hà Nguyễn/Báo Đầu tư
>> ANZ lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019