Doanh nhân Hà Nội xưa: Mẹ tôi!

Nếu mùa đông năm 1946 chiến tranh nổ ra ở Hà Nội sớm vài ngày, chắc tôi đã thành đồng hương của Bọ Lập...
Doanh nhân Hà Nội xưa: Mẹ tôi!

Câu nói ấy tôi đã chợt thốt lên với họa sĩ Văn Đắc, nhà thơ Lý Hoài Xuân và một vài bạn văn Quảng Bình khác vào một đêm trăng cuối thu năm 2016, trên bãi biển Bảo Ninh, khi chúng tôi ngồi nhậu lai rai, nghe ai đó trong đám bạn vừa nhắc tới tai họa vu vơ khó hiểu của nhà văn Nguyễn Quang Lập xảy ra trước đó dăm năm.

Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, mỗi người một hoàn cảnh éo le khác nhau để rồi cùng chân nhận ra cái giá của hòa bình. Với riêng tôi, sự kiện Hà Nội mùa đông năm Bính Tuất (1946) là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời, bởi nó chứa đựng công ơn trời biển của mẹ cho tôi được sinh ra, làm Người Hà Nội đúng với nguyên nghĩa đẹp nhất của từ này như mẹ đã từng sống làm người giữa thời tao loạn.

Mẹ là con gái út của cụ lang Vỹ, người làng Bưởi nhưng còn gọi là cụ lang Thường Tín vì có một thời gian cụ về quê vợ mở hiệu thuốc Bắc tại phố ga Thường Tín để kèm cặp hai con trai là bác cả Phương và bác ba Cương theo nghề và làm nơi khởi nghiệp sau này.

Bốn người con gái cũng được ông ngoại đặt tên theo các vị thuốc, lần lượt là: Hoàng Cầm, Bạch Thược, Đương Quy, Khương Hoạt. Khi ông nội tôi đánh tiếng với ông bà ngoại xin cô con gái út Khương Hoạt về làm dâu là lúc gia cảnh nhà tôi không còn được sung túc như xưa.

Bà nội mất sớm, bác gái tôi là trưởng nữ trong nhà, từ năm 14 tuổi đã phải tần tảo nuôi cha và các em ăn học thành tài. Có lẽ vì thế nên bà ngoại và các bá bên ấy có ý không ưng, nhưng ông ngoại tôi kiên quyết nói: “Ta gả đứa út cho nhà ấy là để con mình được thừa hưởng hai chữ danh giáo chứ đâu cần biết họ giàu hay nghèo.”

Mẹ đi lấy chồng được bà ngoại và các chị lớn trong nhà thương lắm, dấm dúi cho rất nhiều đồ nữ trang quý hiếm. Nghe nói hồi còn ở nhà, mỗi sáng mẹ được chị giúp việc chải đầu, vấn tóc đuôi gà thì sợi dây chuyền vàng gia bảo được mở khóa cho nó xuôi chảy từ gáy xuống gót chân làm cữ, sau đó chị giúp việc mới ước lượng quấn từng vòng so le quanh cổ sao cho ở vòng cuối có gắn mặt đá ngọc gia bảo chạm đúng ngực áo dài của mẹ.

Vậy mà buổi sớm đầu tiên sau đêm tân hôn, mẹ đã được bác gái tôi khép vào khuôn khổ, gọi dậy từ lúc gà gáy canh năm quét nhà, vào bếp phụ giúp chị chồng xong xuôi mới được trang điểm qua loa chứ không cầu kỳ như thời con gái nữa. Sợi dây chuyền gia bảo mẹ cũng chỉ được phép đeo vào ngày giỗ tết hay những dịp về chơi bên ngoại.

Với cha tôi, bác là chị ruột mà như người mẹ hiền, cha luôn nhắc mẹ phải răm rắp vâng lời chị cả. Ngược lại, cha là cháu đích tôn của cụ đồ nên được bác đặc biệt yêu quý, cưng chiều từ nhỏ. Sau này cha kể, ngày cha mới đi làm, đòi chị mua xe đạp Sterling bác cũng mua ngay. Đi làm chưa đầy một năm, cha theo bè bạn mê trò đua ngựa, nằng nặc đòi chị mua lại con ngựa nòi của một viên chức người Pháp cùng sở, bác cũng chiều theo. Giờ cha đã có vợ nên bác tôi chủ tâm nghiêm khắc dạy bảo em dâu theo gia phong dòng họ Vũ Duy.

Thế rồi đến một ngày, bác gọi em dâu vào buồng, mắt rưng rưng lệ dặn dò: “Đẻ mất sớm, chị nuôi cậu từ năm chị mới 14 tuổi. Nay chị không còn trẻ nữa, sớm muộn sẽ phải đi làm dâu nhà người. Cụ bà trên phố Hàng Than mấy năm qua liên tiếp xin dâu mà chị cứ khất lần chỉ vì phải đợi tới ngày cậu yên bề gia thất. Giờ chị sắp phải xa thầy, cậy nhờ mợ chăm sóc thầy và cậu, thay chị nuôi dạy hai đứa em sau cậu nên người. Gắng lên mợ nhé, nhà mình xưa nay đàn bà về làm dâu đều có nghĩa vụ gánh vác giang san nhà chồng…”

Tiền dành dụm bao năm làm của hồi môn mang theo về nhà chồng, bác lẳng lặng chia cho mẹ tôi một nửa cất giữ để phòng xa. Mẹ tôi lúc đầu ngỡ ngàng, nhưng cảm động trước tấm chân tình, đức hy sinh của người chị chồng nên mẹ đã cố gắng tự thay đổi mình, tần tảo sớm hôm quán xuyến mọi việc, làm tròn bổn phận dâu trưởng trong họ.

Về làm dâu họ Vũ Duy được nửa năm, theo truyền thống của gia tộc, mẹ được hai cụ bà ngoài phố cổ là chị và em ruột với ông nội tôi cấp vốn vay không tính lãi năm năm để tập sự buôn bán. Các cụ thuê cho mẹ một sạp vải ở nhà Gô-đa (sau này là nhà Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền) liền kề sạp vải của bác tôi để hai chị em kèm cặp giúp đỡ nhau.

Có một điều lạ, dường như ông trời ưu ái ban phúc cho một số người có cái duyên mua may bán đắt. Mẹ tôi mới vào nghề, không khéo nói hay săn đón chào mời bặt thiệp như chị chồng, nhưng khách mua lại xúm quanh sạp vải của mẹ đông hơn. Có nhiều khi bán hết hàng, mẹ còn lấy dăm súc vải của bác tôi sang sạp của mình bán hộ. Sau một thời gian, mẹ có nhiều mối làm ăn nên đã chuyển hẳn ra phố thuê nhà, mở hiệu buôn Ích Thái, đồng thời mở thêm hướng bán buôn đi các tỉnh bằng hình thức gửi hàng qua bưu điện mà hồi đó các cụ gọi nôm na là “buôn qua đường dây thép”.

Bạn hàng của mẹ rải rác khắp các thị xã miền Trung từ Vinh vào Đà Nẵng. Hồi đó luật pháp nghiêm minh, còn các nhà buôn đều rất tín nghĩa. Mẹ gửi hàng theo yêu cầu của họ với số tiền ứng trước một nửa, cứ theo chu kỳ 3 tháng một lần mẹ đi tàu hỏa thu tiền từ Vinh trở vào hoặc đi máy bay thu tiền từ Đà Nẵng trở ra. Họ đều sòng phẳng thanh toán cho mẹ không thiếu một đồng bạc lẻ nào.

Việc buôn bán đường dài đang trên đà thuận lợi thì Cách mạng tháng Tám nổ ra, rồi chiến tranh Việt - Pháp có nguy cơ bùng nổ. Vào lúc người dân Hà Nội được lệnh chuẩn bị tản cư, lòng mẹ rối bời như lửa đốt vì bao nhiêu vốn liếng đưa gia đình tản cư phần lớn đang đọng ở các bạn hàng miền Trung. Đó cũng là lúc mẹ mang bầu sắp đến ngày sinh tôi, đi lại đã rất nặng nề. Mặc cho gia đình, họ tộc ngăn cản, mẹ vẫn quyết bay vào Đà Nẵng thu tiền hàng ở đó.

Xong xuôi, khi mẹ ra đến Huế thu tiếp thì có dấu hiệu sắp chuyển dạ. Trong đầu mẹ chỉ nung nấu một điều, dù nguy hiểm đến đâu cũng phải ra Hà Nội sinh con mới kịp đưa ông nội tôi và gia đình đi tản cư. Hồi đó Huế không có sân bay nên muốn bay về Hà Nội phải đi ô tô ra sân bay Đồng Hới.

Lại một lần nữa, bạn hàng ở đất cố đô tha thiết khuyên can, nhưng mẹ vẫn liều mạng ra đi. Thật may vì ra đến Đồng Hới, mẹ gặp được chuyến bay cuối cùng trước khi nổ ra chiến tranh Việt - Pháp. Từ sân bay Gia Lâm, mẹ thuê xe thẳng tới nhà hộ sinh quen, nơi mẹ đã sinh anh cả tôi, chờ lên bàn đẻ. Nhờ thế tôi được sinh ra ở nhà hộ sinh phố Hàng Bún và chỉ một ngày sau đó, hai mẹ con đã phải cùng gia đình giữa đêm mưa rét băng qua cánh đồng làng Noi, làng Chèm để đi đò vượt sông Hồng sang tản cư ở nhà người quen thuộc làng Hối Đồng, huyện Đông Anh.

Cha tôi kể rằng, đến nơi tản cư thì đứa bé mới sinh là tôi đã lạnh cóng, người tím ngắt, chỉ còn thoi thóp thở. May nhờ có bà lang trong xóm đốt rơm nếp mới cùng với lá bưởi bung sưởi ấm, vừa lấy dầu xoa bóp vừa gọi hồn gọi vía hồi lâu tôi mới tỉnh, oe oe khóc.

Mẹ thấy tôi tỉnh lại thì òa lên nức nở, ôm tôi vào lòng nói: “Trời Phật thương cho thằng bé sống làm người mới bõ công tôi suốt dọc đường từ Huế ra Đồng Hới cắn răng chịu đau, chỉ lo đẻ rơi giữa đường.” Và tôi lúc trưởng thành mới dám mạnh mồm hãnh diện khoe với bạn bè rằng, nếu chiến cuộc ở Hà Nội mùa đông năm Bính Tuất nổ ra sớm vài ngày thì mẹ con tôi mắc kẹt trong đó, thành người Quảng Bình, đồng hương với Bọ Lập là cái chắc…

Năm 1948, gia đình tôi hồi cư thì xưởng nhuộm vải do ông nội tôi đứng tên ven con đường nhựa đi về phía hồ Tây (nay là phố Lạc Long Quân) đã bị cháy rụi do chính sách tiêu thổ kháng chiến, còn vốn liếng của mẹ cũng vơi cạn sau hai năm tản cư. Dẫu thế mẹ không hề nản chí, quyết gây dựng lại sản nghiệp.

Sau ít ngày tìm hiểu thị trường và chắp mối liên lạc với bạn hàng, mẹ tôi quyết định rời xưởng nhuộm vào nhà ông ngoại ở đầu làng Yên Thái. Ngôi nhà ấy đang bị bỏ không vì bà ngoại đã mất, ông ngoại và bác cả đang tản cư ở Thường Tín. Mẹ bàn với các bá đi đón ông ngoại về phụng dưỡng để bác cả yên tâm tiếp tục tản cư vào vùng tự do trong Thanh Hóa, nơi có người con rể đang làm cán bộ chỉ huy du kích chống Pháp.

Được một năm thì ông ngoại cũng ốm nặng qua đời. Mẹ mở xưởng nhuộm vừa coi nhà hộ bác cả và hương khói thờ cúng ông bà ngoại, vừa không tốn tiền xây cất nhà xưởng, thật “nhất cử lưỡng tiện”. Ngôi nhà rất lớn, khu nhà chính ba gian hai chái, mái ngói hiên tây, nền cao tam cấp, bể cảnh trước hiên được mẹ giữ nguyên.

Tuy thế vẫn còn một sân gạch rộng mênh mông và hai dãy nhà ngang, mỗi dãy năm gian nhỏ lợp bán mái để mẹ biến hóa thành xưởng nhuộm: dãy nhà phía Đông làm kho và nơi ăn nghỉ cho thợ, dãy nhà phía Tây mẹ cho xây hai lò than lớn để đặt thùng 600 lít dùng để nhuộm vải.

Mẹ lấy tên hiệu buôn Ích Thái cũ ở ngoài phố cổ của mình đặt cho xưởng nhuộm để giữ lại thương hiệu và có lẽ nhờ vào tên tuổi bà Ích Thái nên bạn hàng cũ như ông tây đen người Ấn Độ ở số nhà 100 phố Hàng Đào hay bà Hỷ Hòa và bà Đức Lợi ở phố Hàng Đường… nhanh chóng tìm đến ký kết hợp đồng, giúp mẹ vực dậy xưởng nhuộm.

Ngoài ra, còn có xưởng nhuộm của chú tôi trên phố Trần Nhật Duật chia sẻ một phần đơn hàng cho mẹ những ngày đầu lập xưởng Ích Thái. Đặc biệt bà Đức Lợi là chiến sĩ tình báo hoạt động bí mật trong nội thành đã có những hợp đồng lớn cho xưởng của mẹ nhuộm vải hai màu nâu và đen để mạng lưới liên lạc của bà mang ra vùng tự do cung cấp cho Chính phủ kháng chiến.

Xưởng nhuộm Ích Thái của mẹ hoạt động tấp nập đến cuối năm 1955 thì tự giải thể vì mẹ nghe theo lời khuyên của người cháu họ từ chiến khu về, muốn tránh bị quy kết là thành phần tư sản. Tuy vậy, kho thuốc nhuộm của mẹ có giá trị hàng trăm cây vàng vẫn bị trưng mua với giá rẻ mạt nên gia tài khánh kiệt.

Nhà đông con, miệng ăn núi lở, chỉ qua vài năm mẹ thành trắng tay như một dân nghèo thành thị thứ thiệt. Tổng Bưởi quê tôi có bảy làng, trong đó ba làng Yên Thái, Đông Xã, Hồ Khẩu chuyên nghề làm giấy nên năm 1960, các hộ sản xuất của ba làng ấy được Nhà nước quy tụ lại thành Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp ngành giấy. Mẹ tôi không có nghề nên phải xin vào làm xã viên trong tổ thu mua vỏ bao xi măng ở các công trường xây dựng.

Công việc đòi hỏi phải biết gánh nặng đi bộ đường dài nên để được nhận vào làm, đêm đêm mẹ phải tập gánh vòng quanh sân nhà, lúc đầu mỗi bên hai viên gạch, sau tăng dần cho đến khi gánh được mỗi bên 10 viên gạch mẹ mới yên tâm nhận việc.

Cha tôi hồi đó cũng thất nghiệp phải kết hợp với một người cháu họ xa lập một “Tổ hợp tác giặt là” kiếm sống qua ngày. Vậy là cha mẹ tôi sau cuộc bể dâu cuối cùng cũng đã có việc làm, được cấp tem phiếu nuôi anh em chúng tôi ăn học.

Năm 1970, vì lương ở hợp tác xã quá thấp, tám anh em tôi lại đi sơ tán mỗi đứa một nơi rất tốn kém nên mẹ xin nghỉ việc sớm, thuê một cửa hàng của người chị họ ở đầu chợ Bưởi để mở ngôi hàng nước. Cửa hiệu giặt là của cha cũng chuyển về đó. Lúc này cha tuy chưa già nhưng hay đau lưng nên không nhận giặt, chỉ nhận là quần áo cho khách ở trong nhà, còn mẹ bán hàng ngoài cửa để tiện giúp đỡ cha khi cần thiết vì người cháu họ làm chung với cha đã nghỉ hẳn từ lâu.

Đời mẹ từ cô tiểu thư quen được cưng chiều, khi đi lấy chồng thành nhà buôn rồi chủ xưởng nhuộm Ích Thái, nhưng trong ký ức tôi hình ảnh năm nào mẹ tập gánh những viên gạch quanh sân nhà để được nhận làm xã viên ngành giấy cứ ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời.

Khổ thế sao mẹ tôi lúc nào cũng tươi cười, chẳng hề than vãn hay hận đời, trách người bao giờ. Những lúc hiếm hoi khi lo được bữa ăn tươi, lặng nhìn đàn con từ các nẻo đường sơ tán quây quần sum họp, ngồi ở góc nhà, mẹ cười mà khóe mắt như ứa lệ.

Chỉ sau này, tôi mới hiểu nước mắt mẹ đã lặn hết vào trong gan ruột. Khi gia đình nhận tin em Dương hy sinh ở chiến trường phía Nam, cả nhà sụt sùi khóc, riêng mẹ ngồi chết lặng bên mép giường như bức tượng đá. Những đêm sau đó, khi các em tôi đã ngủ say mẹ mới bật khóc nấc lên từng hồi, nước mắt dồn nén cả cuộc đời giờ dành cho đứa con vàng ngọc không trở về...

Mẹ rời cõi tạm đã gần 40 năm nhưng mẹ mãi là chuẩn mực cho chúng con giữ bền nếp nhà danh giáo của Người Hà Nội xưa…

Sài Gòn, mùa thu năm 2019

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo mới từ FDA về rủi ro của thuốc giảm cân

Cảnh báo mới từ FDA về rủi ro của thuốc giảm cân

FDA vừa bổ sung một cảnh báo mới đối với các loại thuốc giảm cân như Ozempic và Wegovy, khuyến cáo rằng bệnh nhân sử dụng các thuốc này có thể đối mặt với nguy cơ hít phải dịch dạ dày vào phổi khi gây mê….

Thời điểm tập luyện: Bí quyết để tối ưu hóa quá trình giảm cân

Thời điểm tập luyện: Bí quyết để tối ưu hóa quá trình giảm cân

Thời gian tập luyện có thể ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu giảm cân, từ việc cải thiện trao đổi chất đến tăng cường hiệu suất thể thao. Hãy cùng tìm hiểu thêm về lợi ích của việc tập luyện vào buổi sáng và buổi chiều để chọn thời điểm phù hợp nhất với cơ thể và lịch trình của bạn…

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Mùa đông là thời điểm tuyệt vời để khám phá các lễ hội độc đáo trên khắp thế giới. Từ hội chợ Giáng sinh ở London cho đến lễ hội ánh sáng Amsterdam, mỗi sự kiện đều hứa hẹn mang đến trải nghiệm khó quên…

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Mang danh một nhà văn, tôi phải đến những nơi này, để hiểu thấu được từng nỗi đau của dân tộc tôi và của các dân tộc trên thế giới đã từng trải qua chiến tranh...

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Vẫn tâm trạng háo hức của kẻ đang khám phá vùng đất mới. Sáng thường ngủ dậy muộn nên bữa sáng cũng gần với bữa trưa, xong xuôi tôi ngồi vào bàn viết để ngắm nhìn bầu trời trong xanh trước mặt và đám cây cỏ...

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Ra khỏi nhà, khi bước chân đầu tiên của tôi đặt chân lên con đường đất dường như gặp lại tuổi thơ của mình và tôi đã nhìn thấy một cô bé 5 tuổi trong cánh đồng hoa bướm, cô bé đó như đang đuổi bắt một con bướm. Tim tôi đã ngân lên những nốt nhạc...