Kinh tế tư nhân: Cây đã được tưới nhưng đất vẫn còn cằn

Được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế trong Nghị quyết 68, khu vực kinh tế tư nhân đang đứng trước thời cơ bứt phá, nhưng để biến kỳ vọng chính sách thành hiện thực, vẫn còn không ít rào cản cần được tháo gỡ...

kinh-te-tu-nhan-67e25c8e23097.jpg

Ngày 4/5, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.

Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt lịch sử, mở ra kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, đồng thời khẳng định vai trò then chốt của kinh tế tư nhân trong công cuộc xây dựng đất nước.

Tuy nhiên “một bàn tay không làm nên tiếng vỗ”, Nghị quyết 68 dù hay đến đâu cũng chỉ là văn bản nằm trên giấy nếu khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn không được thu hẹp lại.

THỰC TRẠNG ĐÁNG LO VÀ NHỮNG “LỰC CẢN VÔ HÌNH”

Phát biểu tại tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”, PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định: Nghị quyết 68 là một văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện nhận thức và khẳng định rõ ràng của Đảng về vai trò thiết yếu của kinh tế tư nhân trong thời đại mới. Đặc biệt, Nghị quyết đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, điều mà trước đây còn nhiều tranh luận. Đây là sự chuyển biến căn bản trong tư duy phát triển, góp phần mở rộng động lực đưa đất nước đi lên.

Tuy nhiên, ông Toản cũng thẳng thắn chỉ ra ba điểm nghẽn lớn khiến kinh tế tư nhân chưa thực sự bứt phá: nhận thức chưa đầy đủ và chưa thống nhất về vai trò của kinh tế tư nhân; thể chế, chính sách và bộ máy thực thi còn nhiều điểm nghẽn, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; bản thân khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu, tiềm lực hạn chế, chưa thực sự trở thành lực lượng đủ mạnh.

Tại tọa đàm, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đi thẳng vào những hạn chế nghiêm trọng của khu vực tư nhân hiện nay. Theo ông, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước khoảng 400 tỷ USD, trong đó khu vực FDI chiếm tới 300 tỷ USD. Đáng nói, khu vực tư nhân trong nước chỉ đóng góp khoảng 100 tỷ USD và một nửa trong số đó đến từ nông nghiệp.

“Nền công nghiệp Việt Nam hiện vẫn là một ‘nền công nghiệp zero’, đóng góp của khu vực tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp gần như bằng không”, ông Nghĩa thẳng thắn.

Nguyên nhân của thực trạng này không chỉ nằm ở việc chưa coi trọng đúng mức vai trò tư nhân, mà sâu xa hơn là chất lượng thể chế và chất lượng điều hành quốc gia. Ông dẫn chứng sự thất bại của nhiều nước Đông Nam Á – nơi mà dù kinh tế tư nhân chiếm gần như toàn bộ nền kinh tế, nhưng vẫn không đạt được sự phát triển mong muốn, bởi thể chế yếu kém, thiếu minh bạch và quản trị nhà nước chưa hiệu quả.

Ông Nghĩa cho rằng Nghị quyết 68 là một văn kiện quan trọng, thể hiện chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, không thể kỳ vọng chỉ nhờ một nghị quyết mà kinh tế Việt Nam sẽ đột phá. Nếu thể chế và bộ máy chính phủ không thực sự chuyển biến về chất lượng, Việt Nam có thể đi vào vết xe đổ của các nước Đông Nam Á – nơi từng kỳ vọng lớn vào khu vực tư nhân nhưng lại không đạt được thành công.

Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không có nguồn lực tài chính để đầu tư cho khoa học – công nghệ. Trong khi đó, tại các quốc gia như Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản… chính phủ đóng vai trò chủ lực trong việc tài trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển cho khu vực tư nhân. Theo vị chuyên gia này, chính nhờ sự hậu thuẫn này, các doanh nghiệp mới có thể tạo ra đột phá công nghệ và từ đó thúc đẩy công nghiệp hóa.

Nêu quan điểm cá nhân PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng, để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, vấn đề then chốt hiện nay là phải khơi thông các dòng vốn – cả ngắn hạn và dài hạn – một cách thực chất và hiệu quả.

Về nguồn vốn ngắn hạn, khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 50% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng, tương đương gần 7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải chịu mức lãi suất vay thương mại dao động 9% – 11%/năm, cao hơn mặt bằng chung trong khu vực ASEAN (6% – 7%/năm).

Khó khăn lớn nằm ở khả năng tiếp cận tín dụng, đặc biệt đối với các hộ kinh doanh cá thể. Theo khảo sát của VCCI năm 2023, có đến 45% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản đảm bảo hoặc không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ tài chính. Dù Nghị định 13/2023/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm Fintech trong ngân hàng đã có hiệu lực, nhưng kết quả triển khai vẫn còn hạn chế.

Ở góc độ vốn dài hạn, khu vực tư nhân Việt Nam mới chỉ huy động được khoảng 13% vốn qua thị trường chứng khoán – con số khiêm tốn so với mức 40% – 60% ở các nước phát triển. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm cũng còn ít, chỉ khoảng 30 quỹ đang hoạt động và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ, trong khi các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics vẫn “khát vốn”.

Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án đối tác công tư (PPP) cũng rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số dự án công trong giai đoạn 2016–2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực tế trên cho thấy, việc huy động vốn cho khu vực kinh tế tư nhân hiện còn vướng nhiều điểm nghẽn. Thứ nhất là thiếu đa dạng về kênh huy động vốn, khi phần lớn vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Thứ hai là hệ thống pháp lý liên quan đến tài chính và đầu tư tư nhân còn thiếu đồng bộ, đặc biệt chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và tư nhân.

Thứ ba, chính sách khuyến khích đầu tư tài chính dài hạn và vốn mạo hiểm chưa đủ hấp dẫn. Cuối cùng, việc thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và công cụ đánh giá năng lực tài chính khiến các doanh nghiệp tư nhân khó tạo được niềm tin với nhà đầu tư.

TỪ TƯ DUY CHÍNH SÁCH ĐẾN HÀNH ĐỘNG THỰC CHẤT

Tại tọa đàm, các diễn giả cũng đưa ra những góp ý nhằm giải quyết những điểm nghẽn, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân.

Theo PGS.TS Trần Quốc Toản, kinh tế tư nhân không phát triển mạnh nếu không giải được các bài toán lớn như: khó khăn trong tiếp cận đất đai; tiếp cận tín dụng còn hạn chế; chính sách công nghệ thiếu lực đẩy; và sự liên kết chuỗi còn rời rạc. Hệ sinh thái doanh nghiệp chưa hình thành rõ nét, đặc biệt trong nông nghiệp - ngành trụ cột của quốc gia.

Theo đó, cần có cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi cung ứng, phát triển mô hình liên kết sản xuất theo kiểu hình chóp như tại Đức, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ nhau trong chuỗi giá trị.

Trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, rất ít doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi bài bản, còn lại vẫn phụ thuộc vào biến động giá cả thị trường. Vì vậy, việc xây dựng thể chế phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển là yêu cầu cấp bách.

Đồng thời, cần cải cách hành chính triệt để, giảm thiểu các thủ tục rườm rà gây cản trở và xây dựng văn hóa kinh doanh minh bạch, có đạo đức, tránh tình trạng “hàng giả, thực phẩm giả, đạo đức giả” như đang tồn tại ở một số nơi.

Cuối cùng, một yếu tố then chốt là đào tạo đội ngũ doanh nhân có trình độ, có tầm nhìn và đạo đức nghề nghiệp. Nhà nước cần đóng vai trò chủ động trong việc hình thành lớp doanh nhân mới, đủ sức gánh vác trọng trách phát triển kinh tế tư nhân từ đó thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Dưới góc độ tài chính, PGS.TS. Nghiêm Thị Thà cho rằng, trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách tài chính, thông qua việc xây dựng luật hoặc nghị định riêng về tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, cần sửa đổi các luật liên quan như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, bổ sung cơ chế bảo lãnh tín dụng, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Một đề xuất đáng chú ý là thành lập Quỹ Phát triển tài chính tư nhân quốc gia nhằm cung cấp tín dụng ưu đãi dài hạn.

Bên cạnh đó, cần phát triển các kênh huy động vốn đa dạng hơn. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế là một hướng đi khả thi – điển hình như Trung Nam Group đã phát hành thành công hơn 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh cho dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận.

Nhà nước cũng cần khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư tư nhân theo mô hình “matching fund” – đối ứng giữa nguồn vốn công và tư, tương tự như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Đặc biệt, cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo gồm trung tâm ươm tạo, quỹ thiên thần, dịch vụ tư vấn pháp lý – tài chính và ứng dụng công nghệ tài chính như P2P lending, eKYC, gọi vốn cộng đồng một cách hiệu quả và có kiểm soát.

Hợp tác công – tư (PPP) cũng là một trụ cột quan trọng. Cần rà soát lại Luật PPP và các nghị định hướng dẫn để đơn giản hóa thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tư nhân. Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã chứng minh nếu có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng thì PPP hoàn toàn có thể thành công.

Ngoài hạ tầng giao thông, cần thí điểm PPP trong các lĩnh vực xã hội thiết yếu như giáo dục, y tế và xử lý nước thải với quy mô phù hợp. Một khía cạnh không thể bỏ qua là nâng cao năng lực tài chính và quản trị cho khu vực tư nhân.

“Tóm lại, việc huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, chính là nền tảng để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững. Để thực hiện được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa nhà nước, hệ thống tài chính – ngân hàng, các nhà đầu tư và bản thân các doanh nghiệp tư nhân.

Trong bối cảnh Nghị quyết 68 đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, khơi thông các dòng vốn cho khu vực này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là chiến lược then chốt để phát triển kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới”, PGS.TS. Nghiêm Thị Thà cho biết.

Xem thêm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Toàn bộ đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 68

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Toàn bộ đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết 68

Chủ trì Chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 10/5, Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn không khỏi tự hào về việc hầu hết các đề xuất, kiến nghị của HBA gửi lên Tổng Bí thư Tô Lâm góp phần tạo đột phá phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã được đưa vào nghị quyết 68 mang tính đột phá của Bộ Chính trị…

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết 68 định hình quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết 68 định hình quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, với các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ; định hình quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng...

Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia

Nghị quyết nêu rõ nguyên tắc sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm.

Có thể bạn quan tâm

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Thu Sa

Nghị quyết 68 là “cuộc cách mạng” về tư duy và thể chế

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng nên mạnh dạn trao lại những quyền chính đáng cho doanh nghiệp, bảo đảm các quyền cơ bản như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước...