Chủ tịch nước: Mục tiêu của cải cách tư pháp là gần dân, bảo vệ quyền lợi người dân

Chủ tịch nước Lương Cường lưu ý cơ quan tư pháp làm sao phải thực sự gần dân, sát dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân...

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu thảo luận
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu thảo luận

Chiều 8/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về các dự án luật này.

Phát biểu tại phiên họp Tổ 2, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội phân tích kỹ để đóng góp, hoàn thiện các dự án luật, đạt được mục đích đề ra, đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu hiện nay và sự phát triển sắp tới.

Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, mục tiêu của nước ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Đồng thời, phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp. Đặc biệt là mối quan hệ giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án khi bỏ cấp huyện, chỉ còn cấp xã cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Mục đích sửa luật để đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Mục tiêu của bộ máy, kể cả các cơ quan tư pháp, phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân; khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trên thực tiễn và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch nước Lương Cường, mục tiêu của nền tư pháp nước ta không chỉ là xử lý người vi phạm, mà cái chính là để giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong hệ thống chính trị và mọi người dân hiểu luật, tự giác tuân thủ pháp luật.

Nhấn mạnh rằng, cơ quan tư pháp phải thực sự gần dân, sát dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, Chủ tịch nước quán triệt, đây là việc khó nhưng phải làm. Các cơ quan Trung ương và các bộ, ngành đã thống nhất rất cao về chủ trương, nhân dân cũng rất đồng tình, ủng hộ, do đó các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, các cơ quan tư pháp phải làm sao để đáp ứng mục tiêu này.

Khẳng định đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng, có những điều chưa thể lường hết, Chủ tịch nước nêu rõ, luật pháp không phải một lúc là sửa được, do vậy phải bảo đảm chắc chắn khi xây dựng luật, làm sao để tuổi thọ của luật dài hơn, tránh trường hợp vừa ban hành luật xong đã phải sửa đổi, bổ sung.

Nhắc tới hiện tượng có người không hiểu luật nên làm sai luật, cũng có người hiểu luật nhưng lại “lách luật”, Chủ tịch nước yêu cầu công tác tư pháp phải góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về pháp luật, trước hết là trong lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân.

Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu thấu đáo về các vấn đề, đi đến thống nhất, đồng thuận, cùng tìm giải pháp tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống, nhất là vấn đề liên quan tới công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, vừa bảo đảm yêu cầu các cơ quan tư pháp được sắp xếp tinh, gọn, đồng thời hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Xem thêm

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Thu Sa

Nghị quyết 68 là “cuộc cách mạng” về tư duy và thể chế

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng nên mạnh dạn trao lại những quyền chính đáng cho doanh nghiệp, bảo đảm các quyền cơ bản như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước...

Có thể bạn quan tâm

Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia

Nghị quyết nêu rõ nguyên tắc sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế; giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm.

30/4 – Đất nước trọn niềm vui

30/4 – Đất nước trọn niềm vui

Những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước, hàng triệu lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, nhuộm đỏ rực những con phố, những bản làng, thôn xóm. Giữa tiếng nhạc rộn rã, tiếng hò reo náo động là những khuôn mặt rạng rỡ xen lẫn ánh mắt rưng rưng niềm xúc động. Một lần nữa, ký ức và khát vọng của dân tộc Việt Nam cùng trào dâng, như dòng sông cuộn chảy. Ngày 30/4 không chỉ là ngày đất nước liền một dải, mà hơn thế nữa, đó là ngày lòng người Việt Nam cùng thống nhất trong tự hào, trong yêu thương và khát vọng dựng xây một tương lai tươi sáng – ngày Đất nước trọn niềm vui...