Chủ bãi rác Đa Phước thu hàng trăm tỷ lợi nhuận mỗi năm dù chịu tai tiếng về mùi hôi thối

Doanh thu và lợi nhuận của VWS tăng gần gấp đôi sau 3 năm với tổng tài sản đến cuối năm 2016 gần 2.500 tỷ đồng.
Chủ bãi rác Đa Phước thu hàng trăm tỷ lợi nhuận mỗi năm dù chịu tai tiếng về mùi hôi thối

Là chủ đầu tư của dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Công ty TNHH Xử Lý Chất Thải Việt Nam (VWS) gần đây chịu không ít tai tiếng về việc vận hành bãi xử lý rác có thể tích 3 triệu m3 này. Dự án này được cho là nguyên nhân chính khiến những người dân tại "khu nhà giàu" Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP HCM không dám về nhà do mùi khó chịu.

Tuy nhiên, trái ngược với những tai tiếng về khâu vận hành, bãi rác Đa Phước vẫn mang về cho VWS hàng trăm tỷ lợi nhuận mỗi năm. Trong ba năm từ 2014 – 2016, doanh thu của VWS tăng từ 491 lên 822 tỷ đồng với lợi nhuận tăng hơn gấp đôi lên 281 tỷ.

Xử Lý Chất Thải Việt Nam (VWS) là công ty thành viên 100% vốn của California Waste Solution (CWS), có trụ sở tại California, Hoa Kỳ. Những dịch vụ mà công ty này cung cấp bao gồm tư vấn kỹ thuật, thiết kế -xây dựng, và tiến hành xử lý chất thải rắn cũng như vận hành các nhà máy xử lý. VWS là đơn vị chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Đa Phước. Dự án này được xây dựng ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam với tổng vốn đầu tư vào dự án này là trên 100 triệu USD.

Hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, nguồn thu chính của VWS đến từ việc xử lý rác cho TP HCM và một số tỉnh lân cận, với nguồn chi trả chủ yếu là ngân sách của các thành phố.

Doanh thu của đơn vị này sẽ phụ thuộc vào lượng rác thải tiếp nhận và đơn giá xử lý tính trên mỗi tấn rác. Là đơn vị quản lý khu chôn lấp rác lớn nhất TP HCM, VWS cũng có ưu thế đáng kể trong việc đàm phán đơn giá xử lý. Mỗi ngày, bãi rác Đa Phước do VWS quản lý tiếp nhận khoảng 5.800 tấn rác, chiếm 66% tổng lượng rác tại TP HCM.

Mặc dù giới thiệu là công ty nước ngoài với các công nghệ xử lý rác tiên tiến, nhưng phần lớn lượng rác tại Đa Phước được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Đây là hình thức "thô sơ" nhất trong các biện pháp xử lý và cũng là cách thức có chi phí thấp nhất. Điều này cũng lý giải tại sao biên lợi nhuận trước thuế trên doanh thu của VWS đạt tới 34% trong năm 2016.

Trong kết luận của Thanh tra TP HCM đầu năm 2016, giá xử lý rác tại Đa Phước cũng cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng (tương đương 3 USD) so với Công ty TNHH Môi trường đô thị thành phố.

Cũng theo kết luận của đơn vị thanh tra, với đơn giá này, chỉ tính riêng việc chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày từ khu xử lý rác Phước Hiệp (đã được UBND TP HCM quyết định đóng cửa) về Đa Phước, mỗi năm ngân sách thành phố phải chi thêm khoảng 48 tỷ đồng.

Với quy mô dự án được mở rộng và lượng rác tiếp nhận ngày càng tăng, không khó giải thích tốc độ tăng trưởng chóng mặt của VWS trong những năm gần đây, bất chấp những tai tiếng về hoạt động.

Theo Tuyết Lan/Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm