Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ khi nỗi lo ngân hàng quay trở lại

Chứng khoán Mỹ đã trượt giảm mạnh hôm 25/4 sau khi báo cáo thu nhập của First Republic một lần nữa làm dấy lo ngại về lĩnh vực ngân hàng…
chứng khoán Mỹ

Chỉ số Dow Jones giảm 344,57 điểm, tương đương 1,02%, xuống 33.530,83 điểm; S&P 500 mất 65,41 điểm, tương đương 1,58%, ở mức 4.071,63 điểm. Cả hai đều đánh dấu mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ 22/3. Trong khi đó, Nasdaq Composite giảm 238,05 điểm, tương đương 1,98%, xuống 11.799,16 điểm - ghi nhận  mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ 9/3.

Chỉ số Ngân hàng khu vực KBW giảm 3,9% khi cổ phiếu của First Republic lao dốc 49% xuống mức thấp kỷ lục. Tổ chức tài chính đang gặp khó khăn này đã báo cáo rằng hơn 72 tỷ USD tiền gửi đã được rút ra khỏi ngân hàng trong quý đầu tiên sau các diễn biến hỗn loạn trong ngành vào đầu tháng trước. Ngân hàng cũng công bố kế hoạch cắt giảm chi phí và lực lượng lao động từ 20-25% trong quý 2. Đồng thời, theo Bloomberg News đưa tin, First Republic hiện đang cố gắng bán các khoản cho vay và chứng khoán trị giá 100 tỷ USD để cơ cấu lại bảng cân đối kế toán.

Bà Carol Schleif, giám đốc đầu tư của BMO Family Office (Mỹ) cho biết: "Mọi người đang cố gắng tìm kiếm câu trả lời về sức khỏe của các ngân hàng khu vực nói chung. Điều thực sự quan trọng đối với các doanh nghiệp cỡ trung bình trong nước là các ngân hàng khu vực luôn khỏe mạnh".

Ở một khía cạnh khác, các chỉ số chính của Phố Wall đã phải chịu mức giảm sâu nhất từ đầu tháng đến nay. Một phần là bởi dự báo ảm đảm của công ty cung ứng và vận chuyển hàng hoá đa quốc gia United Parcel Service (UPS) làm trầm trọng thêm mối lo ngại của các nhà đầu tư về nền kinh tế Mỹ đang dần chậm lại. 

Cổ phiếu của UPS đã giảm 10%, mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 7/2006, sau khi công ty dự báo doanh thu cả năm ở mức thấp hơn so với mục tiêu trước đó. Tin tức này đã đẩy chỉ số Trung bình Vận tải Dow Jones giảm 3,6%, đánh dấu mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 9/2022. 

Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ khác, cổ phiếu của Microsoft Corp đóng cửa giảm 2,2% và là lực cản lớn nhất đối với S&P 500 trước thềm báo cáo hàng quý. Tuy nhiên, trong giao dịch sau giờ làm việc, cổ phiếu công ty đã có mức tăng phục hồi 4,6% nhờ báo cáo doanh thu vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích. 

Tương tự, cổ phiếu của Alphabet Inc đóng cửa giảm 2% nhưng tăng 4% trở lại sau giờ giao dịch khi doanh thu quý đầu tiên khả quan nhờ quảng cáo tăng và nhu cầu dịch vụ đám mây ổn định.

Cổ phiếu của công ty công nghệ y tế Danaher Corp giảm 8,8% sau khi hãng này cắt giảm dự báo tăng trưởng doanh thu hàng năm.

General Motors Co mất 4% vì cảnh báo của công ty về khả năng mức tăng giá vào năm 2022 sẽ không kéo dài trong năm tới, ngay cả khi hãng nâng dự báo lợi nhuận và dòng tiền cả năm.

S&P 500 đã công bố 22 mức cao mới trong 52 tuần và 7 mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 35 mức cao mới và 378 mức thấp mới.

Trên các sàn giao dịch của Mỹ, có 10,78 tỷ cổ phiếu được giao dịch so với mức trung bình 10,32 tỷ trong 20 phiên gần đây.

Về mặt kinh tế, các dữ liệu mới được công bố hôm 25/4 cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Trong khi đó, lo lắng về sự bất đồng của các nhà lập pháp ở Washington về việc nâng trần nợ của Mỹ cũng ngày một gia tăng. 

Bà Carol Schleif của BMO Family Office nhận xét: “Các nhà đầu tư đã cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh và chờ đợi dữ liệu kinh tế, báo cáo thu nhập mới và quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed)”. 

Các thị trường hiện chủ yếu kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang diễn ra vào ngày 2 và 3/5 tới. 

Có thể bạn quan tâm