Chân lý ở đâu?

“Một lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành chân lý.” Câu nói nổi tiếng của Goebbels - Bộ trưởng Bộ Truyền thông Đức thời Hitle luôn nhắc nhở các thế hệ hậu sinh: Cần phải tỉnh táo trước những lời tuyên truyền dối trá.
Chân lý ở đâu?

Trong một ngõ nhỏ có hai người đàn bà không ưa nhau. Họ luôn có những xích mích từ nhỏ bị xé thành to. Bà A lắm lời hơn bà B, không chỉ hay chửi đổng mà còn luôn nói xấu bà B với tất cả những ai quen biết. Bà B ít lời hơn nhưng khi cất tiếng thì tim gan phèo phổi của bà A cứ gọi là lộn tùng phèo lên. Cũng có người biết bà A nói điêu cho bà B nhưng biết bênh bà B thế nào. Chồng bà A thuộc loại đầu gấu, hơi tý thì vác dao bầu ra khua khoáy loạn ngõ. Chồng bà B thì nhiều năm nay đã bỏ nhà theo gái. Bà B biết liệu sức, lầm lũi nuôi con một mình, dạy con cố gắng học hành đến nơi đến chốn để có được nghề nghiệp đàng hoàng. Ngoài ra bà B còn phải biết “né hạ” những gì không cần thiết. Nếu không có “mẹo” thì bà B cũng tan xác vì mấy gã cứ nhìn thấy bà là liếm mép, vì mấy con mụ sợ bà B cướp chồng hay gây sự với bà.

Có lần bà A chửi đổng bà B suốt một buổi sáng, đến lúc khản cả giọng rồi mà bà B vẫn thản nhiên đi lại trong sân, tiếp tục làm công việc chăm sóc vườn tược của mình. Đúng lúc bà A ngồi thở ngoài ngõ thì bà B đi qua, ghé tai bà A nói nhỏ: “Con đĩ già mỏi mồm, hết hơi rồi à”. Ôi thôi thế là bà A lại tốc váy lên chửi. Con mẹ mất gà trong truyện cười dân gian, nghệ thuật chửi có lẽ cũng không bằng bà. “Con chim ri đi guốc mộc, con gà gô đi dép lốp gõ bôm bốp vào mặt mày. Đồ trơ trẽn. Đồ chơi giai. Mày chơi giai từ thằng trẻ đến thằng già, từ thằng khôn đến thằng dại, từ thằng ngu đến thằng điên, từ thằng méo mồm đền thằng lèo phèo nước dãi… Giai nó chơi mày xong, nó bốc gio nó bỏ vào…mày…”.

Cả xóm biết bà B chơi giai. Chơi đủ các loại giai. Chơi xong lại còn bị nó bốc gio nó bỏ vào… Bà B quyết định làm một việc cho cái đài phát thanh của bà A phải im tiếng. Bà kín đáo đặt chiếc máy ghi âm nhỏ lên chạc cây chỗ bà A hay đứng chửi. Nhìn thấy bà B đi qua, bà A lại bắt đầu ra gây sự. Bà B nói nhỏ một điều gì đó với bà A, thế là bà A lại tốc váy chửi: “Cái con B đĩ rạc đĩ rày kia… Tao cho con chim ri đi guốc mộc, con gà gô đi dép lốp gõ bôm bốp vào mặt mày. Đồ trơ trẽn. Đồ chơi giai. Mày chơi giai từ thằng trẻ đến thằng già, từ thằng khôn đến thằng dại, từ thằng ngu đến thằng điên, từ thằng méo mồm đền thằng lèo phèo nước dãi… Giai nó chơi mày xong, nó bốc gio nó bỏ vào…mày…”.

Bà A đi vào nhà thở vì quá mệt, thế mà ngoài ngõ vẫn có tiếng bà quàng quạc chửi. Bà con đi chợ qua con ngõ này cứ phải nhăn mặt khó chịu như thể bị ném mắm tôm vào mặt. Con gái bà A đưa người yêu về, đến đầu ngõ đã thấy tiếng mẹ đang chửi, cậu người yêu bỏ chạy mất dép. Nó cũng chạy theo. Chồng bà A nghe thấy tiếng vợ chửi ngay từ đầu ngõ, lại vác dao ra khua… Dân tình len lén nhìn, tránh xa kẻo vạ lây.

Suốt mấy ngày liền, mỗi lần bà A ra chợ lại thấy mọi người len lén nhìn bà rồi lảng… Sau cùng bà phải gặp bà B điều đình. Bà B lúc đầu không muốn gặp vì tức: Mụ này tuổi gì mà dám ngồi ngang hàng nói chuyện phải trái… Sau rồi thấy nhà bà A nát như tương, tội mấy đứa con, bà B đành xuống nước. Chiến tranh giữa hai bà chấm dứt. Cả con ngõ được bình an.

Goebbels để lại câu nói để đời “Một lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành chân lý.” Nhưng có lẽ đó là chuyện của ngày xưa, khi người ta chỉ có mỗi hai tai để nghe. Thời buổi văn minh, internet chui vào mọi ngóc ngách, tai mũi… ai cũng khôn cả. Chẳng qua người ta không nói vì người ta không muốn nói. “Chó cứ sủa đoàn quân cứ tiến”. Những người không thích lằng nhằng nên thường hay hành động nhiều hơn nói.

Có lần tôi gặp một cậu Việt kiều nhiều năm sống ở Úc. Khi nghe tôi kể về những năm tháng chiến tranh, Mỹ ném bom cày nát Hà Nội, tôi phải đi sơ tán và nhiều lần chứng kiến máy bay Mỹ bốc cháy trên bầu trời, cậu ấy cười khanh khách như nghe chuyện trẻ con: “Chị ơi. Việt Nam tuổi gì mà bắn được máy bay Mỹ”. Tôi trố mắt nhìn cậu ta, tưởng cậu nói đùa. Cậu ấy nghiêm túc “tuyên truyền” lại cho tôi thấy được sức mạnh của không lực Hoa Kỳ. “Là vô đối. Là số 1 bất bại chị ạ”. Tôi cảm nhận được trên gương mặt tôi, cả hai mắt đang thò ra ngoài hốc bỗng thụt hẳn lạ, ngoan ngoãn và hiền lành như nó vẫn là. Tôi kể cho cậu ấy nghe những chuyện tôi đã thấy, cả chuyện chúng tôi đội mũ rơm đi học ở nơi sơ tán, cả chuyện hố bom sau nhà tôi đang ở, cả chuyện anh phi công Mỹ bị bắt sống, ném văng khẩu súng lục đi vì nhìn thấy chân mình có con đỉa bám chặt… Cậu im lặng được một lúc rồi bỗng lại như lên cơn ngứa, cậu kể: “Trong đại chiến thế giới lần thứ hai, Mỹ và đồng minh mới là lực lượng tiêu diệt Đức quốc xã. Liên Xô hồi ấy hấp hối rồi chị ạ. Không có Mỹ thì Liên Xô đã bị Đức quốc xã tiêu diệt”. Lần này thì tôi còn “ngứa” hơn cậu ta. Tôi cố gắng kìm để không gãi tung người lên, bắt đầu phản đòn thì mấy anh bạn ngồi gần đó nhao nhao: “Đừng có mà nói thế nhé. Đây này. Đây này… “. Cậu thanh niên gồng lên cãi. Một anh lớn tuổi nhất nhẹ nhàng: “Tôi là người nghiên cứu rất ký về thế chiến thứ hai, cả tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Pháp. Cậu muốn biết rõ hơn, hôm nào qua tôi nhé”.

Mấy tháng gần đây, khi chiến sự giữa Nga và Ucraina bùng nổ, đó là khoảng thời gian thật khó khăn với những người làm truyền thông. Với công chúng quan tâm đến chính trị - chiến sự còn thấy khó khăn hơn rất nhiều. Người ta hết quay sang trái lại ngoái sang phải, không biết phải nghe bên nào. Truyền thông rõ ràng là phân thành hai luồng rất gay gắt. Cảm giác như nghe bên nào cũng “thà đổ thóc giống ra mà ăn còn hơn”. Cùng một kênh truyền thông mà hôm nay nói kinh tế Nga sắp sập thì ngày mai bảo Nga đang thu lợi mỗi ngày 1 tỷ USD từ nguồn bán dầu khí, kinh tế vững mạnh. Hôm nay nghe nói Ucraina đang đà tiến quân, đẩy Nga về bên kia biên giới, khí thế như sắp cắm cờ trên điện Kremlin đến nơi, ngày mai lại nói Ucraina lâm nguy, sắp cạn kiệt vũ khí…

Nói xuôi hay ngược thì đất nước hiền hòa Ucraina vẫn mỗi ngày một tan nát, người dân đẹp đẽ, văn minh là thế mà phải sụt sùi tứ tán…

Đành tự nhủ mình: Chả nghe xuôi, nghe ngược gì hết, nghe chân lý thôi. Không theo phe, chỉ theo chính nghĩa. Cái gì của Caesar thì trả lại cho Caesar, của ai người nấy giữ, thu hết súng đạn về và mang lúa ra trồng. Dân đói lắm rồi.

Có thể bạn quan tâm