Chưa rõ trách nhiệm vụ mất hơn 400 tỷ tại OceanBank Hải Phòng

24 sổ tiết kiệm hơn 400 tỷ đồng của khách hàng gửi tại ngân hàng OceanBank Hải Phòng bỗng dưng không còn giá trị.
Chưa rõ trách nhiệm vụ mất hơn 400 tỷ tại OceanBank Hải Phòng

Khách hàng của OceanBank chi nhánh Hải Phòng đang như ngồi trên lửa, bởi 24 sổ tiết kiệm hơn 400 tỷ đồng họ gửi tại ngân hàng này bỗng dưng không còn giá trị. Hiện, 3 cán bộ liên quan trực tiếp tới vụ việc này, trong đó có giám đốc chi nhánh đã bỏ trốn đang bị truy nã.

Khách hàng sốc nặng

Những ngày gần đây, hàng chục khách hàng liên tục tới trụ sở của OceanBank chi nhánh Hải Phòng để chờ đợi những động thái giải quyết của ngân hàng này về số tiền hơn 400 tỷ đồng họ gửi tiết kiệm nhưng lại không có tên trên hệ thống. Quá sốc trước việc số tiền lớn của mình có nguy cơ mất trắng, có người tụt huyết áp, bị ngất phải đưa đi cấp cứu.

Trước đó, hàng chục khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại OceanBank Hải Phòng hốt hoảng khi phát hiện nhiều sổ tiết kiệm của mình “không khớp” trong hệ thống ngân hàng dẫn tới việc họ không thể rút tiền. Theo thống kê gần nhất tại buổi đối thoại ngày 15/9, giữa đại diện lãnh đạo Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) với các khách hàng thì số khách hàng gửi tiền tại OceanBank chi nhánh Hải Phòng đã lên tới 24 người, với số tiền gửi tiết kiệm là hơn 400 tỷ đồng.

Ngày 18/9, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với ba bị can, với tội danh bị khởi tố "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm: Trần Thị Kim Chi (43 tuổi, Giám đốc OceanBank Hải Phòng từ năm 2010); Lê Vương Hoàng (36 tuổi, kiểm soát viên) và Nguyễn Thị Minh Huệ (35 tuổi, nguyên cán bộ OceanBank Hải Phòng). Cả ba người này trước khi bị truy nã đều sinh sống tại TP Hải Phòng, được xác định đã bỏ trốn vào tháng 9/2017.

Trong số 24 khách hàng, người gửi lâu nhất là từ năm 2012, người gửi mới nhất là năm 2016. Theo những khách hàng, thì những bước gửi tiền tiết kiệm của họ đều đúng theo trình tự thủ tục nên không ai nghi ngờ gì. Ông N.V.Tr., một trong số 24 khách hàng nói trên cho biết: “Chúng tôi tới làm thủ tục gửi tiết kiệm tại trụ sở của OceanBank Hải Phòng được hướng dẫn đầy đủ thủ tục, nộp tiền có biên lai, phiếu thu, sổ tiết kiệm có đầy đủ chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền của OceanBank. Suốt thời gian gửi tiền, theo định kỳ hàng tháng, hàng quý chúng tôi vẫn được chi trả lãi suất bình thường. Vậy, thử hỏi làm sao chúng tôi biết hay nghi ngờ đây là hoạt động lừa đảo của một vài cá nhân được? Tới tháng 8/2017, khi thấy OceanBank “có vấn đề”, chúng tôi tới rút tiền thì mới biết không thể rút được và được giải thích ngắn gọn là “không có trên hệ thống”.

Những ngày gần đây, bà D.P.Th., Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp tại Hải Phòng thất thần đứng ngồi không yên, bởi số tiền rất lớn mà bà cùng gia đình đã gửi tại OceanBank Hải Phòng có nguy cơ mất trắng. Bà Ph. cho biết: “Chúng tôi đã đặt trọn niềm tin vào OceanBank Hải Phòng khi gửi tiết kiệm. Sổ tiết kiệm của chúng tôi có đầy đủ cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, khi tới ngân hàng để rút tiền, lại nhận được thông báo là “không có trên hệ thống” và chúng tôi không được rút tiền”.

Không đồng ý chờ kết luận điều tra

Tại các cuộc họp giữa đại diện OceanBank với khách hàng, đa số ý kiến của khách hàng phản ứng dữ dội với việc kiểm soát của ngân hàng này. Bà D.Ph.Th. phản ứng: “Thông tin sổ tiết kiệm bị lỗi là điều không thể chấp nhận được, bởi bản thân OceanBank là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ thời điểm năm 2015, có những khoản tiền gửi để lập sổ tiết kiệm từ năm 2016 hiện vẫn bị "báo lỗi", vậy NHNN đã kiểm soát đặc biệt ở chỗ nào mà vẫn để xảy ra sự việc?”.

Ông Nguyễn Đình Mạc, Chánh thanh tra NHNN Hải Phòng xác nhận việc NHNN đang kiểm soát đặc biệt đối với OceanBank. Tuy nhiên, NHNN chỉ ban hành khung pháp lý và OceanBank có quy định nội bộ dựa theo khung đó. “Khi cán bộ làm việc không tuân thủ quy định, không làm đúng quy trình thì sẽ có sự gian dối. Hiện, những cán bộ đó cũng không có mặt ở đây, cơ quan điều tra đang xử lý, khi nào có kết luận trách nhiệm thuộc ngân hàng thì khi đó ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Hiện nay, sổ tiết kiệm đang không khớp nên rất khó để OceanBank chi trả”, ông Mạc chia sẻ với các khách hàng.

Đến nay, đã có tới 4 buổi đối thoại giữa Ngân hàng OceanBank với các khách hàng nhưng hướng giải quyết vụ việc vẫn đang bế tắc, khi các bên liên quan không có phương án giải quyết nào được đưa ra. Ông Ngô Anh Tuấn, Tổng giám đốc OceanBank cho biết: “Sự việc xảy ra là rất đau xót và đáng tiếc. Bản thân OceanBank cũng đã có 3 cuộc họp, tuy nhiên vì tính chất câu chuyện rất nghiêm trọng nên hiện giờ vẫn chưa có hướng giải quyết vụ việc”. Theo ông Tuấn, hiện Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ba thành viên thuộc ban lãnh đạo OceanBank Hải Phòng (hiện nay cả ba người này vẫn đang vắng mặt, không rõ tung tích). Trách nhiệm trước mắt của ngân hàng là cung cấp, giữ nguyên hiện trạng để chờ đến khi cơ quan điều tra có kết luận.

Không đồng ý với quan điểm phải chờ kết luận điều tra, bà Ph. bức xúc: “Chúng tôi không còn thời gian để chờ cơ quan công an kết luận rồi mới được rút tiền, bởi biết đến khi nào mới điều tra xong? Điều chúng tôi quan tâm là số tiền của chúng tôi có đầy đủ cơ sở pháp lý chứng minh thì tại sao giờ muốn rút ra lại không rút được?”.

Cùng quan điểm, ông N.V.Tr. cho biết: “Chuyện điều tra với việc trả tiền cho người có sổ tiết kiệm là hai việc khác nhau. Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu như sổ tiết kiệm sau này bị điều tra, phát hiện là giả. Còn trước mắt, để đảm bảo công bằng, ngân hàng phải sớm giải quyết, không thể nói chờ điều tra”.

Theo Việt Hoà/Báo Giao thông 

>> Truy nã 3 cán bộ OceanBank Hải Phòng

Có thể bạn quan tâm

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ chính thức không còn áp dụng Thông tư 02 khi văn bản này hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhiều nghi vấn đặt ra rằng điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong tương lai hay không...

Ngân hàng SHB giữ lãi suất tiết kiệm ổn định trong tháng 1/2025

Ngân hàng SHB giữ lãi suất tiết kiệm ổn định trong tháng 1/2025

Khảo sát tại ngân hàng SHB đầu tháng 1/2025, khung lãi suất tiết kiệm tại quầy và trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân của ngân hàng này được duy trì ổn định tại các kỳ hạn. Theo đó, 6,1%/năm là mức lãi suất cao nhất ghi nhận được tại ngân hàng này…