Tiền nhiều để làm gì?

Ai chả biết tiền nhiều để làm gì, vì kiếm được càng nhiều tiền càng tốt há chẳng phải là mục đích gần như tối thượng của nhiều người ư?

Nhưng khi một đại gia “tiền đông như quân Nguyên” phải thốt lên “Tiền nhiều để làm gì?”, người ấy hẳn phải thấy mình cay đắng, chua chát lắm.

“Có tiền mua tiên cũng được”

Tiền nhiều để lì xì! Lì xì để làm gì? Để cho đi và nhận lại niềm vui. Đơn giản với “tuổi teen” là thế.

Nhưng với một gia đình, DN và trên bình diện một quốc gia, tiền được định nghĩa đơn giản là sức mạnh.

Một gia đình mà các thành viên mải miết cày cuốc quanh năm mà vẫn “vắt mũi đút miệng” ắt sẽ không giống như một gia đình giàu có. Trong đó, cha mẹ được đi khắp nơi cùng chốn để biết thế giới dài rộng bao nhiêu, con cái có điều kiện học tập ở những nền tảng giáo dục tốt nhất, hứa hẹn một tương lai đẹp đẽ.

Một DN mạnh về tài chính sẽ có tiền để trả cho nhân sự giỏi, có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường.

Một quốc gia giàu có sẽ như thế nào?... Thiết nghĩ cũng chẳng cần diễn giải thêm làm gì vì trên bình diện quốc tế, có nhiều ví dụ để chứng minh, chân lý thuộc về kẻ mạnh.

Sức mạnh của đồng tiền rất lớn. Các cụ nói “Có tiền mua tiên cũng được. Không tiền mua lược không xong”. Tình yêu đôi lứa là sự gắn bó, hòa hợp của hai thể xác, tâm hồn, là một phạm trù rất thiêng liêng, đẹp đẽ, là nguồn cảm hứng của thơ ca nhạc họa… Ấy vậy mà chúng ta chứng kiến không ít câu chuyện tình được thêu dệt bởi đồng tiền, những cuộc hôn nhân “nằm ngoài cảm xúc”, không hề “môn đăng hộ đối” bởi sự chênh lệch bên ngoài “xa như mặt đất và bầu trời” của người trong cuộc. Có rất nhiều lý do để họ đến với nhau nhưng tựu trung lại đều do bản chất của hai giới là: “Đàn ông như mạt sắt, đàn bà như nam châm”. Mạt sắt mà rộng hầu bao, nam châm lại còn lung linh xinh tươi nữa thì khỏi nói, sự hấp dẫn của dấu cộng và dấu trừ nó mãnh liệt đến thế nào.

Sức mạnh của đồng tiền rất lớn. Các cụ nói “Có tiền mua tiên cũng được. Không tiền mua lược không xong”.

Người viết bài này đã từng rất ngây thơ (đầu 5 đuôi chơi vơi còn chưa hiểu chuyện) khi đi cùng một em xinh như mộng đến phỏng vấn một đại gia (đã có lịch hẹn giữa vị này và cô gái đó). Em xinh tươi còn non nghề báo nên phải cầu cứu bà chị đang độ gừng cay. Cuộc phỏng vấn gần như không thể bắt đầu vì vị đại gia này dường như chỉ dồn sự chú ý vào gương mặt của em gái kia. Ánh mắt say mê, rung động trước một bông hoa đang kỳ rực rỡ? Không! Tôi giật mình nhận thấy đó là ánh nhìn của kẻ lọc lõi trước người đẹp, là những phân tích, toan tính cho một ý đồ hay việc làm nào đó. Sau cùng, vị đại gia đứng lên nói, ông chuẩn bị mời cơm trưa một đoàn khách quan trọng. Chúng tôi cáo lui. Cô phóng viên trẻ vừa bức xúc vừa xấu hổ vì ông đại gia đã hẹn rồi còn cho cô chào cờ! Phải mất một lúc giải thích, vẽ ra các kịch bản thì cô gái mới mường tượng ra hình ảnh mình là chim mồi của một bữa tiệc ngoại giao, còn “củ gừng” đi cạnh chỉ là kẻ phá bĩnh bữa tiệc quan trọng của ông. Bài phỏng vấn không thành trở thành bài học cho người mới vào nghề.

Rồi người ta cũng quen dần với khái niệm đại gia và chân dài, bất luận nghịch cảnh đại gia chân cực ngắn và người đẹp chân cực dài. Ngon – ngu – ngoan là cụm từ được nhắc đến để cho thấy, tình yêu chỉ là thứ tình cảm xa xỉ và không còn tồn tại.

Khi đồng tiền bỗng trở thành vô nghĩa

Đồng tiền mang lại cho người ta quá nhiều giá trị. Điều đó không thể phủ nhận. Đó là một cuộc sống sung túc, thích gì được nấy. Đó là những cuộc vui bất tận được đốt cháy bởi những đồng bạc xanh. Đó là “buôn tài không bằng dài vốn”. Có vốn ắt đi được đường xa, có cơ may trở thành con cá lớn để nuốt được nhiều cá nhỏ, để lớn mạnh hơn nữa…

Nhưng, nghịch lý lại ở chỗ, con người ta không chỉ có nhu cầu tiền bạc để thỏa mãn mọi nhu cầu, trong đó có cả những nhu cầu tế nhị, thuộc về cá nhân. Người ta luôn cần nhiều hơn thế, nhiều đến nỗi sau cùng cuộc đời bị mất phương hướng, đồng tiền kiếm được bởi bao công sức bỗng một ngày chỉ là tờ giấy bạc.

Có gia đình nào hạnh phúc mà ông chồng thuộc về thế giới của những người đẹp, với những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, với những mối tình một đêm hay nhiều đêm. Có bà vợ nào đủ kiên nhẫn để ngày ngày chờ chồng về bữa cơm tối mà thời gian không định trước. Có người vợ hiện đại nào đêm đêm ôm con ru hời suốt canh thâu để sáng ra cuống cuồng đưa con đến nhà trẻ còn mình thì lao đến chỗ làm, trong khi ông chồng làm gì, ở đâu không ai biết?!

Còn lý thì còn tồn tại, hết lý thì… toang

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã được gặp biết bao nhiêu nữ đại gia tài ba lỗi lạc mà trong lòng là một biển cả cô đơn - vì phía sau là một khoảng trống, không có được người đàn ông của mình làm điểm tựa. Với những gì đã trải, tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng: Người tôi khâm phục nhất là các nữ doanh nhân và người tôi thương nhất cũng là các nữ tướng đó. Trong vai thuyền trưởng của một DN, đối mặt với thương trường khốc liệt, vì sự tồn tại và phát triển của DN và cả nồi cơm của chính người lao động, họ đã dành rất nhiều sức lực để bứt phá trong cuộc đua mà ai cũng cần về nhất. Cũng cần phải nhớ một điều, bên cạnh vai thuyền trưởng, họ còn là những bà mẹ tuyệt vời của những đứa con. Đơn giản chỉ vì họ là những bà mẹ được thực hiện thiên chức của mình.   

Tiếc rằng, vì rất nhiều lý do mà hiếm có nữ doanh nhân hay chính trị gia nào có được hạnh phúc đúng nghĩa. Lý do dễ thấy nhất là những đức ông chồng kia mấy ai chịu làm người “nâng khăn sửa túi” cho các bà. Dù có tài hay không tài thì trong quan niệm của họ, người vợ chính là nội tướng, là bệ phóng của các ông, dù chẳng biết “phóng” các ông đi đâu?!

Một nữ đại gia, trong một lần tiếp phóng viên của báo tôi, sau khi mở lòng tâm sự về nỗi cô đơn của mình đã dốc cả túi kim cương cho cô nhà báo xem, với lời chia sẻ: Đồng tiền kiếm được vô cùng nhọc nhằn và trả giá không ít. Nhưng khi có nhiều tiền, thậm chí rất nhiều tiền… cả vốc kim cương này bỗng không còn mấy ý nghĩa. Nữ đại gia này giờ đã giã biệt thương trường, trở về làm người bà ngày ngày vui vầy với cháu nội.

Có đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực y học tư nhân, sau nhiều năm chia tay người vợ  từng chia ngọt sẻ bùi với mình, ông cũng có khá nhiều người đẹp đi lướt qua cuộc đời. Trong một lần phỏng vấn về ý nghĩa của đồng tiền và cảm xúc trong tình yêu, ông dốc bầu tâm sự với tôi: “Em tưởng anh không khao khát tình yêu à? Nhưng anh biết tìm nó ở đâu khi mà phụ nữ đến với anh chỉ vì yêu cái túi tiền của anh”. Thật trớ trêu, người đàn ông rất giàu có, thành đạt cả về con đường kinh doanh và chính trị (sau này trở thành ông nghị) đến lúc cũng phải giã từ tất cả, hai tay buông xuôi để về với đất trong sự cô đơn tột cùng, vì trong ông vẫn khắc khoải một câu hỏi: “Tình yêu ơi, người ở nơi đâu?”.

Nhưng khi có nhiều tiền, thậm chí rất nhiều tiền… cả vốc kim cương này bỗng không còn mấy ý nghĩa.

Công bằng mà nói, trong rất nhiều nghịch cảnh của cuộc sống, sức chịu đựng của phụ nữ bền vững hơn đàn ông rất nhiều. Khi cần buông bỏ là phụ nữ dễ dàng buông bỏ, trở về làm mẹ, làm bà, vui vầy bên con cháu, tìm thấy ý nghĩa lớn lao trong sự chăm sóc, giúp đỡ người thân hay làm những công việc thiện nguyện. Ngược lại, đàn ông dù có dăm ba bà vợ, hàng tá nhân tình, nhiều khi chính họ mới rơi vào cảnh “chòng chành như nón không quai”, chỉ vì suốt đời không lý giải được câu hỏi “Tiền nhiều để làm gì? Tình yêu ơi, người ở đâu?”.

Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, chỉ trong vòng vài thập kỷ đã trở thành quốc gia có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Quốc gia này cũng chứng kiến nhiều vụ động trời về quan hệ tình – tiền mà nổi tiếng là các vụ án Bạc Hy Lai, Lưu Chí Quân… Thôi thì cũng là câu chuyện đại gia – chân dài muôn thuở, mỗi người đều tìm kiếm cái mình cần. Chỉ có điều, sau tất cả những cuộc vui trác táng vô tiền khoáng hậu là một bản án mang dấu chấm hết – cả tính mạng và tài sản – đối với các đại gia đó thì tiền nhiều đúng là chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Vòng luẩn quẩn của đồng tiền

Thế giới đang loạn lên bởi con virus corona. Dưới kính hiển vi, nó có hình thù như quả chôm chôm, râu lông tua tủa… Sức mạnh tàn phá của nó khủng khiếp khiến hơn trăm ngàn người nhiễm bệnh, hàng ngàn người tử vong, hàng ngàn ngàn tỷ USD đi tong và đẩy thế giới vào một cơn suy thoái không đỡ nổi.

Lúc này đồng tiền không còn chiếm thế thượng phong nữa. Cứu sinh mạng, giữ cho cơ thể không nhiễm bệnh mới là ưu tiên hàng đầu. Chính trị gia cũng chết. Đại gia cũng chết. Bác sĩ hiểu tường tận về ngành y cũng chết… Con virus nó không từ ai. Cứ cơ thể suy yếu là nó tấn công và đẩy người ta xuống địa ngục. Trong cơn tuyệt vọng, người ta chỉ còn nghĩ đến được sống, được hít thở không khí, được ngắm nhìn trời xanh chứ tiền bạc lúc này đâu còn ý nghĩa. Chả thế mà trong khi cả thành phố Vũ Hán bị cách ly, có đại gia đã leo lên tầng cao, tung hàng bao tiền xuống đất – như một lời trăng trối cho chuỗi ngày khổ ải kiếm tiền.

Ý thức rõ nhất lúc này là, tiền không mua được sự sống. Tiền cũng không mua được cả ý thức trách nhiệm chống lây nhiễm trong cộng đồng. Thế mới thành đại dịch. Thế mới tốn tiền, tốn công sức dập dịch.

Chỉ có điều, sau mỗi lần thế giới gặp hoạn nạn, một trật tự mới sẽ được mở ra nhưng quan niệm, ý nghĩa về đồng tiền của nhiều người chắc chắn sẽ không đổi vì đồng tiền có sức hấp dẫn khủng khiếp, còn hơn nam châm với mạt sắt. Một vòng luẩn quẩn lại bắt đầu!

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…