Chứng khoán Mỹ chao đảo trước dữ liệu việc làm và sự bất ổn ngành ngân hàng

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên ngày 10/3 giảm hơn 1% khi các nhà đầu tư “tháo chạy” vì lo ngại về lĩnh vực ngân hàng và báo cáo dữ liệu việc làm tháng 2...
chứng khoán Mỹ

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 345,22 điểm, tương đương 1,07%, còn 31.909,64 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 56,73 điểm, tương đương 1,45%, xuống 3.861,59 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 199,47 điểm, hay 1,76%, còn 11.138,89 điểm.

Tất cả 11 ngành thuộc S&P 500 đều giảm điểm. Bất động sản dẫn đầu mức giảm với 3,3% trong khi hàng tiêu dùng thiết yếu có mức giàm thấp nhất là 0,5%. 

Phân ngành ngân hàng của S&P 500 đóng cửa giảm 0,5% với mức tăng 2,5% từ JPMorgan Chase và 0,6% từ Wells Fargo. Những cổ phiếu mất giá nhiều nhất là ngân hàng điện tử Silvergate, giảm 22,9% và ngân hàng First Republic, giảm 14,8%.

Ở các cổ phiếu riêng lẻ khác, Gap Inc đã mất 6,3% sau khi nhà bán lẻ công bố khoản lỗ trong quý 4 lớn hơn dự kiến và dự báo doanh thu cả năm thấp hơn ước tính của Phố Wall.

Oracle Corp mất 3% khi công ty phần mềm bỏ lỡ ước tính doanh thu quý 3.

S&P 500 không có mức cao mới trong 52 tuần và 40 mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 25 mức cao mới và 493 mức thấp mới.

Trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, 15,17 tỷ cổ phiếu đã được chuyển nhượng, cao hơn nhiều so với mức trung bình 11,13 tỷ trong 20 phiên gần đây.

Trong ngày 10/3, Phố Wall đã “tiêu hóa” hai sự kiện lớn trong thế giới tài chính là báo cáo việc làm tháng 2 của Mỹ và sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). 

Báo cáo việc làm của tháng 2 một lần nữa vượt qua kỳ vọng, khi nền kinh tế Mỹ có thêm 311.000 việc làm, cao hơn so với ước tính đồng thuận của các nhà phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,6% và tăng trưởng tiền lương tăng 4,6% hàng năm, chậm hơn so với dự kiến.

Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết mức tăng việc làm đáng chú ý nằm trong lĩnh vực giải trí và khách sạn, thương mại bán lẻ, chính phủ và chăm sóc sức khỏe, trong khi việc làm mới lại ít hơn ở lĩnh vực thông tin, vận chuyển và kho bãi.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã theo dõi chặt chẽ tất cả các khía cạnh của thị trường lao động khi ngân hàng trung ương cố gắng hạ nhiệt lạm phát. Báo cáo việc làm tháng 2 tiếp tục cho thấy chuỗi tuyển dụng vẫn còn “sức nóng”, ngay cả khi các dữ liệu khác gần đây chỉ ra rằng nền kinh tế đang mất dần động lực. 

Các dữ liệu kinh tế và những bình luận trong tuần này từ Chủ tịch Fed Jerome Powell đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 hay không. Phần lớn người tham gia thị trường đang đặt cược vào mức tăng này, theo công cụ CME FedWatch.

Bên cạnh đó, sự kiện mới đây trong lĩnh vực ngân hàng đã làm dấy lên những lo ngại khác cho các quan chức Fed khi chính sách tiền tệ thắt chặt đang gây ra áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng.

Các cơ quan quản lý ngân hàng ở California cho biết họ đã phải đóng cửa Tập đoàn tài chính SVB để bảo vệ số tiền gửi trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Khủng hoảng vốn tại SVB đã gây áp lực lên cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu.

SVB đã nỗ lực nhưng không thể củng cố bảng cân đối kế toán của mình. Cùng ngày, công ty cho vay tiền điện tử Silvergate Capital cũng thông báo ngừng hoạt động sau những tổn thất lớn từ vụ phá sản của sàn giao dịch tiền điện tử FTX.

Carol Schleif, giám đốc đầu tư của BMO cho biết: “Có mối lo ngại rằng các vết nứt có thể xuất hiện trong hệ thống tài chính do Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh mẽ. Điều đáng lo ngại là liệu nó có mở rộng ra các phân khúc khác của nền kinh tế hay không."

Bà Schleif và các nhà đầu tư khác hy vọng, các quy định được bổ sung vào hệ thống ngân hàng Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 sẽ ngăn chặn một thảm họa tương tự. “Nhưng mọi người vẫn rất lo lắng vì họ không muốn lịch sử lặp lại một lần nữa”, bà Carol Schleif nói thêm. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng thế giới lấy lại mốc 2.500 USD

Giá vàng thế giới lấy lại mốc 2.500 USD

Vàng thế giới có xu hướng tăng nhẹ khi giới đầu tư chờ đón một quyết định chính sách ôn hoà của Fed. Trong nước, giá vàng miếng SJC “bất động” ở phiên thứ 5 liên tiếp…

Vàng miếng bất ngờ giảm nửa triệu đồng/lượng

Vàng miếng bất ngờ giảm nửa triệu đồng/lượng

Sau nhiều phiên "bất động", giá vàng miếng trong nước đột ngột điều chỉnh giảm mạnh. Trên thị trường quốc tế, giá đảo chiều tăng nhẹ sau khi đồng USD suy yếu do báo cáo việc làm không như mong đợi....