Chủ tịch HBA - VACOD: Cần công khai tính "không hồi tố" trong việc áp dụng Luật PCCC, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC

Ngày 10/5, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Công an, TP. Hà Nội, TP. HCM và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nhằm xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Cuộc họp có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; các Bộ (Bộ Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Ủy ban nhân dân các Thành phố (Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Ngô Minh Châu). 

Đặc biệt, cuộc họp có sự tham dự của đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp: Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội – HBA; Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM – HUBA; Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam - VACC; Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD; Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - VASI; Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Việt Nam - VFRA.

Theo đó, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội - HBA, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, đã tham dự cuộc họp.

Luật PCCC
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ban, ngành, và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nhằm xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Mở đầu cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc tổ chức cuộc họp này là vô cùng quan trọng nhằm tìm ra các giải pháp để giải quyết vấn đề vướng mắc và gây những hậu quả nghiêm trọng trong phòng cháy chữa cháy (PCCC) thời gian qua. Cụ thể, nhiều vụ cháy đã gây thiệt hại về người, về của. Để từ đó tham mưu cho Thủ tướng, Chính phủ có quyết định giải quyết vấn đề này.

Phó Thủ tướng chỉ ra một số nguyên nhân của các bất cập, khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện trong công tác PCCC. Đó là sự thiếu quan tâm, không tuân thủ đầy đủ quy định về PCCC của các chủ đầu tư, doanh nghiệp tổ chức, cá nhân. Các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC còn thiếu đồng bộ, chưa tương thích với các quy định pháp luật khác. Quá trình ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC chưa tiếp nhận đầy đủ ý kiến từ các chủ thể chịu tác động, điều chỉnh; chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam; chưa lường trước những vấn đề có thể phát sinh khi áp dụng.

Luật PCCC
Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà

Bộ Công an: Có những khu công nghiệp, cụm công nghiệp không có bất cứ một thủ tục gì về PCCC vẫn hoạt động

Theo đại diện Bộ Công an, qua kết quả rà soát và thống kê, trên toàn quốc còn 39.536 cơ sở hiện hữu còn tồn tại phòng cháy chữa cháy (PCCC); 55.000 tồn tại vi phạm có khả năng khắc phục được trên 29.000 cơ sở và 19.632 tồn tại vi phạm không thể khắc phục được.

Các vi phạm này đều là công trình chưa được thẩm định và nghiệm thu đã đưa vào hoạt động. Có những công trình đã hoạt động và cải tạo, cơi nới dẫn đến vi phạm PCCC, có những đơn vị biết quy định nhưng không chịu chấp hành.

Luật PCCC
Bộ Công an cho biết, hiện tại, qua kết quả rà soát và thống kê, trên toàn quốc còn 39.536 cơ sở hiện hữu còn tồn tại phòng cháy chữa cháy (PCCC); 55.000 tồn tại vi phạm có khả năng khắc phục được trên 29.000 cơ sở và 19.632 tồn tại vi phạm không thể khắc phục được

Theo Bộ Công an, nguyên nhân của các tồn tại này là do ý thức chấp hành PCCC của chủ đầu tư chưa nghiêm, hoặc chưa nắm rõ quy định, hoặc uỷ quyền cho đơn vị thi công liên hệ với cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này nên không nắm được trình tự, hồ sơ để giải quyết... Năng lực đơn vị tư vấn thiết kế còn yếu, chưa cập nhật được quy chuẩn về PCCC. Trong quá trình kinh doanh, chủ đầu tư, chủ xưởng... tự ý mở rộng quy mô sản xuất mà không chú ý đến nâng cấp PCCC.

Đáng chú ý, tại các địa phương đang tồn tại tình trạng cách đây 10-15 năm trước do chủ trương trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư nên công tác PCCC không được quan tâm một cách đúng mức. Khi kiểm tra lại, nhiều công trình sai phạm nghiêm trọng là đất lấn chiếm, đất xen kẹt, đất nông nghiệp, không có PCCC làm ảnh hưởng đến công tác PCCC, vì không thể thẩm duyệt được PCCC.

Từ những thực trạng đó, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an và Bộ Xây dựng xây dựng lại bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.

Bộ Xây dựng: Nhiều địa phương hiểu chưa đúng về việc áp dụng quy chuẩn PCCC

Tiếp ý của Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã phối hợp rà soát và đã có báo Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan tới trách nhiệm của Bộ xây dựng trong công tác PCCC có 2 trách nhiệm chính: Liên quan tới công tác quy hoạch đảm bảo với việc PCCC và xây dựng, ban hành các quy chuẩn về PCCC (liên quan kết kết cấu, vật liệu xây dựng,...).

Theo Bộ trưởng Nghị, QCVN 06:2022/BXD (quy chuẩn 06) Bộ Xây dựng ban hành năm 2020 và 2021 nhằm thay thế cho quy chuẩn được ban hành lần đầu năm 2010, nhưng nội dung thay đổi không lớn, chủ yếu nhằm cập nhật, đáp ứng ngay các biến động và các yêu cầu của thực tiễn, thể hiện sự quan tâm lớn của quản lý nhà nước đối với công tác an toàn cháy. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật PCCC
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

"Nếu so sánh QCVN 06:2022/BXD trong tương quan với một số quốc gia khác thì nhìn chung phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Ví dụ, với nhóm nhà xưởng, các quy định của Việt Nam ở mức trung bình thấp. Với nhóm nhà dân dụng, quy mô trung bình trở lên các quy chuẩn của chúng ta tương đối linh hoạt, cơ chế linh hoạt cho các địa phương áp dụng; Với nhóm nhà dân dụng quy mô nhỏ thì quy chuẩn Việt Nam tương đối mở và tốt hơn", Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.

Do đó, Bộ trưởng Nghị nhận định, nếu nói quy chuẩn Việt Nam cao hơn so với thế giới, không khả thi, không có chuyển tiếp là chưa chính xác. Nhất là các khó khăn vướng mắc hầu hết tồn tại trước khi ra QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực. 

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, nhưng đến giờ này, hầu hết các vấn đề Bộ tiếp thu thì đã có những giải trình cụ thể, có phụ lục và có đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, mọi người có thể vào theo dõi để biết rõ hơn về các quy chuẩn và vướng mắc.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nghị cũng cho biết, QCVN 06:2022/BXD là một quy chuẩn khó, vì liên quan nhiều quy chuẩn kỹ thuật có liên quan mật thiết với nhau, nên yêu cầu đòi hỏi cần có sự nghiên cứu, khảo nghiệm thực tế, đến các đơn vị có kiến thức chuyên môn sâu. Tuy nhiên, trong một quy chuẩn không thể nào giải thích rõ hết được trong quy định, nên Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục biên soạn, phổ biến kiến thức để áp dụng QCVN 06:2022/BXD này.

Về các khó khăn, vướng mắc chủ yếu về PCCC, Bộ Xây dựng cho rằng đối với các công trình hiện hữu có vi phạm về PCCC được thi công xây dựng và khai thác sử dụng trong nhiều giai đoạn, thời điểm khác nhau mà không được xử lý kịp thời. Theo báo cáo của các địa phương thì vẫn áp dụng các quy định mới cho các công trình hiện hữu. Đây là cách hiểu không chính xác với nguyên tắc chuyển tiếp của quy chuẩn và nguyên tắc không hồi tố của văn bản pháp luật.

Thứ hai, số lượng cơ sở vi phạm thuộc diện không thẩm định, phê duyệt về PCCC chiếm tỉ trọng lớn nhất (66,2%). Thông thường, khi công trình không phải thẩm duyệt về PCCC thì các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC cũng ít được quan tâm, dẫn đến những vi phạm, tồn tại về PCCC khó khắc phục. Bộ Xây dựng cho rằng vấn đề này cần được lưu ý và có giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp, chủ đầu tư,... hiểu và có ý thức ngay từ khâu thiết kế, tránh để tình trạng công trình xây xong rồi khó khắc phục.

Luật PCCC
Các Bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan đã đưa ra rất nhiều ý góp ý xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về phòng cháy, chữa cháy trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Thứ ba, các vi phạm nguyên tắc an toàn cháy cơ bản chiếm tỉ trọng lớn nhất (63,1%). Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay rà soát được 8114 công trình đưa vào sử dụng nhưng còn tồn tại về PCCC chưa được nghiệm thu. Điều này cho thấy, ý thức tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và trang bị kiến thức an toàn cháy cơ bản của chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn còn hạn chế.

Đối với công trình xây mới hoặc cải tạo sửa chữa mới, ông Nghị cho biết, vấn đề chuyển tiếp đối với các công trình đang trong giai đoạn thiết kế, góp ý hoặc thẩm duyệt về PCCC, nghiệm thu về PCCC. Còn trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC thì có mấy vấn đề cần chú ý.

Như về sơn chống cháy, QCVN 06:2022/BXD và tất cả các phiên bản quy chuẩn 06 khác đều không quy định về sơn chống cháy. Sơn chống cháy chỉ là một trong những giải pháp trong thực tiễn để bảo vệ kết cấu, còn nhiều giải pháp khác cũng được sử dụng. Thông tin cho rằng chỉ có 1, 2 nhãn hiệu sơn chống cháy ở Việt Nam cũng chưa chính xác. Theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP có khoảng 10 nhãn hiệu sơn.

Về các yêu cầu giới hạn chịu lửa của bộ phận lợp mái: Trước hết đây là yêu cầu cần thiết để đảm bảo ngăn cháy lan bên trong công trình do cháy lan mặt trong hoặc mặt ngoài mái, tránh sập đổ sớm phần mái. Các nước trên thế giới đều có những quy định tương tự hoặc cao hơn Việt Nam. Thực nghiệm tại Việt Nam cho cụm mái hoàn toàn đảm bảo yêu cầu quy chuẩn.

Thứ ba về các yêu cầu đối với đặc tính kỹ thuật cháy của vật liệu hoàn thiện, trước hết là một trong những yêu cầu an toàn cháy cốt lõi. Nhiều vụ cháy nguy hiểm cho con người đều do cháy vật liệu hoàn thiện (điển hình là vụ cháy karaoke ở Bình Dương năm 2022). Do đó, quy định về tính cháy của vật liệu hoàn thiện là yêu cầu bắt buộc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Quy định này đã được tham khảo ở các nước trong khu vực.

"Thứ tư là cải tạo sửa chữa. QCVN 06:2022/BXD đã làm rõ các nội dung cải tạo sửa chữa cần tuân thủ quy chuẩn và thu hẹp đáng kể phạm vi áp dụng, chỉ trong trường hợp cải tạo sửa chữa làm tăng nguy cơ cháy của công trình mới áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp hiểu sai, cho rằng phải áp dụng quy chuẩn mới cho toàn bộ công trình. Nội dung này sẽ được Bộ Xây dựng xem xét đưa vào trong tài liệu Hướng dẫn áp dụng QCVN 06:2022/BXD", ông Nghị nhấn mạnh.

Qua đó, Bộ xây dựng nhận thấy, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn về PCCC chưa nhận thức đúng về quy định, tiêu chuẩn PCCC nói chung và QCVN 06:2022/BXD nói riêng. Tồn tại nhiều nội dung bị hiểu sai, áp dụng sai. Và có những nội dung dù đã được quy định từ lâu, nhưng không được quan tâm đến nay khi tăng cường quản lý về PCCC mới nhận thức được, cho thấy còn hạn chế nhất định về sự nắm bắt và tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn.

UBND TP. HCM: 40 kiến nghị về PCCC, 7 kiến nghị về quy chuẩn

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề này cần nghe thêm ý kiến của các địa phương và doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về vấn đề. Do đó, ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM đã có ý kiến về vấn đề này. Ông Châu cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công an và Bộ Xây dựng, TP. HCM đã tổ chức họp các doanh nghiệp lại với 300 doanh nghiệp và tháo gỡ những vấn đề doanh nghiệp đang mắc phải.

Đối với nhóm các công trình, tổng số có 629 dự án vi phạm PCCC. Trong đó cơ sở còn tồn tại vi phạm PCCC khó có khả năng khắc phục là hơn 200 cơ sở. Trên cơ sở đó, TP. HCM đã hướng dẫn, tháo gỡ cụ thể là cho 896 cơ sở, trong đó, kiểm tra hoạt động cho hơn 300 cơ sở, khắc phục cho 486 cơ sở (219 cơ sở là cam kết thực hiện, 100 cơ sở không có khả năng khắc phục).

Luật PCCC
Ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP. HCM

Qua quá trình thực tiễn, TP. HCM đã có những kiến nghị cho Bộ Công an về PCCC, cụ thể là có 40 kiến nghị về PCCC, 7 kiến nghị về QCVN 06:2022/BXD.

"Thứ nhất, xuất phát từ thực tiễn, khó khăn, vướng mắc của địa bàn TP. HCM, chúng tôi có đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 136 ngày 24/1/2020 cần chi tiết một số điều về biện pháp thi hành luật PCCC theo hướng giảm đối tượng thực hiện thực nghiệm, nghiệm thu đối với những nhà, công trình đang hoạt động theo hướng tăng cường vai trò, hướng dẫn của các cơ quan quản lý PCCC địa phương", Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nói.

Ngoài ra, sửa đổi quy định ở khoản 12, Điều 13 theo hướng tăng cường công tác giải quyết các thủ tục hành chính về PCCC từ cấp cục của Bộ Công an, đến cấp tỉnh, cấp huyện theo các quy mô cuộc họp. Bãi bỏ quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 13 về chấp thuận địa điểm xây dựng đối với công trình quy định tại Điều 15,16, phụ lục 5 ban hành kèm theo Nghị định 136.

Lý do, sau khi thực hiện chấp thuận địa điểm xây dựng, các cá nhân thực hiện sẽ yêu cầu Cảnh sát PCCC thẩm định thiết kế kỹ thuật mà không cung cấp địa điểm chấp thuận cho cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Do đó, cần đơn giản hoá thủ tục về vấn đề này.

"TP. HCM đề nghị nghiên cứu, bổ sung kết quả phê duyệt kết quả dự án thẩm định thiết kế xây dựng, giấy phép xây dựng và thành phần nghiệm thu PCCC tại khoản 2, Điểm 15. Lý do để phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 13", ông Ngô Minh Châu nói.

Ngoài ra, ông Châu cũng cho biết, TP. HCM còn đề nghị ban hành cụ thể hướng dẫn điều kiện và trang bị phương tiện PCCC cho nhà ở, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất tại khoản 3, Điều 54 Luật PCCC năm 2021, sửa đổi bổ sung năm 2023.

Thứ 3, tại đô thị lớn như TP. HCM, các nhà dọc theo các tuyến đường đô thị đều được chuyển đổi thành nhà kinh doanh có quy mô nhỏ, dưới 7 tầng trở xuống và diện tích dưới 200m2, nhưng khi áp dụng các quy định theo QCVN 06:2022/BXD rất bấp cập, nhất là việc thoát nạn ra ngoài trực tiếp, các yêu cầu về thang thoát nạn, bể nước chữa cháy. Do đó TP.HCM cho đề xuất cần nghiên cứu, xây dựng quy định riêng cho các nhà công trình ở đây cho phù hợp thực tiễn.

Thứ 4, đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định yêu cầu riêng cho các công trình hiện hữu đang hoạt động và cả những công trình đã nghiệm thu theo các quy định PCCC trước đây, có cải tạo sửa chữa, nhưng không thực hiện được theo quy định tại Điều 114 QCVN 06:2022/BXD.

Cuối cùng, nghiên cứu quy định kích thước bãi đỗ xe, quay xe dành cho xe chữa cháy tại QCVN 06:2022/BXD cho phù hợp với thực tế. Bổ sung quy định riêng cho nhà, công trình tại các khu đô thị đang hiện hữu tại nơi nhỏ hẹp, hạn chế về giao thông, khó tiếp cận.

UBND TP. Hà Nội: Quy chuẩn viện dẫn chưa đúng dẫn đến việc hiểu, áp dụng gặp khó khăn

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, những ngày đầu năm 2022, 2023 đã xảy ra những vấn đề nghiêm trọng về PCCC của Hà Nội và cả nước. Thành phố Hà Nội đã có những văn bản về vấn đề này, mới đây nhất là ngày 28/2/2023 đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng nêu 3 vấn đề, nội dung về QCVN 06:2022/BXD.

Thứ nhất, một số nội dung trong QCVN 06:2022/BXD cần sửa đổi do lỗi chính tả, hoặc viện dẫn chưa đúng theo quy chuẩn kỹ thuật dẫn đến việc hiểu, áp dụng gặp khó. Ngoài ra, một số nội dung quy định trong quy chuẩn chưa đảm bảo tính thống nhất, có nhiều cách hiểu cần được hướng dẫn làm rõ.

Luật PCCC
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh

"Chúng ta được học đầy đủ còn không hiểu hết các quy định thì dân sao hiểu hết, đặc biệt là cán bộ cơ sở làm việc chưa nghiêm túc càng gây khó khăn cho cá nhân, doanh nghiệp thực hiện. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc hiểu không hết, hiểu sai quy chuẩn hiện nay rất nhiều. Tôi mong Bộ Xây dựng và Bộ Công an cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để cán bộ thực thi và hướng dẫn hiểu được vấn đề", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định.

Ngoài ra, ông Thanh cũng cho biết, một số quy định, nội dung trong QCVN 06:2022/BXD chưa phù hợp, còn bất cập trong quá trình áp dụng vào thực tế, đề nghị cần chỉnh sửa. Có 22 vấn đề về vấn đề này.

"Thành phố Hà Nội cũng đang cố gắng khắc phục các tình trạng hiểu sai, để cá nhân, chủ đầu tư gỡ được vướng mắc. Nhưng những công trình nào sai thì cần phải xử lý, nhất là Karaoke thì chúng tôi nhất quyết không nhân nhượng", Chủ tịch Hà Nội cho biết.

Về những vấn đề mà Chủ tịch Hà Nội đưa ra, đại diện Bộ Công an cũng cho rằng TP. Hà Nội là một trong những thành phố rất chủ động trong việc PCCC, ngay cả khi chưa có Nghị định của Thủ tướng, TP. Hà Nội đã chủ động ban hành các giải pháp như Nghị quyết số 05 để giải quyết gần 3.000 cơ sở liên quan tới khắc phục và xử lý tồn tại và hạn chế về PCCC.

Nhưng theo ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, thời gian vừa qua, trên cả nước xảy ra tình trạng gần 40.000 công trình đã và đang hoạt động nhưng vi phạm về PCCC. Trong đó, có nhiều công trình thuộc diện phải nghiệm thu PCCC nhưng không đáp ứng bất kỳ điều kiện gì, không có bất kỳ thiết bị gì về PCCC.

Đặc biệt, có những khu công nghiệp, cụm công nghiệp thu hút đầu tư không có bất cứ một thủ tục gì về PCCC của cụm công nghiệp và các nhà xưởng trong đó. Nên việc cháy nổ dễ xảy ra và hiện hữu rất là lớn. Qua tổng kiểm tra, đến thời điểm hiện nay, Bộ Công an nhận thấy, các hộ kinh doanh kết hợp nhà ở chiếm 50% vụ cháy và chiếm trên 50% số người chết.

"Điều này dẫn đến sự bức bối. Nguyên nhân là do trước đây không ai để ý, đúng cũng được, sai cũng được. Có những quy định từ 2011, 13 năm rồi thực hiện không có kiến nghị, nhưng giờ yêu cầu phải thực hiện lại khó khăn và không muốn thực hiện. Do đó, khi thực hiện quản lý nghiêm thì sẽ bộc lộ rất nhiều vấn đề, đó là điều đương nhiên", ông Long nhấn mạnh.

Ngoài ra, hiện nay, trong quá trình kiểm tra, nhiều đơn vị phản ánh gặp khó khăn, nhưng khi đi kiểm tra thì lại thấy công trình không có bất cứ quyết định nào vẫn thi công và giờ yêu cầu được thẩm duyệt và nghiệm thu và đưa vào sử dụng thì Bộ Công an không thể phê duyệt được.

