Chính phủ đồng ý mở lại đường bay quốc tế với vùng an toàn

Thủ tướng giao Ban chỉ đạo công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay quốc tế tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19.
Chính phủ đồng ý mở lại đường bay quốc tế với vùng an toàn

Phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường hoạt động trở lại; giao Ban Chỉ đạo công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay quốc tế...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam thời gian qua là rất đáng trân trọng. Gần 2 tháng qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, giúp toàn dân yên tâm, vui mừng.

Về quan điểm phát triển trong giai đoạn này, Thủ tướng nêu rõ an toàn để phát triển, phát triển bền vững trong tình hình bình thường mới. Trong phát triển, phải xem xét, nghiên cứu tình hình thế giới và liên hệ với tình hình Việt Nam, đặc biệt khi nước ta hội nhập sâu rộng.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc phát triển kinh tế - xã hội trong nước là chính, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho tương lai gần để mở cửa hội nhập, tiếp tục xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới.

Trong mở cửa, không chỉ chú ý đến kinh tế mà chú ý cả quan hệ chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là các đối tác mà dịch bệnh đã giảm hẳn.

Về việc mở các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh, không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ào ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước.

Đồng ý với các đề xuất tại phiên họp cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaoke, nhưng Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng kiểm soát những hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở này, đặc biệt là buôn bán, sử dụng ma túy.

Bộ Tài chính trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế, trên cơ sở quy định pháp luật, xem xét việc thu phí cách ly, đặc biệt là thu phí điều trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.Việc đề xuất cách ly, điều trị có thu phí phải nghiên cứu để vận dụng một cách phù hợp, chặt chẽ, tiết kiệm ngân sách, không gây phiền hà cho người dân.

Đối với doanh nhân người Việt Nam, học sinh, sinh viên, người già… có nhu cầu về nước mà chưa về được, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa ra các tiêu chí cụ thể, mở kênh đăng ký cho người dân, kể cả các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ngành Hàng không tổ chức và tăng tần suất các chuyến bay đưa các đối tượng này về nước trên tinh thần nhân văn, tạo thuận lợi.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Thu Sa

Nghị quyết 68 là “cuộc cách mạng” về tư duy và thể chế

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng nên mạnh dạn trao lại những quyền chính đáng cho doanh nghiệp, bảo đảm các quyền cơ bản như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước...

Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia

Nghị quyết nêu rõ nguyên tắc sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm.