Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 371,98 điểm, tương đương 1,17%, lên 32.246,55 điểm, chỉ số S&P 500 thêm 68,35 điểm, tương đương 1,76%, lên 3.960,28 và chỉ số Nasdaq Composite tăng 283,23 điểm, hay 2,48%, thành 11.717,28 điểm.
Lĩnh vực công nghệ đã đóng góp một phần không nhỏ vào mức tăng này, giúp thúc đẩy Nasdaq Composite đạt hiệu suất cao nhất kể từ ngày 2/2/2022. Nền tảng Meta và nhà điều hành Snapchat, Snap Inc đều tăng lần lượt 3,63% và 7,25% sau khi chính quyền Mỹ đe dọa áp đặt lệnh cấm đối với TikTok.
Vào đầu ngày, thị trường chứng khoán đã mở cửa thấp hơn sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên với quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Đây là một động thái cho thấy các ngân hàng trung ương vẫn quyết tâm tập trung vào việc đẩy lạm phát đi xuống mức mục tiêu.
Tuy nhiên, các cổ phiếu đã tăng tốc trong phiên giao dịch vào cuối buổi sáng, sau một báo cáo ban đầu từ Wall Street Journal cho thấy kế hoạch "giải cứu" một ngân hàng đang gặp khó khăn khác của Mỹ - Ngân hàng First Republic.
Các tổ chức tài chính lớn nhất của Mỹ, bao gồm JP Morgan Chase & Co và Morgan Stanley, sau đó đã xác nhận rằng họ sẽ gửi tối đa 30 tỷ USD vào Ngân hàng First Republic để giúp ổn định tình hình.
"Hành động của JP Morgan và Morgan Stanley phản ánh niềm tin vào hệ thống ngân hàng của đất nước," các ngân hàng cho biết trong một thông cáo chung. "Cùng nhau, chúng tôi đang triển khai sức mạnh tài chính và thanh khoản của mình vào hệ thống chung trong những thời điểm quan trọng và cấp thiết”.
Cổ phiếu của JP Morgan và Morgan Stanley lần lượt tăng 1,94% và 1,89%, trong khi Ngân hàng First Republic tăng 9,98%.
Trong khi đó, cổ phiếu của Credit Suisse đã tăng trở lại sau khi ngân hàng nhận được hạn mức tín dụng lên tới 54 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ để củng cố thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư.
Tâm lý tích cực đã lan rộng sang các tổ chức cho vay khác trong khu vực, với Alliance Bancorp và PacWest Bancorp tăng lần lượt 14,09% và 0,7%.
Chỉ số ngân hàng khu vực KBW tăng 3,26%, trong khi chỉ số ngân hàng của S&P 500 tăng 2,16%.
Những lo ngại về ngành ngân hàng đã làm náo loạn thị trường chứng khoán trong những ngày gần đây. Trước các phản ứng này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hệ thống ngân hàng của nước này vẫn hoạt động tốt và người Mỹ có thể yên tâm rằng tiền gửi của họ vẫn sẽ ở đó khi họ cần.
Về dữ liệu kinh tế của Hoa Kỳ, báo cáo hàng tuần về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã giảm xuống còn 192.000 so với 212.000 của tuần trước; chứng minh sức mạnh của thị trường lao động Mỹ.
Báo cáo này là một trong những dữ liệu kinh tế đáng chú ý nhất trước thềm cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đến nay, các thị trường vẫn chủ yếu đặt cược rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp vào tuần tới.
Tuy nhiên, theo ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics, nhận định: “Các thành viên FOMC có thể vẫn chưa quyết định phải làm gì vào tuần tới, do sự biến động của thị trường. Nhưng cuộc khủng hoảng giá cổ phiếu của Credit Suisse ngày hôm qua và - quan trọng hơn - là sự mất thanh khoản trên thị trường trái phiếu kho bạc, bên cạnh những thất bại của SVB, Silvergate và Signature, có vẻ như Fed sẽ phải tạm ngừng ý định tăng lãi suất của mình”.
“Theo quan điểm của chúng tôi, điều quan trọng ở đây là tránh mạo hiểm với sự ổn định của hệ thống; chứ không phải là khẳng định lại quyết tâm chống lạm phát”, ông Shepherdson nhấn mạnh.