Yeah1 có thể phải chi cả trăm tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ nhằm "hãm phanh" giá YEG lao dốc mất 66%
Vì sao gom lại 10% lượng cổ phiếu?
Cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố kinh doanh kênh Youtube, được công bố ngày 4/3 vừa qua. Kể từ đó đến nay, cổ phiếu YEG đã giảm sàn 12 phiên liên tiếp, từ mức 249.800 đồng/CP xuống chỉ còn 102.800 đồng/CP, mất tới gần 60% thị giá so với trước khi tin xấu “bung” ra thị trường. Nhiều phiên giao dịch gần đây, YEG chỉ có lệnh chất bàn sàn ngay từ đầu phiên, với dư bán sàn hơn 2 triệu đơn vị, còn bên mua trống trơn...
Giá trị vốn hoá của tập đoàn truyền thông hàng đầu này đã “bốc hơi” hơn 4.600 tỷ đồng trong chưa đầy nửa tháng xảy ra bê bối…
Trước diễn biến tiêu cực của cổ phiếu YEG, ngày 18/3, Hội đồng quản trị Yeah1 đã quyết định thông qua việc mua lại 3.127.990 cổ phiếu quỹ, chiếm 9,999% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ khi được UBCK chấp thuận và nguồn tiền mua lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu… Trước đó vài ngày, Yeah1 đã dự tính chỉ mua 600.000 cổ phiếu quỹ song đến giờ quyết định tăng khối lượng “gom” hàng gấp 5 lần.
Với mức giá hiện tại 102.800 đồng/CP, Yeah1 có thể phải chia ra khoảng 322 tỷ đồng để gom đủ số lượng cổ phiếu quỹ nêu trên.
Động thái mua gần 10% cổ phiếu quỹ của Yeah1 được kỳ vọng sẽ hãm phanh đà rơi quá sâu của cổ phiếu trên sàn, giúp chấn an tâm lý nhà đầu tư, hạn chế bán tháo và giảm thiệt hại cho cổ đông…
Vậy vì sao Yeah1 lại chỉ mua vào 10% cổ phiếu lưu hành và chờ đợi YEG giảm 60% thị giá mới tiến hành gom hàng “bắt dao rơi” trong khi nhà đầu tư nhỏ lẻ đứng ngoài cuộc?
Xét trong cơ cấu cổ đông, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Yeah1 hiện sở hữu hơn 11,43 triệu cổ phiếu YEG, chiếm 36,54%. Các cổ đông lớn khác gồm: Hồ Ngọc Tân nắm 12,5%, Ancla Asset Limited nắm 10,93%, DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd nắm 6,84%, Macquarie Bank Limited OBU nắm 64,87%, ông Đào Phúc Trí nắm 3,82%… Tổng sở hữu của các cổ đông này lên tới 75,5% cổ phần lưu hành công ty, chỉ còn khoảng 24,5% lượng cổ phần lưu hành “trôi nổi” ngoài thị trường. Do đó, nếu Yeah1 gom được 10% cổ phiếu YEG trong thời gian tới thì lượng trôi nổi giảm xuống còn 14,5% (khoảng 4,54 triệu cổ phiếu), làm tăng tính “cô đặc” sở hữu tại công ty, giúp cho việc kiểm soát giá cổ phiếu dễ hơn…
Cơ cấu cổ đông "cô đặc" khi các nhóm cổ đông nắm trên 75,5% cổ phần Yeah1
Nghi vấn “tay trái” bán, “tay phải” mua?
Theo Nghị quyết số 1803A/2019/NQ/HĐQT/YEG ban hành ngày 18/3/2019 do ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống ký, Yeah1 muốn mua lại tối đa 3.127.990 cổ phiếu YEG nhằm mục đích giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cổ đông. Nguồn mua cổ phiếu quỹ sẽ lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và vốn chủ sở hữu khác theo quy định pháp luật.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 (chưa kiểm toán), vốn chủ sở hữu của Yeah1 tại ngày 31/12/2018 là hơn 1.585 tỷ đồng, trong đó, có hơn 1.132 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, 101 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối…
Đáng chú ý, số tiền hơn 1.132 tỷ đồng thặng dư cổ phần trên sổ sách Yeah1 có được là nhờ phát hành riêng lẻ 3,91 triệu cổ phần cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống vào tháng 8/2018. Mức giá mà ông Tống phải trả cho Yeah1 là 300.000 đồng/CP, tức hiện cổ đông này đang bị lỗ mất 66% khoản đầu tư (lỗ khoảng hơn 770 tỷ đồng)…
Nhờ nguồn tiền mua cổ phần của ông Nhượng Tống đã giúp Yeah1 tăng vốn điều lệ, tạo ra khoản thặng dư cổ phần “khủng” trên báo cáo tài chính. Nhất là xác lập mức giá phát hành cao kỷ lục gây chú ý cho thị trường cũng như tạo kỳ vọng tăng giá cổ phiếu “ăn theo” cổ đông lớn.
Nếu như tới đây Yeah1 mua lại 3,12 triệu cổ phiếu quỹ ở thời điểm thị giá YEG đang rẻ hơn 66% giá phát hành cho ông Nhượng Tống, thì Yeah1 lập tức sẽ có “chênh lệch” tạm tính khoảng hơn 615 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn nếu YEG tiếp tục giảm sâu… nhờ “bán cao- mua thấp” chính cổ phiếu doanh nghiệp mình.
Một giả thiết được đặt ra là dòng tiền từ túi cổ đông (ông Nhượng Tống) chảy sang Yeah 1 thông qua mua cổ phần riêng lẻ, đã tạo nguồn vốn chủ sở hữu khủng, giúp xác định giá cao cho cổ phiếu YEG sau lên sàn và tăng vốn điều lệ.
Để rồi chỉ 8 tháng sau đợt phát hành cho ông Nhượng Tống, Yeah1 lại chi hàng trăm tỷ để mua lại cổ phiếu YEG, nói cách khác tiền lại chảy từ Yeah1 sang túi nhà đầu tư thông qua giao dịch trên sàn.
"Điều này làm dấy lên nghi vấn có hay không hàng triệu cổ phiếu YEG đã và sẽ được giao dịch mua bán theo kiểu từ “tay trái” bán sang “tay phải” trong một chu trình hết sức tinh vi? Và tới đây ai sẽ bán ra 3,12 triệu cổ phiếu YEG cho chính công ty để thu về hàng trăm tỷ đồng, là điều đáng quan tâm?
Hơn nữa, nếu như Yeah1 dùng chính nguồn thặng dư cổ phần để mua lại cổ phiếu quỹ (dự tính khoảng 320 tỷ đồng) thì về bản chất, vốn chủ sở hữu Yeah1 sẽ bị giảm đi số tiền tương ứng, làm thay đổi các cơ sở tính giá trị cổ phiếu YEG.
Theo dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào năm 2020, công ty mua lại cổ phiếu quỹ của chính mình sẽ phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phiếu mua lại trong vòng 10 ngày kể từ khi hoàn tất mua cổ phiếu quỹ.
Cổ phiếu YEG đã lao dốc không phanh sau bê bối Youtube dừng hợp tác kinh doanh
Sau 8 tháng niêm yết trên sàn HoSE, cổ phiếu YEG được xem như hiện tượng lạ bởi mức giá chào sàn cao kỷ lục 300.000 đồng/CP, tăng trần vài phiên lên đỉnh 350.000 đồng/CP, rồi giảm xuống đáy 181.000 đồng/CP... Diễn biến giá YEG luôn trong trạng “lên cao tít, xuống mất hút” với biên độ tăng trần – giảm sàn mà không rõ lý do, khiến nhà đầu tư hoài nghi cổ phiếu YEG bị “thổi giá” quá cao và có dấu hiệu làm giá trên sàn. Ngày 4/3/2019, cổ phiếu YEG bắt đầu chuỗi ngày lao dốc không phanh với 12 phiên giảm sàn liên tục, về mức 102.800 đồng/CP, mất 66% thị giá sau thông tin YouTube sẽ dừng hợp tác kinh doanh với Yeah1. |
>> Sau tin Youtube “dứt tình”, cổ phiếu “thánh gióng” Yeah1 giảm sàn liên tiếp
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu