Chính phủ nêu lý do đề xuất tăng thêm hơn 27.000 tỷ vốn điều lệ cho Vietcombank

Vietcombank được đánh giá là ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả nhất và có chất lượng tài sản tốt nhất, tổng tài sản liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2019-2023)…

Việc tăng vốn cho Vietcombank trong tương lai sẽ là tiền đề để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế
Việc tăng vốn cho Vietcombank trong tương lai sẽ là tiền đề để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế

Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Nếu được thông qua, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 55.891 tỷ đồng lên 83.557 tỷ đồng.

Tại kỳ họp, thừa ủy quyền Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề xuất tăng vốn điều lệ cho Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại với số tiền 27.666 tỷ đồng, trong đó phần vốn bổ sung của cổ đông Nhà nước là 20.695 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Chính phủ, Vietcombank đang là ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả nhất và có chất lượng tài sản tốt nhất. Giai đoạn 5 năm vừa qua (2019-2023), tổng tài sản của ngân hàng tăng trưởng với mức bình quân từ 10,6%/năm đến 14,6%/năm. Tỷ lệ nợ xấu năm 2023 là 0,99% (kiểm soát dưới 1%). Lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 26%/năm. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản, vốn chủ sở hữu (ROA, ROE) bình quân ở mức xấp xỉ ở mức 1,6% và 23%. Nhưng để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, mở rộng quy mô cấp tín dụng và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tài trợ cho các dự án trọng điểm… Vietcombank cần tăng quy mô vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, cũng theo Chính phủ, việc một số ngân hàng thương mại của Việt Nam nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á vẫn chưa thể hiện thực hoá, lý do thì nhiều nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là bài toán tăng vốn điều lệ, đặc biệt là với ngân hàng cổ đông nhà nước chi phối vốn. Do nhiều yếu tố tác động dẫn đến vốn điều lệ bị bó hẹp nên các ngân hàng chưa thể mở rộng quy mô hoạt động như mong muốn.

"Việc đầu tư bổ sung vốn giúp cho Vietcombank nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á; khẳng định vai trò sếu đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Việc tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để Vietcombank nâng cao năng lực tài chính, có nguồn lực để cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn. Nhiều năm qua, Vietcombank đóng vai trò là kênh tài trợ vốn chủ lực cho các công trình trọng điểm quốc gia và các ngành kinh tế mũi nhọn, tái cấu trúc tài chính nhằm tối ưu hoá chi phí vốn cho khách hàng.

Trong phiên họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho hay, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Vietcombank sẽ giúp bảo đảm duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Vietcombank trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp như phát triển các lĩnh vực ưu tiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, theo Chính phủ, việc tăng vốn cho Vietcombank là điều kiện cần thiết để ngân hàng này có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế.

Phía Vietcombank cũng bày tỏ, nếu việc tăng vốn điều lệ cho Vietcombank được thông qua và sớm triển khai, sẽ là tiền đề để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế theo định hướng của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tiến trình "hoá Rồng" của Việt Nam vào năm 2045.

Trong 10 năm qua (2014-2023), tổng số nộp ngân sách Nhà nước của Vietcombank đạt trên 71.000 tỷ đồng, trong đó thuế nộp ngân sách Nhà nước đạt khoảng 53.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 3 năm 2021, 2022, 2023, nhà băng này đã nộp vào ngân sách Nhà nước khoảng 29.000 tỷ đồng, đứng đầu ngành ngân hàng và duy trì vị thế là một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất nền kinh tế.
Đáng chú ý, nguồn vốn mà Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ là từ phần lợi nhuận giữ lại hàng năm sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Do vậy, không ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách Nhà nước, không gây áp lực lên cân đối ngân sách quốc gia.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm