Liên quan thế nào ?
Trong số 4 bất động sản rao bán này, Khu công nghiệp Phong Phú huyện Bình Chánh (TP.HCM) có giá chào khởi điểm là 7.600 tỷ đồng. Dự án này do Công ty CP KCN Phong Phú làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp do Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) chiếm 70% vốn điều lệ. BCCI và Công ty chế biến lâm sản Đông Anh là 2 doanh nghiệp “đặt nền móng” cho ông Trầm Bê đặt chân và thành danh trên thị trường bất động sản, và vươn tay sang lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Bất động sản thứ 2 mà Sacombank rao bán để thu hồi nợ là Dự án Khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao thuộc Tiểu khu 3 - Khu dân cư Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân). Đây là do Công ty Cổ phần Đầu tư khu đô thị mới Sài Gòn – doanh nghiệp có chủ đầu tư là người thân trong gia đình ông Trầm Bê. Đây cũng là khu vực mà gia đình ông Trầm Bê sở hữu nhiều bất động sản nhất.
Dự án thứ 3 được rao bán là khu dân cư Bình Thủy, Cần Thơ. Đây là dự án có nguồn gốc từ đất quốc phòng. Khu đất dân cư này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận - doanh nghiệp có liên quan tới ông Trầm Bê từ rất sớm.
Tại khu vực này hiện còn có bệnh viện đa khoa Triều An, thuộc một phần sở hữu của ông Trầm Bê và con gái. Bệnh viện này là khoản đầu tư tốt của gia đình ông Trầm Bê với hoạt động và tăng trưởng ổn định. Báo cáo kết quả kinh doanh Quý 2/2018 của bệnh viện ghi nhận doanh thu 121 tỷ đồng, tăng trưởng gần 9%, biên lãi gộp 21%. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 12 tỷ đồng, tăng trưởng 70% so với Quý 1/2017.
Dự án thứ 4 Sacombank rao bán để thu hồi nợ là khu nhà ở Long Bình thuộc Quận 9. Đây là một trong những khu đất thuộc quyền sở hữu của Trầm Bê và gia đình.
Thông tin cập nhật cho biết, sau những phiên xử liên quan tới đại án của ông Phạm Công Danh, ông Trầm Bê đã không kháng cáo bản án 4 năm tù ông bị tuyên chịu trong vụ án này.
Thông tin bổ sung, đây không phải 4 bất động sản duy nhất liên quan tới ông Trầm Bê bị Sacombank rao bán. Trước đó, Sacombank cũng đã rao bán 3 lô đất ở khu Công nghiệp Đức Hòa III - Long An với giá trị gần 10.000 tỷ đồng, cả 3 lô đất đều liên quan tới ông Trầm Bê.
"Điều đó cũng đồng nghĩa với việc trong giai đoạn có ảnh hưởng chi phối tại Ngân hàng Phương Nam và Sacombank, số nợ liên quan tới ông Trầm Bê từ hai ngân hàng này không dừng lại ở hơn 30.600 tỷ đồng, mà còn ở mức rất lớn khác.
Hiện, số nợ liên quan tới ông Trầm Bê tại Ngân hàng Phương Nam và tại Sacombank sau sáp nhập ngân hàng Phương Nam chưa được công bố.
“Bạn cũ”
Chuyện Sacombank xử lý nợ liên quan tới ông Trầm Bê, về nguyên tắc, là nghiệp vụ xử lý nợ thuần túy. Với Sacombank, mục tiêu cụ thể là đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu về dưới 3% theo quy định của NHNN vào cuối năm nay. Nhưng nhìn từ quan hệ của giới chủ ngân hàng, việc ông Dương Công Minh đẩy nhanh xử lý di sản của ông Trầm Bê tại Sacombank lại hàm chứa nhiều suy đoán khác.
Thông tin cho đến giờ đã không còn mới mẻ, giai đoạn ngân hàng Phương Nam, với chèo lái của ông Trầm Bê (trước 2013), đã đóng vai trò nòng cốt trong nhóm các ngân hàng hợp lực thâu tóm Sacombank.
Nói nhóm, vì trong đó, có ngân hàng đã trực tiếp cho vay tạo nguồn tài chính thu gom cổ phiếu Sacombank. Nhưng cũng có ngân hàng đứng ra bảo lãnh, để làm “tròn” quy trình vay vốn sử dụng vào việc thâu tóm đó.
Trong số các ngân hàng này, có sự xuất hiện của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) – khi ấy vẫn chịu chi phối của Tập đoàn Him Lam và gia đình ông Dương Công Minh – Chủ tịch Sacombank hiện tại.
LienVietPostBank đã tham gia bảo lãnh cho một số cá nhân vay tiền mua cổ phiếu Sacombank, sau đó LienVietPostBank cũng trực tiếp sở hữu lượng cổ phần tương đương 5 % vốn điều lệ của Sacombank… là điều cho đến sau khi ông Trầm Bê bước chân vào Sacombank mới được rõ ràng, công khai.
"Cho đến nay, chưa rõ ông Dương Công Minh – trong tư cách Chủ tịch LienVietPostBank giai đoạn này – có biết việc bảo lãnh cho vay nhằm thôn tính Sacombank ? Hay ông Minh có trực tiếp hoặc cùng gia đình, pháp nhân nào cho vay và tham gia vào quá trình thôn tính Sacombank cùng nhóm ông Trầm Bê ?
Tất nhiên đó chỉ là câu hỏi tu từ. Vì ông Dương Công Minh, LienVietPostBank, hay chính Sacombank hiện tại không nhất thiết phải trả lời rõ ràng. Một cách công khai, không có quy định, hay định chế, nào yêu cầu làm rõ điều đó. Và có rõ thì cũng không để làm gì, khi câu chuyện về màn thôn tính của ông Trầm Bê đang khép lại, một cách có hậu với Sacombank, trong sự im lặng của những người khai sinh ra ngân hàng này.
Có tin LienVietPostBank đã bán hết lượng cổ phần Sacombank đã nắm giữ, người mua lượng cổ phần này hiện cũng chưa rõ danh tính.
Sau khi sáp nhập ngân hàng Phương Nam và Sacombank, những trụ đỡ cho vị trí của ông Trầm Bê dần suy yếu, và những chiêu trò thao túng tài chính của ông cũng dần lộ diện…
Tại Sacombank, liều thuốc độc – khối nợ khổng lồ nhận từ ngân hàng Phương Nam - đã khiến ngân hàng này đối diện với khủng hoảng. Nhưng ngay cả khi ấy, không có chuyên gia, chủ ngân hàng nào nhầm lẫn về tiềm năng, vị thế hàng đầu của Sacombank trong số các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam.
Có rất nhiều ứng viên, nhiều nhóm doanh nhân được cho là có thể ngồi vào ghế nóng Chủ tịch Sacombank, chèo lái ngân hàng qua giai đoạn khó khăn. Trong số đó, có cả cộng sự lâu năm của ông Dương Công Minh tại LienVietPostBank – ông Nguyễn Đức Hưởng.
Tuy nhiên, sau tất cả, những ứng viên cho ghế nóng Chủ tịch Sacombank – bao gồm cả nhân sự do NHNN giới thiệu, và gia đình ông Đặng Văn Thành, người góp công lớn dựng ra cơ đồ của Sacombank trước khi bị nhóm Trầm Bê thôn tính – đều rút lui.
Khi ấy, ông Dương Công Minh đã nổi lên thành ứng viên duy nhất, không thể tốt hơn, cho vị trí Chủ tịch Sacombank.
Mọi diễn biến cho sự xuất hiện của ông Dương Công Minh tại Sacombank đã diễn ra một cách không thể kịch tính, đương nhiên, và hoành tráng hơn, như thế.
Trái với sự mong manh về thông tin có liên quan trong giai đoạn nhóm Trầm Bê thôn tính Sacombank, kế hoạch đưa ngân hàng này khỏi khủng hoảng của ông Dương Công Minh.... là vô cùng rõ ràng.
Vừa lên nắm quyền tại Sacombank, Chủ tịch Dương Công Minh cam kết, trong 5 năm, nếu không xử lý được nợ xấu của Sacombank, ông sẽ từ chức.
Cam kết của ông Dương Công Minh hẳn sẽ là phát ngôn đậm chất "võ biền", nếu ông không nắm rõ nội tình, thực lực của Sacombank trong tay.
Thực tế, từ khi lên nắm quyền (tháng 6/2017) đến nay, Chủ tịch Dương Công Minh đã tăng tốc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu Sacombank. Với những gì đang diễn ra tại Sacombank, ông Dương Công Minh đang tiến chắc, đúng tiến độ trong thực hiện lời “hứa” xử lý nợ xấu của ngân hàng này.
Trong sự nhanh ấy, khối nợ khổng lồ liên quan tới ông Trầm Bê là phần việc ông Dương Công Minh tập trung xử lý quyết liệt và gấp rút nhất.
Hẳn nhiên, dọn xong khối nợ này cũng là cách nhanh nhất đưa hiệu quả Sacombank gia tăng, và cũng là cách nhanh nhất xóa đi bóng dáng ông Trầm Bê tại ngân hàng này.
Ông Dương Công Minh đã cho thấy năng lực tuyệt vời, trong kết nối nhiều mục đích vào một thao tác, theo cách ấy.