Người Việt ở Canada: “Cất” chữ chờ thời qua đại dịch

Giữa lúc đại dịch Covid 19 đang hoành hành ở châu Á, bắt đầu lan sang châu Âu và khu vực Bắc Mỹ, Kiên – chồng của Hồng (em con chú tôi) dắt hai con nhỏ sang đoàn tụ với vợ.

“Sợ nhất là mọi người tiến lên phía trước mà bỏ rơi ta ở lại phía sau. Khi tất cả cùng đứng yên ở vạch đỏ thì không còn thấy sợ nữa.”. Tôi động viên Hồng mà thực ra lòng vẫn đang đầy ắp nỗi lo".

Khi nỗi sợ cũng bị... đóng băng

Đầu tháng 3, Kiên sang đến Toronto, chưa kịp ấm chỗ thì dịch ào đến. Thủ tướng Justin Trudeau ban bố tình trạng khẩn cấp... Hồng mất việc, cả gia đình 4 người gần như nén mình lại trong một căn hộ nhỏ, xập xệ nằm sát China town. Đồng lương trợ cấp thất nghiệp của Hồng cộng thêm chút vốn“dắt lưng”của Kiên đem từ nhà sang được tính toán chi li để tạm đủ trang trải cho gia đình 4 người, từ tiền thuê nhà, điện nước, Internet đến các chi phí sinh hoạt khác.

Nhưng cái khó đó chưa là gì với cái sự bí bách trong những bức tường. Nói là căn hộ cho oách chứ nó chỉ gồm hai phòng ngủ nhỏ, mỗi phòng chừng 9 m2 - phòng nào cũng lỉnh kỉnh những va ly, đồ đạc cá nhân; một cái WC cũ kỹ và một căn bếp nhỏ, nơi chiếc bàn ăn nhỏ được kê gọn vào góc tường để không bị vướng lối đi. Tất cả được xếp song song với một hành lang chật hẹp dẫn xuống chiếc cầu thang gỗ gần như dựng đứng, đi qua cánh cửa là ra ngoài phố. Như hầu hết người dân Toronto - tuân lệnh “Stay home” trong đại dịch, cả nhà Kiên với bốn thành viên cứ loanh quanh giữa những bức tường cũ kỹ đó. Người lớn còn cố chịu đựng, vì đã xác định một cuộc sống mới đầy rẫy khó khăn, thậm chí khốc liệt. Với con trẻ thì thật là cực hình. “Vừa sang môi trường mới đã vào ngay tâm dịch, cả nhà loanh quanh, ngơ ngác ra đụng vào chạm, xuống phố thì không dám, hai đứa con em phát cáu, cãi nhau, khóc lóc... Căng thẳng lắm chị ạ”. Hồng gọi điện cho tôi, nói trong nước mắt.

Là người đồng cảnh ngộ nên tôi rất thấm nỗi khổ của Hồng. Đã có những người Việt bị chết vì con virus quái ác. Tuần trước, bạn của một chị bạn tôi là người Việt mới ngoài 50 tuổi, ở Mississauga (sát Toronto) vừa mới nhận kết quả dương tính với Covid 19, con gái chị vội gọi xe cấp cứu. Khi cô ra cửa đón xe thì mẹ cô đã lên cơn khó thở. Cái chết đến quá nhanh và dễ dàng khiến ai nghe cũng phải rùng mình và thêm phần căng thẳng.

Bữa tiệc sinh nhật trong đại dịch

Hai mẹ con tôi thuê phòng ở trong một gia đình người Philippines, con tôi ở nhà học online, hai đứa con chủ nhà cũng trở về từ trường đại học và học online. Bản thân hai vợ chồng chủ nhà cũng mất việc vì dịch... Chủ nhà phải dồn phòng để tiếp tục cho hai mẹ con tôi thuê vì không nỡ để chúng tôi ra đường. Thế là căn nhà nhỏ chứa 6 người, nói 3 ngôn ngữ Phi – Anh – Việt với 4 nền văn hóa (ông chủ nhà lại là người Tây Ban Nha, hai đứa trẻ là dân Canadian chính hiệu).

Họ tuân lệnh chính quyền triệt để, nghĩa là 100% thời gian ngồi nhà. Thức ăn đều được đặt online, trả tiền bằng Credit card, có người mang đồ ăn tới, để trước cửa và chủ nhà ra lấy, không ai chạm mặt ai. Chúng tôi cũng cố gắng không tiếp cận các thành viên trong gia đình chủ nhà, chỉ “Hello!” từ xa rồi nhanh chóng chui vào phòng riêng. Khi tôi xuống bếp nấu ăn thì họ nháy nhau đi chỗ khác. Khi họ nấu ăn thì tôi ngồi yên trong phòng.

Vì bức bách nên có vài bữa tôi cũng liều lĩnh, lấy ô tô chở thằng con đi. Hai mẹ con cứ thế đi một lèo gần 300 km mà không hề dừng lại. Ngắm đường, ngắm rừng, ngắm mùa xuân phủ màu xanh trên những cánh rừng hoang vu gần như vắng bóng người. Khi lệnh Stay home được nới lỏng bước một, vài nhà hàng bắt đầu mở cửa bán kiểu “Drive through” (đặt đồ ăn qua radio rồi lái xe đến một ô cửa, quẹt thẻ ngân hàng lên máy tính tiền (không chạm vào máy) và nhận đồ ăn trên khay).

Tôi nhắn tin cho thằng con trai ra xe rồi lái đi, ra trạm xăng tự động, đổ đầy bình xăng, qua đón thêm đứa cháu cũng đang phát rồ vì bị nhốt ở nhà gần hai tháng. Ba chúng tôi cứ thế băng băng qua những cánh rừng, thành phố, khu dân cư...

Chúng tôi tự thưởng cho mình một bữa tiệc đồ ăn Nhật, mua ở một Drive through, lái đến bên cánh rừng, mở cửa ô tô rồi ngồi yên trong xe ăn. Bên bìa rừng, những chú chim tự do nhảy nhô chơi đùa, vài bộ bàn ăn cho người đi picnic đặt trên bãi cỏ đã lâu không có người sử dụng. Công viên, rừng mới mở cửa cho người đi qua chứ không được ngồi chơi, ăn uống.

Hôm đó là ngày sinh nhật tôi. Một bữa tiệc sinh nhật trong đại dịch, không hoa không nến, ở một nơi rất xa với nụ cười nhòe nhoẹt trong nước mắt. Bên kia địa cầu, gia đình, bạn bè tôi đang ăn mừng Việt Nam chiến thắng dịch.

Một trận đá bóng tại sân Thiên Trường với sức chứa 10.000 người sắp diễn ra vào tuần kế tiếp cũng đang được hân hoan đón nhận.

Lệnh giãn cách xã hội vừa được nới lỏng bước hai, mọi người đã có thể đeo khẩu trang ra đường, đi bộ trong công viên, trẻ em được tung tăng trên bãi cỏ... Đùng cái, bên kia biên giới, nước Mỹ rơi vào cảnh hỗn loạn chưa từng có. Các cuộc biểu tình đòi công bằng cho George Floyd - một người da đen - bị cảnh sát ghì chết đã bị biến thành các cuộc bạo động. Các đối tượng lợi dụng biểu tình đã đốt phá, cướp bóc tài sản của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Một số cơ sở làm ăn của người Việt cũng bị cướp phá tanh bành. Cơn tăng xông của nước Mỹ có nguy lan sang Canada khi mà các cuộc biểu tình cũng bùng phát ở Ottawa, Montreal, Toronto... để đòi quyền lợi cho người da màu.

Hàng nghìn người cầm những tấm biển với dòng chữ “Black Lives Matter” (Người da đen cũng đáng được sống_ PV) diễu hành qua các con phố mà các trung tâm thương mại, cửa hàng cửa hiệu đã đóng chặt. Trên mạng xã hội của hội người Việt tại Canada, mọi người lo lắng bảo nhau tìm cách bảo vệ cơ sở làm ăn, phòng khi bị các đối tượng lợi dụng biểu tình đập, cướp phá như ở bên Mỹ... May thay, dù sát nách nước Mỹ, Canada là một đất nước quá đỗi hiền hòa. Hình ảnh Thủ tướng Justin Trudeau quỳ gối giữa đám đông biểu tình đã gây xúc động mạnh cho cả cộng đồng.

Nghề... nổi da gà ra tiền

Khi trái tim của Toronto đang phập phồng vì dịch bệnh và biểu tình thì Kiên đang làm việc trong các nông trại ở Hamilton, cách Toronto chừng hơn 1 giờ lái xe. Vốn là một kỹ sư công nghệ thông tin, anh chấm dứt hợp đồng lao động với một tập đoàn du lịch, giải trí và bất động sản lớn nhất nhì nước để sang Canada đoàn tụ cùng vợ con. Nếu không vì đại dịch, anh có thể đã nhận được “Giấy phép lao động” để kiếm việc làm phù hợp. Để tồn tại, ông bố hai con người Hà Nội vốn chỉ biết học và học ấy nay trở thành một nông dân ngày ngày đi bẻ cành nho – một công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại là thách thức với một người “đầu to, mắt cận” như anh.

“Mấy ngày nay anh ấy không bẻ cành nho nữa mà là đi bắt giun chị ạ”. Hồng gọi điện kể làm tôi giật nảy người. Đầu tháng 4, chính tôi là người kể cho Hồng nghe (mà tôi cũng nghe lại từ những người quen, bạn bè) về cái nghề đối với tôi là khủng khiếp nhất này. Nghe xong chuyện tôi kể, Hồng nói dứt khoát: “Em sẽ để anh ấy đi bắt giun”. Tôi hoảng hốt: “Làm sao mà nó đi bắt giun được. Nó dân văn phòng mà”. Hồng nói qua điện thoại, giọng lạnh tanh: “Đến em còn sẵn sàng đi bắt giun, vì sao anh ấy lại có quyền từ chối?!”. Đúng là Kiên không thể từ chối được.

Em gái tôi là dân ngoại ngữ, đã làm trong các tổ chức nước ngoài cả chục năm, sang Toronto tu nghiệp sau đại học 2 năm, đã tốt nghiệp và vừa làm việc tại một văn phòng luật sư được 6 tháng thì mất việc vì dịch. Tôi đã chứng kiến em vốn mảnh mai, sang chảnh khi xưa, giờ lái xe tải chuyển đồ chạy băng băng trên các con phố ở Toronto. Vì cuộc sống nơi đất khách, có nghề nào hợp pháp, kiếm được tiền mà em lại không dám làm?!

Ở Mỹ và Canada, người ta gọi bắt giun là nghề “săn trùn” hay còn gọi là “nghề lượm đô la”. Mùa săn trùn từ giữa tháng 4 đến hết tháng 9. Vào những ngày mưa, giun trong lòng đất chui lên nhung nhúc, con nào con nấy to và dài như chiếc đũa. Các chàng trai, cô gái, bà nông dân hay anh luật sư khi làm nghề bắt giun thì như nhau cả. Trán đeo đèn pin như bác sĩ tai mũi họng, quần áo mưa, lưng đeo bình sạc pin, tay đi bao, một bên chân đeo lon như lon sữa bột loại to, chân kia đeo lon cám để xoa vào tay chống trơn trượt.

Cả đêm, các “batgiuner” (một cách gọi vui) cúi lom khom trên mặt đất để vơ giun cho vào lon. Mỗi lon chừng 420 con, giá chừng trên dưới 20 đô la Canada một lon. Cao thủ trong nghề thì bắt được 60-70 lon, người “kém tắm” cũng chừng 40 lon. Cái giá của mỗi đêm kiếm được 300 đến cả ngàn đô la cũng không hề rẻ. Người mới vào nghề thì sau một đêm đi bắt giun, ngày hôm sau chỉ bò mà không thể đứng thẳng. Có người đầu hàng ngay sau buổi đầu tiên. Người khác thì vượt quanỗisợhãi–sợgiun,sợbẩnvìđất bùn trộn lẫn phân bò nhơ nhớp, khi đỡ đau lưng lại quyết tâm nhập cuộc. Tôi quen rất nhiều người đồng hương sau này trở thành chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh, có con cái thành đạt... đều khởi nghiệp từ nghề bắt giun như thế.

Nào, ta cùng đi bắt giun

Một cô tôi quen tên Giang, nghiện bắt giun đến nỗi bỏ cả cơ sở làm ăn ở Việt Nam để sang Canada làm farm, nuôi con du học. Cô kể: “Em làm farm nhưng chỉ để chờ đến mùa bắt giun. Em mê và nhớ bắt giun đến nỗi, chưa tới mùa săn trùn mà khi ngủ em đã mơ thấy giun bò khắp giường. Nhìn thấy chúng bò mà em sướng run người, cứ nghĩ đến con học hành thành đạt, mình lại có lưng vốn, còn giúp được cả bố mẹ anh chị em mà sướng”.

“Sao em gan vậy?”. Tôi gợi chuyện. “Hồi đầu em cũng sợ, sau em cứ lẩm nhẩm đếm,một lon là 20 đô, 10 lon là 200 đô... thế là quên sợ chị ạ”. Cô vừa cười vừa khóc kể.“Có một anh cũng đi bắt giun nhưng lại thích em. Thế là anh ấy cứ bò lê kéo càng bên cạnh em cả đêm để bắt giun.

Hôm nào em mệt, anh ấy bốc giun bỏ vào lon cho em. Có hôm đèn pin của em bỗng bị tắt, trong cơn say bắt giun, em giằng phắt đèn pin trên trán của anh ấy... thế là hai người chung nhau một cái đèn, em lom khom đi hướng nào, anh ấy lom khom theo hướng đó”. Cô lại cười váng nhà.

Bạn của Giang tên Chúc, chủ một tiệm nail cũng từng là một “batgiuner” nổi tiếng góp chuyện: “Ở nhà em là công chúa chị ạ. Thấy giun là em nhảy lò cò, hét lên vì sợ. Sang bên này em không còn đường lui, thế là theo bạn bè đi bắt giun. Hồi đầu em sợ đến độ sau mỗi đêm đi bắt giun là em ốm, sốt cao đến mê sảng. Sau quen. Cứ đếm tiền bán giun trong giấc ngủ, quên hết cả nỗi sợ”. Những đồng tiền từ công việc săn trùn này đã mang lại cho Chúc ngôi nhà, tiệm nail, nuôi hai con khôn lớn và giúp được bố mẹ ở Quảng Ninh.

Hồi mới sang Canada để chăm sóc thằng con đi du học, tôi đã nghe nhiều người Việt kể về những ngày đầu khởi nghiệp trên xứ lá phong. Bắt giun là nghề gây ám ảnh với tôi nhiều nhất. Có lẽ nó là nghề hợp pháp mang tính thử thách lớn nhất cho lòng can đảm của người Việt (mà nghe đâu nghề này được truyền lại từ người Italy và Bồ Đào Nha).

Săn trùn đã mở lối cho Kiên bước vào, Hồng em tôi thì gửi con cho một bà bác sĩ răng hàm mặt (sang Canada chăm con du học) để đi bắt giun cùng chồng. Em gái Hồng là Trang – một dịch giả có tên tuổi ở Việt Nam, theo kế hoạch cũng sang Canada vào giữa tháng Tư. “Nếu nó mà sang rồi thì đợt này em cũng đưa đi bắt giun chị ạ. Không làm lấy gì mà ăn. Mọi việc tính sau”. Hồng quả quyết.

Tôi đã qua cái tuổi có thể gập người bắt giun để mưu sinh vì chắc chắn tiền làm ra không lại được với tiền viện phí. Tôi chỉ có thể “kính nhi viễn chi”, nếu có ngắm những cặp môi tô son thì sẽ nghĩ ngay đến “những người bắt giun ”ở xứ lá phong huyền diệu. Đó là vì, giun được bán cho người sản xuất mỹ phẩm, trong đó có son môi.

Xem thêm

“Săn” hàng made in Vietnam ở nước ngoài

“Săn” hàng made in Vietnam ở nước ngoài

Người Việt sính hàng ngoại, nhưng nhiều tín đồ mua sắm lại không ngần ngại rút ví để trả cho một món hàng made in Vetnam. Đơn giản vì nó mang những thương hiệu quốc tế nổi tiếng, lại được bán ở Nhật,
Ghế nóng thơm như... miếng tóp mỡ!

Ghế nóng thơm như... miếng tóp mỡ!

Thời của internet, nhờ báo điện tử và các trang mạng xã hội, rất nhiều vấn đề nóng gây nhức nhối đã và đang được đem ra mổ xẻ, gây áp lực đáng kể lên những người có trách nhiệm, dù đó là ai, giữ vị tr
Nguy cơ từ “người khổng lồ vô hình”

Nguy cơ từ “người khổng lồ vô hình”

Trẻ em trong trường phổ thông ở Mỹ, Úc, châu Âu được dạy những bài học sơ khai về kinh doanh bằng những câu hỏi: 100 năm trước người ta bán hàng thế nào? Hiện nay ra sao và 10 năm sắp tới, hình thức b
Tiền nhiều để làm gì?

Tiền nhiều để làm gì?

Ai chả biết tiền nhiều để làm gì, vì kiếm được càng nhiều tiền càng tốt há chẳng phải là mục đích gần như tối thượng của nhiều người ư?

Có thể bạn quan tâm

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel vừa chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng dòng sơn ngoại thất Dulux Weathershield Royal Shine với tính năng tự làm sạch độc đáo. Đây là dòng sơn sở hữu công nghệ Hybrid Mineral tiên tiến, mang đến giải pháp bảo vệ vượt trội lên tới 12 năm dành cho phân khúc dinh thự cao cấp.

ROX Group xuất sắc nhận “cú đúp” giải thưởng tại APEA 2024

ROX Group xuất sắc nhận “cú đúp” giải thưởng tại APEA 2024

Chiến lược tái định vị thương hiệu ấn tượng cùng nỗ lực khẳng định vị thế trong nước và quốc tế đã giúp ROX Group ghi tên mình vào bảng vàng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” và “Thương hiệu truyền cảm hứng” của Asia Pacific Enterprise Awards (APEA) 2024...

Tetra Pak kỷ niệm 30 năm thành lập

Tetra Pak kỷ niệm 30 năm thành lập Tetra Pak Việt Nam

Với sứ mệnh "Bảo vệ chất lượng tốt: Thực phẩm, con người và hành tinh", Tetra Pak luôn hướng tới một tương lai bền vững, cung cấp thực phẩm an toàn và chất lượng, thúc đẩy hợp tác trong ngành, và dẫn dắt chuyển đổi bền vững mang lại lợi ích lợi tốt đẹp cho cộng đồng và môi trường.

TNL được vinh danh tại Dot Property Awards Vietnam 2024

TNL được vinh danh tại Dot Property Awards Vietnam 2024

Tại lễ trao giải Dot Property Awards Vietnam 2024, Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL (TNL Lease Property and Investment JSC) đã được vinh danh trong hạng mục Vietnam’s Best Real Estate Service Firms - Công ty dịch vụ bất động sản tốt nhất Việt Nam...