Chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 22/7: “Đừng để công trình nghiên cứu có giá trị xếp gầm bàn, hãy đưa vào cuộc sống!”

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch hai Hiệp hội VACOD và HBA đã kêu gọi, thúc đẩy tăng cường sự kết nối giữa nhà khoa học và các doanh nhân nhằm nỗ lực tạo ra những sản phẩm giá trị phục vụ đời sống. Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng đề xuất, gợi mở một loạt những ý tưởng mang tính chất “đặt hàng”. Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận VACOD và HBA đang có những hoạt động thiết thực, bổ ích, hiệu quả…
Chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 22/7: “Đừng để công trình nghiên cứu có giá trị xếp gầm bàn, hãy đưa vào cuộc sống!”

Chương trình Bữa sáng doanh nhân sáng 22/7 do Chủ tịch Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng – VACOD và Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hà Nội – HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì. Chương trình còn có sự tham dự của GS. TS Phùng Xuân Nhạ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. GS.TS Phùng Xuân Nhạ là người đã rất quan tâm, gắn bó, đồng hành với Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội ngay từ khi thành lập Hiệp hội và từ buổi đầu mới thành lập Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội; PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương và PGS. TS Bùi Đình Tú - Quyền Chủ nhiệm khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano, Trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội cùng các thành viên hai Hiệp hội…

Nếu công trình tốt, doanh nghiệp sẵn sàng tiên phong áp dụng

Theo thông lệ của chương trình Bữa sáng doanh nhân, tuần này chương trình tiếp tục tổ chức kết hợp tọa đàm với chủ đề về các sản phẩm khoa học công nghệ của ĐHQG Hà Nội, trọng tâm là lĩnh vực Nông nghiệp và Môi trường với sự trình bày của PGS. TS Bùi Đình Tú.

bữa sáng doanh nhân
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại cuộc toạ đàm

Cụ thể, PGS. TS Bùi Đình Tú đã giới thiệu với các doanh nhân thuộc hai Hiệp hội về Hệ thống LED chiếu sáng ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và một số công nghệ năng lượng như bảo quản lạnh bằng công nghệ nano và Hệ thống pin lưu trữ cho các thiết bị điện tử.

Với Hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED cho cây rau mầm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002827, PGS. TS Bùi Đình Tú cho biết, nghiên cứu về Hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED đã được rất nhiều doanh nghiệp, chuyên gia quan tâm, nhưng đều dừng lại ở nghiên cứu một hệ thống chiếu sáng riêng lẻ hoặc là chỉ quan tâm đến nhiệt độ, độ ẩm, độ pH... Còn hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED này ngoài việc kích thích cây trồng sinh trưởng và phát triển, thân thiện với môi tường còn tăng cường hàm lượng chất dinh dưỡng cho cây và nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng.

Đặc biệt, hệ thống trên có thể điều chỉnh cường độ sáng để phù hợp với nhu cầu các loại khác nhau trong thời kỳ sinh trưởng khác nhau.

bữa sáng doanh nhân
PGS. TS Bùi Đình Tú giới thiệu một số công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao

Nhóm sản phẩm tiếp theo thuộc lĩnh vực giám sát môi trường, cụ thể là môi trường sinh – hóa trong các dự án nhà màng, nhà kính hay môi trường bảo quản thuốc…Nhóm sản phẩm công nghệ năng lượng gồm hệ thống pin lưu trữ dung lượng lớn cho các sản phẩm quân sự theo đơn đặt hàng của quân đội; hệ thống bảo quản lạnh ứng dụng công nghệ nano và vật liệu chuyển pha…

PGS. TS Bùi Đình Tú cho biết, đây chỉ là một số trong rất nhiều sản phẩm nghiên cứu công nghệ của Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano. Khoa nói riêng và trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội sẵn sàng nhận đặt hàng đề tài nghiên cứu của các doanh nghiệp.

Rất quan tâm đến đề tài nông nghiệp, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đánh giá trong HBA hiện có Tập đoàn Hồ Gươm là đơn vị đầu tư bài bản và mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đã từng bước khẳng định được thương hiệu và giá trị của mình trên thị trường. Chủ tịch Sơn đề nghị Tập đoàn Hồ Gươm cần tăng cường phát triển những sản phẩm nông nghiệp sạch, trước mắt khai thác tệp khách hàng là các doanh nghiệp của hai Hiệp hội.

Phát biểu tại chương trình, bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hồ Gươm, Phó Chủ tịch HBA bày tỏ vui mừng khi thông qua những chương trình Bữa sáng doanh nhân đã mang lại cơ hội cho các nhà khoa học gặp gỡ doanh nghiệp để cùng nhau hiện thực hoá những công trình có giá trị.

bữa sáng doanh nhân
Bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm, Phó Chủ tịch HBA

Với các công nghệ của ĐHQG Hà Nội trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Ty cho rằng nếu hệ thống đèn quang học nêu trên có thể điều chỉnh để phù hợp với các loại cây trồng, Tập đoàn Hồ Gươm sẵn sàng phối hợp để xây dựng mô hình sản xuất dưa lưới tại Lương Tài (Bắc Ninh).

Bên cạnh đó, bà Ty còn thắc mắc không rõ công nghệ ánh sáng trên có thể giúp kích thích để thực phẩm lâu hỏng hơn không? Bởi vừa qua, lô vải thiều không hạt của Tập đoàn xuất khẩu đang gặp khá nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo quản. Cụ thể, quả vải yêu cầu thời gian thu hoạch ngắn, nên phải xuất khẩu tiêu thụ hết trong thời gian ngắn. Trong khi đó, nhu cầu của  khách hàng là lâu dài, nên có tình trạng khách hỏi mua nhưng không còn hàng vì không thể bảo quản được lâu.

Bà Ty chia sẻ: “Vải thiều ngoài thị trường giá chỉ 15.000-20.000 đồng/kg trong khi vải thiều không hạt của chúng tôi giá 500.000-600.000 đồng/kg cũng không có đủ mà bán.  Xuất sang châu Âu, khách hàng thấy ngon quá đặt mua tiếp nhưng chúng tôi lại không còn hàng nữa. Như vậy là tiếp thị tốt nhưng phía mình gặp vấn đề nên vừa giới thiệu sản phẩm được tới khách hàng lại không duy trì được nguồn cung. Tiếc là hiện công nghệ bảo quản vải thiều không hạt chỉ được một tuần. Liệu có cách bảo quản nào duy trì được khoảng một tháng thì hay quá”.

Ngoài ra, bà Ty cũng đề xuất nên nghiên cứu sử dụng ánh sáng để hạn chế sâu bệnh trên cây trồng. Nếu có thể ứng dụng ánh sáng để giải quyết các khó khăn trên, theo bà Ty, sẽ có thể giảm được kinh phí sản xuất, giảm được giá thành sản phẩm, đưa được các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng đến cho đông đảo người dân. Bà Ty giãi bày quả thật làm nông nghiệp sạch công nghệ cao, an toàn nhưng giá thành cũng sẽ cao nên phải tính đến sự tiếp nhận của thị trường. “Thử hỏi chúng tôi hiện nay đang bán lá tía tô với giá 600-700 đồng/lá. Mỗi kg lá tía tô giá tới cả triệu bạc. Tiền triệu thì người tiêu dùng sẽ đứng trước lựa chọn khó khăn là tại sao không mua thịt bò mà lại đi mua mớ lá tía tô”, bà Ty bộc bạch.

Bên cạnh đó, về công nghệ làm lạnh ứng dụng trong bảo quản thực phẩm, hiện nay Tập đoàn Hồ Gươm cũng đang rất quan tâm đến mô hình làm lạnh sâu để bảo quản thực phẩm. “Nếu có, chúng tôi đặt hàng luôn. Chúng tôi sẵn sàng làm “chuột bạch” thử nghiệm các sản phẩm công nghệ hiệu quả của các nhà nghiên cứu tại ĐHQG Hà Nội”, bà Ty quả quyết.

Về phần mình, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Giám đốc phát triển Công ty CP Thương mại OIC cũng rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ nano để bảo quản lạnh.

bữa sáng doanh nhân
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc phát triển Công ty CP Thương mại OIC

Trả lời bà Tuyết về công nghệ bảo quản sản phẩm, PGS. TS Bùi Đình Tú cho biết đã có những nghiên cứu về ứng dụng ánh sáng để bảo quản sản phẩm. Tuy đã có những kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện.

Về công nghệ nano trong bảo quản lạnh, hiện đang sử dụng nano bạc để đảm bảo an toàn, đồng thời nano bạc cũng giúp chuyển pha vật liệu chậm hơn, giúp bảo quản lạnh tốt hơn. Ví dụ viên đá lạnh tan trong 1 giờ, nhưng sử dụng công nghệ nano sẽ giữ được tới 5 giờ. Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano hiện nay nghiên cứu cả về tính chất vật liệu nano, kết hợp cả vô cơ và hữu cơ để tăng tính sinh học.

Liên quan công nghệ bảo quản lạnh, chuyên gia Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ, vừa qua ông đã được giới thiệu công nghệ bảo quản sóng âm từ Nga, đảm bảo bảo quản thực phẩm tươi ngon dài ngày mà không làm thay đổi chất lượng sản phẩm như bảo quản quả vải trong 8 tháng, nhãn trong 10 tháng, xoài được 12 tháng… “Mục đích chúng ta nghiên cứu ra công nghệ là cạnh tranh với những công nghệ khác, vậy thì công nghệ bảo quản lạnh nano này đảm bảo được điều kiện bảo quản như thế nào, chất lượng, giá thành ra sao là điều đáng bàn?”, ông Dũng đặt vấn đề.

bữa sáng doanh nhân
Ông Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ tại cuộc toạ đàm

PGS. TS Bùi Đình Tú cho biết, Viện đang nghiên cứu công nghệ làm lạnh chậm để đảm bảo được cấu trúc hữu cơ của thực phẩm không bị vỡ trong quá trình bảo quản, đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm. Tuy nhiên, với mỗi loại thực phẩm sẽ cần một cách bảo quản khác nhau, còn liên quan đến tỷ lệ nước trong từng loại thực phẩm. Do đó, nếu doanh nghiệp cần bảo quản một loại thực phẩm nào đó, viện sẽ tiến hành nghiên cứu và đưa ra các phương pháp bảo quản tối ưu nhất.

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại New Sake cho hay trong VACOD có nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng, nên rất quan tâm đến công nghệ làm lạnh. Bà Lan băn khoăn công nghệ này có thể kéo dài bao lâu và đáp ứng các tiêu chí bảo vệ thực phẩm như thế nào?

bữa sáng doanh nhân
Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại New Sake

 Bà Hồ Thị Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cảnh Thịnh còn đề nghị nói rõ hơn về mặt kinh phí đầu tư cho công nghệ bảo quản trên. Bởi không nhiều doanh nghiệp có thể bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua những công nghệ từ nước ngoài.

Giải đáp về vấn đề chất lượng, PGS. TS Bùi Đình Tú cho biết vì sử dụng công nghệ nano bạc – vốn có tính kháng khuẩn nên hoàn toàn đảm bảo chất lượng. Viện đã nghiên cứu công nghệ này trong hơn 2 năm nay, đã bước đầu ứng dụng thí điểm cho các tàu cá. Hy vọng trong một năm tới, nhóm nghiên cứu sẽ có kết quả và đưa ra ứng dụng thương mại.

Luôn trăn trở về vấn đề nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cho nông nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đề nghị Tập đoàn Hồ Gươm sớm xây dựng mô hình trang trại cung cấp các loại thực phẩm sạch, trước mắt cho các doanh nhân của hai Hiệp hội. “Vẫn biết là làm sản phẩm nông nghiệp sạch giá không hề rẻ nhưng đây cũng là cách để Tập đoàn Hồ Gươm khai mở thị trường và khai thác tập khách hàng tiềm năng. Như gia đình tôi đây vẫn phải tự trồng rau ở quê để dùng thì mới yên tâm, vậy tại sao Tập đoàn Hồ Gươm không trồng rau sạch? Đảm bảo sẽ có thị trường tiêu thụ tốt, nhu cầu cao bởi ngay chính các doanh nghiệp hội viên ở đây cũng rất cần”. Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn gợi ý.

bữa sáng doanh nhân
Bà Hồ Thị Phúc - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cảnh Thịnh

Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng đề nghị các chuyên gia của ĐHQG Hà Nội nên kết hợp và tham gia mô hình này. Đây là cách để đề tài nghiên cứu của ĐHQG Hà Nội đi vào cuộc sống.

Riêng công nghệ làm lạnh bằng nano, đánh giá đây là công nghệ thiết thực và cần thiết đối với không chỉ các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, mà còn với từng hộ gia đình. Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đề nghị PGS. TS Bùi Đình Tú nghiên cứu và có các phương án linh hoạt, hiệu quả và nhanh chóng đưa vào thực tiễn.

“Các thầy đã có kết quả nghiên cứu, chỉ thiếu kinh phí để đưa ra thực tiễn thôi. Nếu các thầy tự tin triển khai được, cứ lên phương án áp dụng như thế nào, thời gian dự kiến, kinh phí thực hiện… và thông tin về cho Hiệp hội. Hiệp hội sẽ thông báo cho hội viên, hội viên sẽ đăng ký mua sản phẩm hiệu quả. Nếu thành công sẽ không thiếu đầu ra cho sản phẩm. Nếu làm được tủ bảo quản công nghệ nano bạc, riêng nhà tôi cũng sẵn sàng đặt hàng vài ba chiếc, chưa nói đến rất nhiều các doanh nghiệp có mặt tại đây. Đừng để các công trình nghiên cứu có giá trị xếp trong gầm bàn mà hãy đưa vào cuộc sống”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nói.

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn thông báo, dự kiến Chương trình Bữa sáng doanh nhân tuần đầu tháng 8/2023 sẽ diễn ra toạ đàm chuyên đề về chăm sóc sức khỏe. Trong đó, 2 đơn vị hội viên là Trung Tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông và Công ty Dược phẩm Tâm Bình sẽ giới thiệu các phương pháp chăm sóc sức khỏe tới hội viên.

“Cấy” gen quản trị Made in Vietnam để giúp doanh nghiệp thành công hơn

Cũng trong chương trình Bữa sáng doanh nhân tuần này, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn giới thiệu về PGS. TS Nguyễn Đăng Minh và công nghệ Quản trị tinh gọn GKM do PGS.TS Nguyễn Đăng Minh sáng tạo và phát triển.

bữa sáng doanh nhân
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn thông tin về PGS. TS Nguyễn Đăng Minh và công nghệ Quản trị tinh gọn GKM

 PGS.TS Nguyễn Đăng Minh là một học giả trẻ, có nhiều năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, do GS.TS Phùng Xuân Nhạ mời về Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội giảng dạy, nghiên cứu và được PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn đánh giá rất cao. Hiện PGS.TS Nguyễn Đăng Minh là Chủ tịch Sáng lập Viện quản trị Tinh gọn GKM, Công ty GKM Việt Nam. PGS.TS Minh còn là giảng viên Đại học Kinh tế, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQG Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Đăng Minh đã nghiên cứu chuyên sâu về triết lý quản trị tinh gọn và đang hướng tới việc phát triển phương pháp quản trị này trở thành công nghệ quản trị thuần Việt, phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Hiện tại, PGS.TS Nguyễn Đăng Minh đã lập nên Viện Quản trị Tinh gọn GKM (G: Gen; K: Kiến tạo; M: Made in Vietnam) với triết lý xây dựng quản trị tinh gọn, tinh hoa và xây dựng triết lý này thành một bộ gen với 5 cấp độ.