"Ví dụ, doanh nghiệp Trung Quốc xây nhà máy tại tỉnh Bắc Ninh không có bất cứ một thủ tục hay giải pháp nào cho PCCC nhưng nhất quyết kiến nghị với UBND tỉnh Bắc Ninh là đang gặp khó khăn, thủ tục rườm rà... gây khó dễ và yêu cầu phải nghiệm thu để đưa vào sử dụng", Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ.

Hiệp hội VFRA: Năng lực của các tổ chức kiểm định của Việt Nam hiện nay không đáp ứng được yêu cầu

Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội VFRA kiến nghị 3 vấn đề: Công tác PCCC; Công tác thẩm duyệt công tác PCCC; Công tác dự thảo các tiêu chuẩn quy chuẩn.

Thứ nhất, công tác PCCC: Đề nghị các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác tăng cường xã hội hoá kiểm định thiết bị PCCC, vật liệu, kết cấu có thể chịu lửa không chỉ là việc xã hội hoá công tác thực nghiệm mà còn xã hội hoá cả công tác kiểm định. Trên cơ sở trung tâm pháp nhân được cấp phép thử nghiệm và kiểm định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Luật PCCC

Các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị Bộ Công an và Bộ Xây dựng khi ngồi họp về các quy chuẩn thì cần có sự tham gia của các Hiệp hội và doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong thời gian trước mắt, năng lực của các tổ chức kiểm định của Việt Nam hiện nay không đáp ứng được yêu cầu. Thực tế, nhiều vật liệu kiểm định phải chờ từ 3 đến 6 tháng mới được kiểm duyệt, hoàn tất. Hiệp hội đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét cho phép trong một khoảng thời gian (ví dụ 2 năm, từ nay đến 31/12/2025) xem xét công nhận báo cáo thử nghiệm, kết quả thử nghiệm hay là giấy chứng nhận kiểm định của các trung tâm kiểm định.

Thứ hai, công tác thẩm duyệt công tác PCCC: Khi xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cần có sự thống nhất giữa cơ quan quản lý Nhà nước phụ trách thẩm duyệt với các cơ quan chịu trách nhiệm về công tác soạn thảo, xây dựng, ban hành. Trong trường hợp chưa có sự thống nhất thì Hiệp hội đề nghị lực lượng PCCC của Trung ương và các tỉnh thành chỉ chịu trách nhiệm về công tác thẩm duyệt đối với những phương tiện PCCC. Còn với việc thẩm duyệt những hạng mục khác thì đề nghị để cho các cơ quan quản lý Nhà nước khác thực hiện.

Thứ ba, công tác dự thảo các tiêu chuẩn quy chuẩn: Hiệp hội kiến nghị với những quy chuẩn mới được ban hành chỉnh sửa và mới đưa vào hiện nay cần thu thập ý kiến của các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng để xem xét, điều chỉnh, sửa đổi.

Hiệp hội VACC: QCVN 06:2022/BXD chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có nói nếu so sánh QCVN 06:2022/BXD trong tương quan với một số quốc gia khác thì nhìn chung phù hợp với thực tiễn Việt Nam thì chưa chuẩn. Vì trong các quy chuẩn đó thì có khá nhiều quy chuẩn cao hơn so với thực tiễn. Do đó, nên tham khảo ý kiến của các đối tượng là đơn vị áp dụng, phải thực hiện.

"Ví dụ, chúng ta yêu cầu, với toà nhà cao trên 20 tầng thì cần phải có tầng lánh nạn, nhưng khi xảy ra hoả hoạn, người chạy nạn không ai chui vào tầng lánh nạn để trú, mà họ sẽ có tâm lý chạy ngay ra ngoài. Trong khi, phòng lánh nạn đó không được tận dụng, như vậy, cả một toà nhà bỏ không một tầng. Đây là một quy định vừa ảnh hưởng tới kinh tế, vừa gây ảnh hưởng tới thi công", ông Hiệp nói.

Theo Hiệp hội VACC, khi ban hành quy chuẩn cần có đánh giá, xem xét sát với thực tế. Do đó, cần tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp. Và khi kiểm tra thì nên lược bớt các khâu, tránh gây quá nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Theo ông Hiệp lý giải, mỗi một lần đến đợt kiểm tra thì doanh nghiệp phải tiếp rất nhiều đoàn và đi kèm là rất nhiều cán bộ, chứ không phải 1,2 cán bộ.

Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA và Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam -VACOD: Luật PCCC, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC không có tính hồi tố

Liên quan tới vấn đề này, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội - HBA, cũng bày tỏ quan điểm rằng, dù thời gian nhận được thông báo về cuộc họp rất ngắn, nhưng chỉ trong một buổi sáng hôm nay đã có trên 50 doanh nghiệp kiến nghị về vấn đề này và muốn gửi tới Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành.

Luật PCCC
TS. Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội - HBA, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD phát biểu tại cuộc họp

TS. Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội – HBA, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD nhấn mạnh:
"Qua báo cáo của Bộ Công an, Bộ Xây dựng, TP. Hồ Chí Minh, chúng ta cũng thấy sai phạm đang tồn tại khá nhiều. Và bản thân các doanh nghiệp tại Thủ đô cũng đang gặp khá nhiều khó khăn, cụ thể là việc triển khai luật PCCC. Trong đó có 3 vấn đề ", ông Sơn nói.

Thứ nhất, tính pháp lý của Luật PCCC có 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là trước 2001 là khi ban hành Luật PCCC; Giai đoạn hai là thời điểm 2013, sửa đổi luật PCCC và có hiệu lực từ 1/7/2014. Bây giờ phải xác định tính chuyển tiếp của luật, vì thời điểm đó TS. Nguyễn Hồng Sơn với tư cách là Đại biểu Quốc hội, tham gia vào việc biểu quyết luật và ngay từ thời gian đầu đã có những vướng mắc được các Doanh nghiệp có ý kiến thì TS. Sơn đã cùng làm việc với Uỷ Ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc Hội và Cục Phòng cháy, chữa cháy Bộ Công An đã khẳng định rằng luật không có hồi tố.

"Cho nên, tôi đề nghị phải xác định vấn đề này. Và theo báo cáo của của Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định về mặt quy chuẩn trước hết là luật là không có tính hồi tố, còn quy chuẩn là trách nhiệm của Bộ Xây dựng nêu ra thì Bộ cũng khẳng định không có tính hồi tố", Chủ tịch HBA-VACOD khẳng định.

Theo Chủ tịch HBA-VACOD, vấn đề này phải công khai, công bố, mà không chỉ Bộ trưởng Bộ Xây dựng công bố mà Chính phủ, các tỉnh thành phố cũng đều phải công bố vấn đề này để các doanh nghiệp, cá nhân được biết. Bộ trưởng Nghị đã phát biểu, công trình được xin phép thẩm định, xây dựng ở giai đoạn nào thì được áp dụng quy chuẩn của giai đoạn đó. Do đó, Hiệp hội đề nghị các công trình được xây dựng tại các thời điểm chuyển tiếp thì phải áp dụng chuyển tiếp về PCCC vì Luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC không có tính hồi tố.

Thứ hai, vì không hồi tố, nên Chủ tịch Sơn cho rằng đối với việc áp dụng quy chuẩn PCCC sẽ có ba giai đoạn áp dụng luật: Công trình xây dựng từ trước năm 2001 là thời điểm ban hành Luật PCCC thì sẽ không xem xét yêu cầu thực hiện theo các quy chuẩn xây dựng về PCCC ban hành sau khi có luật PCCC năm 2001.

Công trình xây dựng từ 2013 trở về trước là thời điểm ban hành luật sửa đổi Luật PCCC thì áp dụng các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành trước năm 2014; Công trình xây dựng từ 2014 trở về sau mới phải áp dụng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC ban hành hiện nay, nhưng cũng theo nguyên tắc công trình xây dựng tại thời điểm nào thì áp dụng theo quy chuẩn hiện hành của thời điểm đó.

Ví dụ, khách sạn Hòa Bình (có địa chỉ tại số 27 phố Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bải, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) và Thăng Long Espana (có địa chỉ tại số 34 Hàng Bún, P.Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, TP Hà Nội) do Tổng Công ty Du lịch Hà Nội quản lý và sử dụng.

Cụ thể, khách sạn Hòa Bình thì đưa vào sử dụng từ năm 1926, còn Khách sạn Thăng Long Espana thì đưa vào sử dụng năm 1993, nhưng bây giờ doanh nghiệp phải áp dụng theo quy chuẩn xây dựng về PCCC hiện tại. Tại sao? Nếu bây giờ áp dụng những quy chuẩn hiện nay là sai, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cũng không thể thực hiện được.

Ví dụ thứ hai, có công trình xây dựng từ năm 2008 và đã đưa vào sử dụng từ năm 2010, đã có thoả thuận PCCC và Giấy phép xây dựng từ thời điểm đó nhưng bây giờ vẫn bị áp dụng theo các quy chuẩn mới. 

Luật PCCC
TS. Nguyễn Hồng Sơn Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD cũng bày tỏ quan điểm rằng, dù thời gian nhận được thông báo về cuộc họp rất ngắn, nhưng chỉ trong một buổi sáng hôm nay đã có trên 50 doanh nghiệp kiến nghị về vấn đề này và muốn gửi tới Phó Thủ tướng và các Bộ, ngành.

Tiếp đó, Chủ tịch HBA-VACOD cũng có ý kiến về những công trình mang tính chuyển tiếp của các giai đoạn. Cụ thể, doanh nghiệp có khiếu nại, trong quá trình đầu tư xây dựng, đang xây dựng lại thêm quy chuẩn mới và phải áp dụng. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn và nhiều vướng mắc mất nhiều thời gian và tăng chi phí.

"Do đó, tính không hồi tố có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Vì công trình triển khai trong giai đoạn nào thì áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn đó. Tránh tình trạng, cơ quan chức năng áp quy chuẩn mới cho những công trình đã và đang xây dựng trước thời điểm ban hành quy chuẩn mới “ Chủ tịch Sơn nhấn mạnh.

Thứ ba, các doanh nghiệp đang kiến nghị tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam đặt ra quá cao. Theo ý kiến của Chủ tịch HBA-VACOD thì tỷ lệ chi phí về PCCC trong một xuất đầu tư đối với các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình xây dựng công nghiệp đang ở mức quá cao, tỷ lệ này chiếm tới trên 20%.

"Tuy nhiên, tôi cũng đã nghe phát biểu của Bộ Xây dựng và Bộ Công an nói rằng tới đây 2 Bộ sẽ ngồi với nhau cùng rà soát lại những tiêu chuẩn này xem cao hay thấp? thì khi đó 2 Bộ cần lấy ý kiến của các Doanh nghiệp thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp", Chủ tịch HBA–VACOD đề nghị.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. đã ghi nhận những ý kiến của Chủ tịch HBA-VACOD và các đại biểu khác trong cuộc họp. Theo đó, Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến ý kiến của các lãnh đạo tham gia cuộc họp, đây sẽ là tài liệu quan trọng để tổng hợp đưa ra giải pháp giúp cho Thủ tướng giải quyết vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về PCCC trong các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản. Từ đó, Chính phủ sẽ ra Nghị quyết.

Ngoài ra, để giảm áp lực trong hoạt động thẩm duyệt, kiểm định về PCCC, Phó Thủ tướng cho rằng các cơ quan quản lý cần ban hành các quy định điều kiện để đẩy mạnh xã hội hoá; tăng cường đào tạo nhân lực về PCCC; có cơ chế công nhận, thừa nhận lẫn nhau về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC về thiết bị, vật liệu, công trình… của các nước tiên tiến.

Luật PCCC

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ sẽ ra Nghị quyết để giải quyết các vấn đề của PCCC

Yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC đối với các công trình hiện hữu, xây dựng mới bảo đảm nghiêm ngặt, phù hợp, an toàn.

Bộ Công an, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát và kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Chuẩn bị lộ trình pháp lý toàn diện, phù hợp, hiệu quả, khả thi; tăng cường đào tạo nhân lực; đẩy mạnh xã hội hoá để tăng cường năng lực cho lực lượng PCCC.

Các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp, hiệp hội chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào quá trình xây dựng, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC phù hợp với điều kiện thực tế.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...