Cho rằng năng lực quản trị cực kỳ quan trọng với mỗi doanh nghiệp và tổ chức, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh càng là doanh nghiệp lớn, đa ngành nghề lại càng phải quan tâm đến năng lực quản trị doanh nghiệp.

bữa sáng doanh nhân
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn và GS.TS Phùng Xuân Nhạ

Với bộ gen 5 cấp độ của Quản trị Tinh gọn GKM, Viện của PGS.TS Nguyễn Đăng Minh sẽ “bắt bệnh” cho từng doanh nghiệp và ứng dụng từng cấp độ gen để “chữa bệnh”. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng và hấp thụ gen quản trị tinh gọn thành công, từ tập đoàn tư nhân tầm cỡ như Tập đoàn Trường Hải, hay trong mô hình doanh nhiệp nhà nước như Tổng Công ty Công trình Viettel… và đều gặt hái nhiều thành công.

Dẫn lời PGS.TS Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết, các quốc gia trong nhóm G7, quốc gia nào cũng có bộ gen phát triển. Tại châu Á, Việt Nam là một trong 3 nước có bộ gen phát triển.

Tuy khung giá thành tư vấn của Viện Quản trị Tinh gọn GKM không rẻ so với các phương pháp quản trị thông thường, nhưng hiệu quả đem lại là khác biệt. Về PGS.TS Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết đây là một con người bận rộn, nghiêm túc với các cam kết và không thích ồn ào. Do đó bộ gen của Viện Quản trị Tinh gọn GKM chỉ được áp dụng với một số doanh nghiệp có đủ độ quyết tâm và say sưa mà tìm đến, đặc biệt là sự quyết liệt của người đứng đầu. Tuy nhiên, với sự thuyết phục của Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn, PGS.TS Nguyễn Đăng Minh đã đồng ý lan tỏa và đưa bộ gen này nhằm đóng góp cho xã hội.

bữa sáng doanh nhân
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực VACOD lắng nghe chia sẻ về Công nghệ Quản trị tinh gọn GKM 

Phương án được đưa ra là áp dụng bộ gen này cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để đảm bảo lợi nhuận và tái đầu tư bộ gen này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách phù hợp để tạo ra nhiều giá trị hơn. Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhìn nhận điểm mạnh của Công nghệ Quản trị tinh gọn GKM nằm ở 3 điểm: tinh gọn, tinh hoa và thuần Việt.

Đối với Việt Nam, việc bộ gen này được lan toả rộng rãi sẽ góp phần nâng cao kỹ năng quản trị của các doanh nghiệp trong nước. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Trước mắt, hai bên đã thống nhất Viện Quản trị Tinh gọn GKM sẽ hỗ trợ đánh giá thực trạng và hỗ trợ đào tạo áp dụng Công nghệ quản trị tinh gọn Made in Vietnam cho 3 tổ chức gồm Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) và Tạp chí Thương Gia. Dự kiến, chiều ngày 26/7 tới, các bên sẽ có buổi làm việc để Viện Quản trị Tinh gọn GKM đánh giá thực trạng và bước đầu đưa ra các gen phù hợp với từng đơn vị.

Nói thêm về PGS.TS Nguyễn Đăng Minh, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết PGS.TS Nguyễn Đăng Minh đang học tại Việt Nam, nhưng đã quyết tâm sang Nhật để học bậc Cao đẳng khi chưa nắm vững tiếng Nhật, rồi từng bước học đến Thạc sĩ ở Đại học Tokyo, rồi Tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Nagoya Nhật Bản. Ông Minh từng trải nhiều vị trí công việc trong khoảng 8 năm làm việc tại Tập đoàn Toyota, trưởng thành từ vị trí nhân viên cho đến cấp quản lý dự án nên được Tập đoàn đào tạo khá bài bản và có nhiều kinh nghiệm thực tế. Thành công nơi xứ người như vậy nhưng khi hay tin cha gặp bạo bệnh, PGS-TS Nguyễn Đăng Minh đã chấp nhận từ bỏ tất cả để về Việt Nam chăm sóc cha, chứng tỏ là người con rất hiếu thảo.

bữa sáng doanh nhân
PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Đánh giá về vai trò của quản trị đối với doanh nghiệp, ông Sơn cho rằng, ngoài môi trường quốc tế và môi trường chính sách, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được quyết định bởi công nghệ và quản trị của doanh nghiệp. Trong đó, theo nhiều nhà nghiên cứu thì công nghệ chỉ chiếm có 30% còn quản trị quyết định tới 70% thành công của doanh nghiệp.

Về công nghệ Quản trị tinh gọn của PGS.TS Nguyễn Đăng Minh, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm một số điểm nổi bật: Thứ nhất là việc áp dụng công nghệ này trong doanh nghiệp sẽ giúp cắt giảm chi phí, cả chi phí hữu hình và chi phí vô hình nhưng quan trọng nhất là cắt giảm chi phí vô hình, loại chi phí khó nhận biết và khó cắt giảm nhất; Thứ hai là tầm quan trọng của “tâm thế” đối với quản trị doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp có “tâm thế” thì mới có thể áp dụng thành công công nghệ quản trị này. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ này sẽ mang tính “Taylor made”, tức là tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp để đưa ra cách áp dụng phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Có mặt tại Chương trình Bữa sáng doanh nhân, ông Nguyễn Đình Cường - Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Công trình Viettel tại Hưng Yên, đơn vị đã được thụ hưởng hiệu quả của công nghệ Quản trị tinh gọn GKM thừa nhận những ưu việt của công nghệ này. Hiện Tổng Công ty Công trình Viettel đang tuần tự triển khai đào tạo các lớp cán bộ trẻ dựa trên tâm thế của công nghệ này theo lịch trình 3 tháng một lần. Ông Cường kỳ vọng, trong thời gian tới sẽ được Hiệp hội kết nối với Viện Quản trị Tinh gọn GKM và PGS.TS Nguyễn Đăng Minh để được trao đổi nhiều hơn.

bữa sáng doanh nhân
Ông Nguyễn Đình Cường, Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Công trình Viettel tại Hưng Yên

Hào hứng với công nghệ Quản trị tinh gọn GKM, bà Ninh Thị Ty rất mong chờ có thể ứng dụng công nghệ này để Tập đoàn Hồ Gươm tăng hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững hơn nữa, góp phần đóng góp cho xã hội. “Là Anh hùng Lao động thật đấy, doanh nghiệp đông đảo thật đấy nhưng nói ra tôi cũng thấy xấu hổ khi mà buộc phải thừa nhận năng suất lao động của doanh nghiệp Việt chúng ta còn rất thấp so với thế giới và so ngay nước láng giềng Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng áp dụng công nghệ Quản trị tinh gọn GKM,  hiệu quả và lợi nhuận tăng lên thì chúng tôi cùng chia sẻ với Công ty GKM”, bà Ty nhấn mạnh.

Xem thêm

Bữa sáng doanh nhân 17/6: Thông báo nhiều nội dung quan trọng

Bữa sáng doanh nhân 17/6: Thông báo nhiều nội dung quan trọng

Sáng 17/6, chương trình “Bữa sáng Doanh nhân” tiếp tục được Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA tổ chức tại tầng 5, R&V - Wine Cellar & Restaurant, LK07 – số 25 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội...
Chương trình Bữa sáng doanh nhân VACOD-HBA: Kết nối nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp

Chương trình Bữa sáng doanh nhân VACOD-HBA: Kết nối nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa ĐHQG Hà Nội và VACOD-HBA, sáng 24/6, tại Chương trình Bữa sáng doanh nhân thường kỳ, VACOD và HBA đã phối hợp với ĐHQG Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề "Giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ ngành dược của ĐHQG Hà Nội” với sự trình bày của GS.TS. Nguyễn Thanh Hải (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược – ĐHQG Hà Nội)...

Có thể bạn quan tâm